18/06/2020 9:38:11

Đưa hơi thở thời đại, tư duy mới vào Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030

“Bối cảnh trong nước, thế giới và khu vực có nhiều biến động, cạnh tranh nhân lực diễn ra gay gắt, biến đổi khí hậu, di cư, di dân quốc tế khó lường và trong chuối giá trị cung ứng toàn cầu, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang ở đâu, định vị thế nào trong bối cảnh mới ?”

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu chủ trì hội thảo

 

Đó là câu hỏi được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đặt ra tại Hội thảo Định hướng xây dựng Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO) và GIZ- Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 16/6/2020.

Dù là các ý kiến “xới xáo” ban đầu nhưng các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà giáo giàu kinh nghiệm tham dự hội thảo đã “hiến kế’, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị. Một luồng không khí trẻ, tư duy mới tràn ngập hội thảo.

Đổi mới tư duy và cách tiếp cận

Không có lời chào mừng như thông lệ, phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Quân bày tỏ cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, các nhà khoa học, quản lý đi trước đã đặt nền móng pháp lý vững chắc cho lĩnh vực GDNN phát triển như ngày hôm nay. Căn cứ pháp lý để xây dựng Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn mới theo ông Quân khá đầy đủ, mới đây Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH đã ra nghị quyết về xây dựng Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Đặc biệt gần đây nhất,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới” với nhiều tư tưởng chỉ đạo mới.

Hội nhập quốc tế ngày nay không còn là bài toán của một quốc gia, một ngành, một doanh nghiệp hay một nhà trường mà là bài toán toàn cầu. Trước kia mỗi năm Việt Nam đưa vài chục nghìn lao động ra nước ngoài làm việc nhưng những năm gần đây mỗi năm chúng ta đưa hàng trăm ngàn người đi làm việc ở nước ngoài, đó là chưa kể hàng chục nghìn lao động di cư quốc tế bằng nhiều con đường khác.

 

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp điều hành phiên thảo luận

Vì vậy bài toán nhân lực hiện nay, theo ông Quân là bài toán cạnh tranh toàn cầu, GDNN không chỉ đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn mới, mà còn đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng toàn cầu. Xây dựng Chiến lược GDNN lần này là quá trình để chúng ta tổng kết đánh giá, tư duy tại sao chúng ta (GDNN) tồn tại, nhận diện chúng ta đang ở đâu, đang thế nào để tiến bước tiếp tục đổi mới lên một tầm cao mới” – Ông Quân nói và nhấn mạnh. “Nếu không phá vỡ hệ thống tư duy cũ theo thói quen thì chúng ta dễ chìm vào sự trì trệ, lối mòn, không theo kịp những biến động của thị trường”.

Ông Quân  đề nghị các đại biểu thảo luận bớt lý thuyết, đi vào gợi mở cụ thể, trong đó nhấn mạnh các ý kiến đóng góp  đổi mới GDNN trong bối cảnh thách thức cạnh tranh toàn cầu, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước gia đoạn mới; già hóa dân số; cách mạng công nghệ 4.0. Trong cuỗi cung ứng toàn cầu và trong sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, GDNN phải đổi mới thế nào?

Học tập suốt đời là xu hướng tất yếu, đào tạo lại giữ vị trí quan trọng hơn. GDNN phải ở vị trí xứng đáng chứ không phải ở cấp độ thấp trong Khung trình độ quốc gia.

Ông Quân gợi mở và nhấn mạnh các đại biểu cho ý kiến về đổi mới phương thức quản lý nhà nước về GDNN. Quản lý như hiện nay có phù hợp không, phải đổi mới thế nào, cách đi ra sao cho phù hợp. Phải lấy thị trường làm thước đo cho GDNN.

Đưa hơi thở thời đại, tầm nhìn mới của đất nước vào Chiến lược

TS Nguyễn Quang Việt, Viện trưởng Viện Khoa học GDNN

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quang Việt, Viện trưởng Viên Khoa học GDNN cho biết, hướng tiếp cận xây dựng chiến lược được xác định trước tiên phải bám sát vào các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng và chính phủ, trong đó nhấn mạnh kết luận 77 của Bộ chính trị: “Đẩy mạnh  phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sang tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung nguồn lực để phát triển các hệ thống dữ liệu quốc gia cốt lõi..” ; Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ “…phấn đấu đến năm 2030 GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước Asean – 4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G 20.” và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Cấu trúc chiến lược không nên dài, không nên đặt quá nhiều mục tiêu “lãng mạn”, nhưng cần đưa hơi thở thời đại, cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới của đất nước vào chiến lược.

