06/06/2021 3:14:31

CĐN Công nghệ cao Hà Nội: Hợp tác với hơn 400 DN để giải mục tiêu kép – “chất lượng đào tạo và việc làm sau tốt nghiệp”

Bằng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, CĐN Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở GDNN đi đầu cả nước khi giải quyết hiệu quả mục tiêu kép: nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.

NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Phụ trách CĐN Công nghệ cao Hà Nội cho biết, để có được hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước ký kết hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm là sự nỗ lực rất lớn của nhà trường trong hơn 10 năm hoạt động.

Nguồn lực từ hợp tác với DN góp phần giúp nhà trường hiện đại cơ sở vật chất phục vụ học tập của SV.

Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo.

Cũng theo TS Phạm Xuân Khánh, những hợp tác này đã tạo ra nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như: Công ty Proaim (Nhật Bản) hợp tác với khoa Điện – Điện tử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo, vừa sản xuất điện năng lượng mặt trời để cung cấp cho đào tạo, vừa nghiên cứu phát triển các năng lượng sạch; Công ty Megazon (Hàn Quốc) kết hợp với khoa CNTT để xây dựng trung tâm CNTT HHT-MEGAZON, vừa tổ chức đào tạo cho sinh viên vừa sản xuất phần mềm để thương mại; Tập đoàn Wasserkabel (CHLB Đức) tài trợ hệ thống điều hòa không khí để sinh viên được học tập công nghệ điều hòa nhiệt độ mới của Đức; hợp tác đào tạo với tổ chức New Zealand Skills để công nhận kỹ năng và sinh viên ra trường có thể đi làm việc tại New Zealand…

”Đặc biệt, các chương trình hợp tác đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, người học được trả lương, trả toàn bộ chi phí đào tạo ngay khi vào học như chương trình hợp tác với Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) để đào tạo 800 kỹ thuật viên; hợp tác với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Hãng GAMA LIFT thành lập Trung tâm Đào tạo nhân lực kỹ thuật thang máy; hợp tác với Hãng Daikin thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khíg và nhiều chương trình hợp tác tương tự với các tập đoàn lớn như: AGRIMECO, HOMECARE, PMC, PMTT…” – TS Khánh nhấn mạnh.

NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh (thứ 2 bên phải) và ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam (sơ mi trắng) tại lễ ký kết hợp tác HHT- VNEA.

Điểm nhấn với Phòng thí nghiệm công nghiệp số 4.0 cùng Hitachi Systems

Mới đây nhất, ngày 17/5/2021, CĐN Công nghệ cao Hà Nội đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án Phòng thí nghiệm công nghiệp số 4.0 với Hitachi Systems Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Hitachi).

Đây là một bước tiến vượt bậc thể hiện chiến lược phát triển bền vững của nhà trường trong hợp tác với doanh nghiệp, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề và học nghề. Trong đó, nhà trường đặc biệt chú trọng tới yếu tố then chốt để phát triển trường thành cơ sở đào tạo nghề thông minh 4.0 đó là tính liên minh, liên kết không giới hạn giữa các khoa như: CNTT, Cơ khí, Điện – Điện tử, Ô tô…, để giáo dục nghề nghiệp luôn gắn liền với thực tiễn, theo kịp nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng công nghệ cao.

NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh (áo đỏ) – Phụ trách CĐN Công nghệ cao Hà Nội và TS Nguyễn Hoàng Hiệp – GĐ Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam tại lễ ký kết.

Trong chương trình hợp tác này, Tập đoàn Hitachi sẽ cung cấp các thiết bị cùng phần mềm tự động hóa và truyền động, bản quyền phần mềm quản lý Vòng đời Sản phẩm (Product Lifecycle Management, gồm có NX, Teamcenter, Technomatix…) và các nội dung cần thiết khác của chương trình giáo dục và đào tạo công nghệ 4.0.

Đồng thời Hitachi sẽ hỗ trợ đào tạo cho các giảng viên của trường có thể tiếp cận, sử dụng thành thạo các thiết bị và phần mềm trong phòng thí nghiệm thông minh này.

Đây đều là những thiết bị và giải pháp đào tạo hiện đại hàng đầu trên thế giới được sử dụng để thiết kế các sản phẩm tân tiến nhất hiện nay như: máy bay, ô tô, tàu thủy, thiết bị điện tử công nghệ cao…

Với đội ngũ chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm, Hitachi Systems Việt Nam và Siemens cam kết sẽ đóng góp những giải pháp phần mềm tối ưu, hiện đại nhất với kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ Việt Nam hội nhập, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Phòng Thí nghiệm Công nghiệp số 4.0 này thực sự sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác về các công nghệ mới nhất của thế giới. Sinh viên được tham gia học tập tại đây sẽ được nâng cao cả về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất thực tế.

Từ đó, giúp các em dễ dàng tiếp cận với công việc và các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới, có cơ hội thiết kế, chế tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ hoàn chỉnh ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp FDI của các em cũng sẽ đượctăng cao” – TS Phạm Xuân Khánh cho hay.

Ngoài ra, phòng thí nghiệm này sẽ giúp đào tạo lại, đào tạo nâng cao về công nghệ mới cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia, kỹ thuật viên trong các nhà máy, công ty trong các khu công nghiệp, chế xuất, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc cho các doanh nghiệp mà còn giúp cải thiện chỉ số mức độ sẵn sàng của Việt Nam vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thu Thủy