11/08/2021 6:15:03

Ấn Độ sắp đối mặt làn sóng Covid-19 thứ ba?

Ấn Độ đã xuất hiện các dấu hiệu báo động làn sóng dịch thứ ba khi ít nhất 10 bang ghi nhận chỉ số hệ số lây nhiễm R gia tăng.

Chỉ số hệ số lây nhiễm R là công cụ quan trọng để giới chuyên gia dịch tễ học và các nhà hoạch định chính sách kiểm tra mức độ phổ biến và lây lan của dịch Covid-19. Hiện, chỉ số R trung bình của Ấn Độ 1,01 – có nghĩa là cứ một người mắc bệnh lại lây cho hơn một người khác.

Vào thời điểm Ấn Độ oằn minh vì làn sóng dịch Covid-19 thứ hai vào tháng 5, chỉ số R vào khoảng 1,4, nhưng giảm xuống 0,9 cách đây 1 tháng. Việc chỉ số này một lần nữa gia tăng khiến giới chức y tế Ấn Độ lo ngại dịch bệnh đang quay lại.

Cảnh tượng ám ảnh về những giàn thiêu dã chiến ở Ấn Độ trong dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS

Có ít nhất 10 bang ở Ấn Độ đang ghi nhận hệ số R gia tăng. Trong đó, bang miền trung Madhya Pradesh có chỉ số R cao nhất (1,31), kế đến là Himachal Pradesh (1,3) và bang Nagaland (1,09).

Hệ số R 1,3 nghĩa là cứ 10 người mắc Covid-19 sẽ lây cho 13 người khác và những người này sau đó sẽ lây tiếp cho 16-17 người nữa.

Điểm đáng chú ý là một số bang từng ghi nhận số ca nhiễm và tử vong thấp hơn bình quân chung ở làn sóng thứ hai lại đang có hệ số R cao hơn 1, cho thấy xu hướng ca nhiễm tăng.

Ấn Độ hiện ghi nhận 32 triệu ca mắc Covid-19 và 429.000 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm bệnh gia tăng trở lại là do các hạn chế di chuyển bị dỡ bỏ, người dân không đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách xã hội và sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta.

Nhà dịch tễ học hàng đầu tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) Samiran Panda cảnh báo: “Hệ số R tăng có thể là tín hiệu cảnh báo sớm về sự khởi đầu của làn sóng thứ ba”.

Trong khi đó, Giám đốc Khoa học Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cho rằng làn sóng Covid-19 thứ ba tại Ấn Độ sẽ không gây ra hậu quả nặng nề như đợt bùng phát vừa qua. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan bởi khi làn sóng xảy ra ở thị trấn nhỏ hay vùng nông thôn, hậu quả vẫn sẽ nghiêm trọng như đợt trước vì những nơi này không có hạ tầng y tế cần thiết để ứng phó thảm họa.

PV (T/h)