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết, bối cảnh hiện nay và 10 năm trước khi ông và các công sự xây dựng Chiến lược phát triển dạy nghề  2011- 2020 rất khác, ông ví von khi đó như xây một nửa ngôi nhà, còn bây giờ GDNN đã là một ngôi nhà hoàn chỉnh, (TVET ) đầy đủ, thuận lợi.

PGS.TS Dương Đức Lân: Nên có những “slogan” để từ đó chi phối hành động rất quan trọng trong GDNN

Để có thể so sánh với khu vực và thế giới, trước tiên GDNN phải nhân diện rõ đang ở đâu và đến năm nào đó sẽ đi đến đâu. Ông Lân đánh giá cao các báo cáo khảo sát của các tổ chức ILO, GIZ, Viện Khoa học GDNN với những khảo sát ban đầu về sự bất cấp trong đào tạo GDNN hiện nay, coi đó là tiền đề để có thể bổ sung những dữ liệu sâu hơn, đánh giá, so sánh nhận diện GDNN đang ở đâu, yếu cái gì và để vươn lên cần phải làm gì?

Chiến lược bao giờ cũng gắn với kỳ vọng và chúng ta nên có những “slogan” để từ đó chi phối hành động rất quan trọng trong GDNN. Ông Lân dề xuất, Chiến lược không nên tiếp cận theo nghề. Mặc dù chiến lược là khung chung nhưng cũng nên tiếp cận theo lĩnh vực ngành, ví như đến năm 2030 thì kỹ năng lao động trong ngành du lịch, nông nghiệp và nhiều ngành nghề trọng điểm khác của đất nước sẽ đạt được cấp độ nào.

Hiện chúng ta đang xây dựng Hội đồng kỹ năng nghề và đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận theo nhóm ngành nghề, Tất cả đều phải có mục tiêu rõ ràng cho từng nhóm ngành, nghề và phải xây dựng các tiêu chí để đo lường đánh giá được.

Gợi mở ở khía cạnh khung chiến lược, bà Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực  cho rằng, bên cạnh gắn với các mục tiêu KT –XH, gắn với cung cầu lao động, hệ thống thông tin quản lý, giám sát đánh giá chất lượng, chiến lược cần có một thông điệp “key” (key slogan) một trụ cột mục tiêu, tầm nhìn mới xuyên suốt để gắn các mục tiêu, giải pháp đi theo trụ cột này với cách tiếp cận mới. Cần thiết kế hệ thống chỉ báo để đo lường đánh giá chất lượng phát triển của GDNN giai đoạn mới.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng chiến lược phát triển GDNN là vấn đề trọng đại quốc gia rất lớn của đất nước trong giai đoạn mới, liên quan đến trình độ phát triển công nghệ quốc gia, kỹ năng làm việc của người lao động. Vì vậy, thiết kế hệ thống GDNN trong chiến lược cần có cách tiếp cận mới và mở, uyển chuyển.

Ông Dũng gợi mở một đột phá mới, khi đề xuất chiến lược cần đưa khối đại học thực hành vào GDNN, còn đại học hàn lâm là một hệ thông riêng. Thiết kế lại khung trình độ GDNN. Ông cũng kiến nghị, chiến lược GDNN mới cần giải quyết những bất cập hiện nay mà theo ông, GDNN chuyển đổi số cần được coi là một nền kinh tế chia sẻ, chia sẻ tài nguyên kiến thức, bài giảng, trang thiết bị đào tạo, giáo viên.v.v…tiết kiệm chi phí đầu tư và mở rộng không gian liên kết trong hệ thống. Hiện các trường đang đào tạo lao động đi làm việc cho các công ty đa quốc gia và hầu hết các em đều mắc khó khăn về ngoại ngữ, vì vậy ông Dũng kiến nghị cần đưa vấn đề tiếng Anh vào chiến lược để cải thiện vấn đề này.

TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương:

GDNN phải đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng các kịch bản phát triển

Cái đích cao nhất, mục tiêu cuối cùng của xây dựng Chiến lược phát triển GDNN là làm sao đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh mới đầy biến động, đó là sự biến động của khoa học công nghệ, sự biến động của chính trị xã hội quốc tế và sự chuyển đổi của nền kinh tế đất nước.

Trong quá trình phát triển tới đây, có những cái phát triển theo qui luật, nhưng rất nhiều cái phát triển theo kịch bản. Vậy thì đào tạo nguồn nhân lực thế nào để đáp ứng các kịch bản sau: Kịch bản phát triển kinh tế xã hội mà Trung ương sẽ đề cập trong Đại hội tới đây với rất nhiều quan điểm mới.

