Là một trong những người có đóng góp lớn trong phát triển Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Bằng những chương trình xúc tiến mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Australia và Việt Nam, Bà Joanna Wood- Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Austrailia tại Việt Nam đã có chia sẻ cùng Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống.
Là người theo dõi Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong nhiều năm, bà đánh giá thế nào về những phát triển của giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam?
Bà Joanna Wood: Trước hết tôi phải khẳng định rằng: Ở Việt Nam, Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực đào tạo nghề- coi đó là một trong ba mục tiêu chính để hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam. Tôi cũng nhìn thấy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có những động thái rất tích cực, dành nhiều năng lượng cho sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm vừa qua. Trong nỗ lực đó, tôi nhìn thấy rất rõ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang muốn xây dựng một hệ sinh thái làm sao để tốt nhất cho giáo dục nghề nghiệp bao gồm sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên có nghĩa là ba nhà: Chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp. Để nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục và đào tạo nghề là một việc rất quan trọng, để làm sao mọi người trong xã hội có thể nhận ra rằng: Giáo dục nghề nghiệp là một lựa chọn để đưa tới con đường sự nghiệp đáng mơ ước… Những buổi giao lưu trình diễn kỹ năng nghề giữa Australia và Việt Nam, có ý nghĩa thúc đẩy và nâng cao giá trị của học nghề.
Bà đánh giá thế nào về chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam ?
Bà Joanna Wood: Theo đánh giá của tôi, học sinh Việt Nam có chất lượng rất cao và các em có nhiều tiềm năng để phát triển rất tốt và có thái độ học tập nghiêm túc. Điều quan trọng nhất là chúng ta cung cấp cho các em những thông tin để các em tiếp cận được với những đại chỉ đào tạo kỹ năng hiện đại nhất, những kỹ năng trong công việc để sau này khi tốt nghiệp các em có thể có những công việc tốt hơn, trả lương cao hơn. Để đạt được điều này, chương trình đào tạo phải làm sao đảm bảo được có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, để khi sinh viên ra trường họ là những người có kỹ năng mà doanh nghiệp cần.
Với Australia thì vấn đề giáo dục nghề nghiệp như thế nào, thưa Bà?
Bà Joanna Wood: Australia là đất nước coi trọng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp từ rất sớm, với bề dày hơn 50 năm qua đã cho thấy sự phát triển giáo dục nghề nghiệp là điều quan trọng. Bởi các hoạt động giáo dục nghề nghiệp tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực của xã hội, nó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp rất lớn và đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Ở Australia, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp lĩnh vực nghề nghiệp có việc làm rất cao. Sau khi họ học xong bằng nghề, chất lượng công việc của họ cũng như khả năng có việc của họ sẽ được cải thiện đáng kể. Ở Australia có 81% học sinh học nghề đang có việc làm bán thời gian. Và ngay từ lúc học họ đã có việc làm bán thời gian là rôì, do vậy tỷ lệ có việc làm rất cao và cao. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Úc có hơn 4 triệu sinh viên và có thể nhìn thấy là ¼ số lượng những người đang trong độ tuổi lao động là có bằng nghề.
Vậy Bà có nhắn nhủ gì tới thế hệ trẻ Việt Nam trong vấn đề chọn ngành, chọn nghề như các bạn trẻ đất nước Australia?
Bà Jonna Wood: Với Việt Nam, là một đất nước cũng đang phát triển về mọi mặt kinh tế- xã hội, du lịch, dịch vụ, kinh tế công nghiệp mở rộng… Điều đó rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cần nguồn nhân lực có kỹ năng tốt ở các ngành nghề đang phát triển. Vì vậy, các bạn trẻ cần hướng tới những cơ hội việc làm bền vững, mà giáo dục nghề nghiệp là môi trường rất tốt để các bạn hướng tới, trải nghiệm, trau dồi kỹ năng… đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Hơn nữa, trong xu hướng hội nhập với quốc tế, các bạn trẻ Việt Nam nếu có kỹ năng tốt thì không những có cơ hội làm việc trong nước, các bạn còn hòa nhập được với thị trường lao động, môi trường làm việc quốc tế với mức lương thỏa đáng. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam sẽ thu hút được người học nhiều hơn nữa, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước cũng như nhu cầu lao động ở thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn Bà.
Thu Thủy (Thực hiện).