Anh em ở cơ quan vội vàng đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó tôi được đưa vào khoa Chấn thương sọ não.
Khi tỉnh dậy, nhận biết được xung quanh, trí óc dần trở lại bình thường, thì quả thật, tôi không thể hiểu được mình đang ở trên trần gian hay dưới địa ngục. Xung quanh tôi, người bị thương nằm xếp như cá hộp. Đó là chưa kể những người nhà bệnh nhân còn nằm vạ vật ngoài hành lang, dưới gầm giường.
Ở các khu chụp X-quang, chụp CT, tưởng như không còn chỗ chen chân. Những người còn đứng được, ngồi được thì buộc phải chờ, vì luôn luôn phải ưu tiên những người nằm trên băng ca được chiếu chụp trước.
Tôi phải nằm lại khoa một đêm để các bác sĩ theo dõi có bị chảy máu não không. Đó có lẽ là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi, bởi tiếng la hét, tiếng rú, tiếng kêu rên của những người bị chấn thương, tiếng gọi nhau gấp gáp của các bác sĩ, y tá, rồi cả tiếng dỗ dành, tiếng an ủi, động viên người bệnh. Tôi cũng đã chứng kiến trong đêm những người đàn ông đã ở tuổi trung niên bế bà mẹ đi vệ sinh, rồi đứng quạt cho mẹ ngủ…
Tự nhiên tôi cứ nghĩ, tại sao người ta xây lắm cổng chào, tượng đài thế, mà không nghĩ đến làm thế nào để mở rộng bệnh viện, giảm tải cho người bệnh và giảm bớt áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế ở đây.
Tôi có hỏi một bác sĩ rằng tại sao ở đây chỉ có một máy chụp CT? Đầu tư thêm máy chụp CT đâu có phải quá tốn kém. Anh thở dài và nói: Không có đất để làm phòng chụp…!
Quái lạ! Một bệnh viện lớn như này, là bệnh viện trung tâm của tất cả các tỉnh phía Nam mà chỉ có một máy chụp CT, để đến nỗi có những người phải chờ 3 tiếng đồng hồ mới đến lượt chụp thì quả là điều không thể chấp nhận.
Chúng ta cứ nói nhiều đến Đảng, Chính phủ, chăm lo cho công tác an sinh xã hội, chăm lo cho sự nghiệp y tế và giáo dục, nhưng xem ra những chủ trương đó còn trên giấy, trên đài, báo nhiều hơn là trên thực tế. Vẫn biết, bấy lâu nay, ngành Y tế đã rất nhức nhối về việc quá tải ở các bệnh viện lớn, và cũng đã có nhiều giải pháp giảm tải được đặt ra từ thời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Nhưng với những gì mà tôi được chứng kiến ở khoa Cấp cứu và khoa Chấn thương sọ não ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì những biện pháp kia xem ra còn đang ở đâu đó rất xa vời.
Một xã hội phát triển, được đánh giá cao hay thấp xin đừng nhìn vào bữa ăn, đừng nhìn vào xe cộ chạy trên đường, hay những tòa biệt thự, những khách sạn lộng lẫy. Hãy nhìn vào bệnh viện, nhìn vào trường học.
Tôi cũng mong rằng các vị lãnh đạo hãy bớt “chém gió” đi! Các vị hãy đến những nơi như phòng cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và hãy chịu khó ngồi lại vài tiếng đồng hồ để chứng kiến, để có thể cảm nhận được nỗi vất vả và sự làm việc đến kiệt sức của nhân viên y tế, nỗi khốn khổ của người bệnh vì phải chờ đợi và phải bỏ ra những khoản tiền luôn luôn quá khả năng đối với người nghèo.
Hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên, nhất là những vị có chức, có quyền hãy nhớ câu này: “Tiên thiên hạ, chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ, chi lạc nhi lạc” (Tạm dịch: Hãy lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Nguyễn Như Phong