Vừa qua, các doanh nghiệp chăn nuôi đồng loạt thông báo sẽ tăng giá, đẩy giá thịt lợn tăng “sốc” trong vài ngày tới.
Đại diện doanh nghiệp chăn nuôi lớn C.P vừa công bố tăng thêm 3.000 đồng/kg lợn hơi từ ngày 24/5. Đây là lần thứ 2 C.P và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng giá lợn. Các đợt tăng giá liên tiếp diễn ra chỉ cách nhau 1 ngày.
Với mức giá hơi 79.000 đồng/kg, thì giá thịt lợn móc hàm (lợn xẻ, đã bỏ lông, móng, huyết, nội tạng…) sẽ tương ứng khoảng 100.000-105.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá lợn móc hàm tại các chợ đầu mối đã vượt xa mức này cả 3 tuần nay và cá biệt 2 ngày nay đã ở mức 130.000-135.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó, trong cuộc họp về điều hành giá hồi cuối tháng 4, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn hơi về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá thịt lợn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt mà còn trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Nhiều doanh nghiệp (DN) và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thừa nhận giá thịt heo tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, bởi tổng đàn heo thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam vào năm 2019.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thay vì áp đặt các mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào giá thịt heo, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh giá gà và vịt đang dưới giá thành, giá thủy sản đang rất rẻ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng như hiện nay là do Bộ NN&PTNT đánh giá không đúng thực chất của vấn đề, mới đầu Bộ này cho rằng không thiếu nhiều nhưng sau đó lại báo thiếu 20% và đến cuối năm nay mới có thể cân bằng được.
“Bộ NN&PTNT có sự liên hệ mật thiết với các tập đoàn chăn nuôi. Tuy nhiên, chưa thấy số liệu nào công bố việc chấp hành của các tập đoàn này có nghiêm chỉnh hay không? Chưa có số liệu cụ thể mỗi ngày họ bán ra bao nhiêu con, số lượng thịt là bao nhiêu…Nhiều người cho rằng họ đang xuất nhỏ giọt. Thậm chí vừa rồi một số công ty chuyển sang xuất lợn mảnh để tránh chuyện xuất lợn hơi 70.000 đồng/kg”, ông Phú đặt vấn đề.
Đồng ý kiến với ông Phú, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt ra câu hỏi: “Tại sao Bộ Nông nghiệp lúc đầu không muốn cho nhập khẩu thịt lợn, có phải đằng sau Bộ này có lợi ích nhóm từ các công ty chăn nuôi lớn?. Vì nếu nhập khẩu thịt vào giá lợn sẽ hạ nhanh khiến các doanh nghiệp này thất thu. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nông nghiệp của các nước thừa rất nhiều phải bỏ đi rất nhiều, nguồn cung không hề thiếu. Trong khi đó ngay từ đầu Bộ Công Thương đã khẳng định là nguồn cung thiếu. Phải chăng Bộ này chưa thực sự khách quan trong việc điều tiết thị trường thịt lợn?”.
Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) lý giải do dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung lợn giảm mạnh, làm giá tăng. Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến hết tháng 2 năm nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
65% thị phần còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, các biện pháp bình ổn trong thời gian qua chưa đủ sức để kéo giá lợn xuống 70.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên càng thiếu nguồn cung, làm tăng giá thịt lợn.
Cục Chăn nuôi cho rằng, một nguyên nhân khác khiến thịt lợn khó giảm giá là lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2 – 5 khâu trung gian, làm giá tăng (gần 43%).
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… cũng làm giá lợn hơi tăng.
PV (tổng hợp)