10/10/2021 10:04:08

Chỉ liên thông lên trình độ cao đẳng – Phi lý trong nền giáo dục mở

Dự thảo Thông tư quy định khối lượng kiến thức THPT giảng dạy trong chương trình 9+ của Bộ GD&ĐT mới đây một lần nữa đã gây bức xúc đối với các thầy cô các trường TC, bởi sự phi lý, đi ngược lại các quan điểm chủ trương của Đảng, chính phủ về liên thông trong GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu Trưởng CĐ Y Thái Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV:

Nên quy định 2 chương trình học văn hóa để người học có thể lựa chọn liên thông lên  hoặc ĐH

Từ thực tiễn hoạt động, đại diện nhiều cơ sở GDNN kiến nghị, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu Trưởng CĐ Y Thái Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV, “phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT đang bị bó hẹp, gây khó khăn và làm ảnh hưởng đến quyền được học của người học”.

Bà Thu Dung cho biết, trên cương vị là đại biểu Quốc hội đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội nhưng vẫn chưa được Bộ GD&ĐT giải quyết thấu đáo.

Theo bà Dung, “Trong Thông tư, Bộ GD&ĐT nên quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Thứ nhất là chương trình 4 môn để người học học nghề có thể liên thông lên CĐ, nếu người học chỉ lựa chọn học CĐ không thôi. Thứ hai là chương trình 7 môn nếu người học muốn sau này liên thông lên ĐH”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung nêu quan điểm.

Theo phân tích của đại biểu Dung, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ TC, trình độ CĐ với trình độ ĐH cho phép người tốt nghiệp TC đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển cùng thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

Do đó, nếu Bộ GD&ĐT chỉ quy định chương trình học 4 môn, người học có nhu cầu học liên thông lên ĐH sẽ không có đủ điều kiện. Mặt khác, nếu chỉ học chương trình 4 môn, người học tốt nghiệp TC học lên liên thông lên CĐ thi tuyển vị trí viên chức, công chức sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hồ sơ dự tuyển đều yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT.  Như vậy làm hạn chế cơ hội  việc làm của các em.

Trước quan điểm của Bộ GD&ĐT rằng, việc quy định cho học sinh học bổ sung kiến thức một số môn (nếu các em có nguyện vọng) để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông sẽ được quy định trong một văn bản khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng: Nhìn từ thực tế, chỉ một Thông tư quy định về việc khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN như thế này cũng đã phải mất đến 7 năm với rất nhiều lần kiến nghị từ Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) Bộ GD&ĐT mới khởi động xây dựng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã hứa sẽ ban hành Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN từ năm học trước nữa. Sau 2 năm, đến nay năm học mới đã bắt đầu, Thông tư vẫn chỉ ở dạng Dự thảo. “Với độ trễ như vậy, phải chờ đến bao giờ mới có văn bản tiếp theo để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người học?”.

Bà Dung cho biết thêm, vướng mắc chính là ở Luật Giáo dục nên các cơ quan quản lý cần nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền đề tháo gỡ bất cập, tất cả mục tiêu vì quyền lợi của người học.

Bà Dung cũng đề nghị Dự thảo cần quy định rõ các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất… để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện được dạy văn hóa tại các trường nghề. Vì trên thực tế, hoạt động phối kết hợp giữa TT GDTX và trường nghề ở nhiều địa phương rất hình thức.


Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng CĐ Lý Tự Trọng TP. HCM:

 Quy định gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người học

Trước kia trường thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, chúng tôi có Trường THPT Lý Tự Trọng  là thành viên của trường CĐ Lý Tự Trọng, trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề bình thường, chúng tôi có bộ máy giáo viên dạy văn hóa. Sau khi quy định thay đổi, đội ngũ giáo viện dạy văn hóa vẫn ở lại trường. Hiện mỗi năm trường tuyển sinh 3.500 em. Trường đã làm văn bản xin thành lập TT GDTX nhưng Sở GD&ĐT không đồng ý, trong khi đó các trường ĐH lại được thành lập TT GDTX.

Dự thảo Thông tư đang xây dựng theo hướng chỉ cho học sinh sau khi học văn hóa liên thông lên trình độ CĐ trong hệ thống GDNN. Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, với một thế giới mở và hội nhập như hiện nay mà chỉ giới hạn cho các em liên thông lên CĐ trong GDNN thì coi như Bộ GD&ĐT đã tạo một “cái cùm”, bế tắc cho người học. Đây là sự thụt lùi trong chính sách, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của học sinh học nghề. Một điều phi lý trong nền giáo dục mở theo tinh thần của Nhà nước.

Chúng tôi kiến nghị giải quyết  vấn đề liên thông để đảm bảo quyền lợi người học. Người học GDNN phải được liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH đã góp ý với Bộ GD&ĐT, Thông tư cần giải quyết 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là quy định cụ thể khối lượng kiến thức văn hóa THPT cần thiết để học sinh học liên thông từ TC lên CĐ và ĐH.

Thứ hai là cần quy định thêm một phần “delta” về khối lượng văn hóa cần thiết nào đó để cùng với khối lượng kiến thức văn hóa THPT cơ bản, cốt lõi kia, các em đủ điều kiện để thi tốt nghiệp THPT hoặc được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT. Có như vậy mới tạo được động lực, sức hút cũng như để thực hiện được mục tiêu phân luồng của Chính phủ. Rất mong Bộ GD&ĐT tiếp thu.

Quỳnh Trang