Kịch bản về tăng trưởng, phát triển trong rất nhiều lĩnh vực mũi nhọn mà Nhà nước sẽ đặt trọng tâm ưu tiên. Do đó chiến lược phải lựa chọn những lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên phát triển để trên cơ sở đó áp vào khung để đào tạo nguồn nhân lực.

Như vậy định hướng đầu tiên, chiến lược phải bám vào cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Cơ sở chính trị là các chỉ thị nghị quyết, quan điểm định hướng của Đảng, cơ sở pháp lý là các văn bản của nhà nước như Hiến pháp, luật, nghị định, chỉ thị của Chính phủ.

Và cơ sở thực tiễn là chúng ta phải tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triền Dạy nghề. Và đón đầu các kịch bản tăng trưởng, phát triển kinh tế tới đây. Với bước đi đó, ông Hưng cho rằng chắc chắn sẽ ra được khung chiến lược tương đối hoàn chỉnh.

Ths. Trần Thị Liễu – Trưởng Phòng Kế hoạch – Thống kê, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH:

Cần có khung Chiến lược phát triển với các cơ chế liên quan đến ngành nghề

Với tâm huyết và kinh nghiệm quản lý nhà nước lâu năm trong lĩnh vực lao động xã hội, bà Liễu đề xuất: “Cần lựa chọn để đưa vào Chiến lược GDNN các nội dung  không nhầm lẫn giữa Chiến lược với nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm, 10 năm.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 phê duyệt  chương trình hành động  quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó có các mục tiêu  cam kết toàn cầu về phát triển bền vững, bao gồm mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, phát triển việc làm bền vững rất cụ thể, chúng ta nên nhiên cứu để đưa vào Chiến lược.

Thời điểm đề xuất Chiến lược này không còn sớm nữa, vì chúng ta đang trong giai đoạn “nước rút” để có căn cứ đề xuất đưa nội dung Phát triển Giáo dục nghề nghiệp vào xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu Chiến lược đã được phê duyệt thì rất thuận lợi trong việc đề xuất nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025.

Để xây dựng Chiến lược, chúng ta cũng phải xác định: Chúng ta đang xuất phát điểm từ đâu và sẽ đi đến đâu trong Chiến lược phát triển GDNN, phải đặt trong bối cảnh di chuyển thể nhân và công nhận nghề nghiệp lẫn nhau trong khối ASEAN cũng như toàn cầu như thế nào? Có như vậy mới có một Chiến lược phát triển GDNN toàn diện và hội nhập.

Phải có sự gắn kết giữa Chiến lược với Quy hoạch mạng lưới các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là một khâu quan trọng để đảm bảo đạt được các mục tiêu của Chiến lược đề ra.

Một vấn đề nữa là quy định về tự chủ tài chính của các cơ sở GDNN: Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát để trình Chính phủ sửa Nghị định 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định liên quan về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực GDNN, chúng ta có cần phải xây dựng một Nghị định tự chủ riêng hay là Nghị định tự chủ chung như giai đoạn trước đây, các đơn vị thực hiện Tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP.

Vì cả giai đoạn từ 2015 đến nay, chúng ta chưa đề xuất ban hành được Nghị định tự chủ riêng; cũng cần phải có đánh giá thực sự nguyên nhân là gì để có giải pháp phù hợp.

Về cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 77/NQ-CP: Hiện nay có 3 Trường Cao đẳng đang thực hiện thí điểm tự chủ theo cơ chế của các Trường đại học. Chúng ta đều biết các Trường Đại học và Cao đẳng rất khác nhau, từ nhận thức của người học và xã hội. Vì vậy đối với các nghề nặng nhọc độc hại… không thu hút được người người học thì cơ chế hỗ trợ hoặc đặt hàng từ nhà nước như thế nào.

Về quản lý Nhà nước, cần định hướng trong chiến lược, nhà nước giữ vai trò kiểm định, đánh giá chất lượng đầu ra; các Trường được tự chủ trong lựa chọn Chương trình, thời gian đào tạo; chuẩn đầu ra phải có đánh giá, cấp chứng chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện hoặc cấp phép cho Tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện thực hiện.”

Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết có giá trị, định hướng bước đi đầu tiên cho xây dựng chiến lược phát triển GDNN. Ông Quân cho biết để xây dựng chiến lược GDNN,các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học sẽ phải thực hiện các công việc, tổng kết đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020; Phân tích bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế những năm sắp tới;  nhận diện những thách thức khó khăn trong bối cảnh mới, từ đó xây dựng những mục tiêu, đề xuất những giải pháp; kế hoạch thực hiện. Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược.

Hoàng Quân – Thu Thủy