28/04/2020 9:36:08

Cái lười hiện đại

Trong một cuộc họp Thường trực Chính phủ gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói một cách hình tượng: “Chúng ta phải chống cả hai loại vi-rút, một là vi-rút Corona và một loại vi-rút nữa là “vi-rút” trì trệ, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước”.


Căn bệnh trì trệ có ở nhiều nơi, ngay trong mỗi cá nhân và cả một tập thể. Nó sinh sôi nảy nở ngay từ nếp nghĩ đến việc làm. Và đương nhiên đã được xem như loài vi-rút thì nó có sức lây lan ghê gớm. Trì trệ, nói một cách dân dã nhất, như bác nông dân bàn chuyện cấy cày thì đó là cái anh ngại động não, ngại động chân động tay, chưa làm đã lo hỏng, lo thời tiết không thuận, lo sâu rày phá hoại, lo không bán được nông sản…
Tôi còn nhớ ngày nhỏ mê mẩn đọc truyện cổ Grim “Mười hai chàng lười”. Chuyện kể rằng, có mười hai anh chàng kia suốt ngày chẳng chịu làm gì, nhưng cứ tối đến lại rủ nhau ra bãi cỏ thi kể chuyện…lười. Anh thứ nhất dọn giọng: “Tôi đâu có lười. Tôi ăn hơi ít, nhưng tôi uống nhiều. Sau khi ăn bốn bữa, tôi phải nghỉ một chút cho đói, để rồi lại ăn tiếp mới cảm thấy ngon miệng. Tôi không thích dậy sớm. Gần trưa tôi phải tìm ngay cho mình một chỗ nghỉ ngơi. Chủ gọi mặc chủ, tôi làm như không nghe thấy. Chủ gọi lần thứ hai, tôi cứ từ từ nhấc mình đứng dậy. Có như thế tôi mới sống nổi”. Đấy là chuyện của anh lười thứ nhất. Anh ấy muốn chứng minh rằng mình là kẻ ăn ít, nếu không nghỉ ngơi thì…chết. Còn mười một anh khác, mỗi anh một kiểu lười chảy thây.
Đọc xưa, ngẫm nay. Thời nay đã khác xa thời “Chuyện cổ Grim”. Thời bút sắt thay bút lông, máy tính thay bút sắt, in-tơ-nét vươn cánh tay thần kỳ tới từng căn nhà, ngõ phố, sự lười mang bóng dáng của “cái lười hiện đại”. Cái lười này nhiều khi được ngụy trang rất kín đáo. Có khi nó núp dưới tấm vỏ bọc quyết tâm, hăng hái, hô khẩu hiệu rất kêu, nhưng hễ “làm thì ốm, giã cốm thì khỏe”. Cái lười thể hiện ở cái hầm trú ẩn “chịu trách nhiệm tập thể”, ở sự ngại động chạm, ở sự tính toán hơn thiệt cho cá nhân. Thế rồi doanh nghiệp gặp trăm thứ rào cản, không ít dự án phải đắp chiếu hàng chục năm trời, chạy qua hết sở này đến ban nọ vẫn án binh bất động vì không được “bôi trơn”. Hỏi mấy ông có trách nhiệm thì sở nọ chỉ sang sở kia, chỉ còn nước bấm gan bấm ruột: “muốn nhanh thì phải từ từ”. Muôn việc không thông dòng bén giọt đọng ở nơi ách tắc, trì trệ.
Kể ra những dự án không nhúc nhích thì nhiều lắm! Nào là Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh-Hà Đông; xử lí sai phạm tại Tòa nhà 8B Lê Trực; nào là đại dự án hàng chục nghìn tỷ Đạm Ninh Bình; nào đại dự án mỏ sắt Thạch Khê có mức đầu tư lên đến hơn 14.500 tỉ đồng nhưng gần 10 năm qua vẫn chưa hoạt động,v.v.. Không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu văn bản kiến nghị, con tàu ách tắc vẫn vững bền như quả núi. Hỏi những người có thể góp sức đẩy con tàu ấy thì vẫn nhận được cái lắc đầu đầy bí hiểm: Bác ơi, chuyện này vượt quá tầm của chúng em rồi. Có những việc không phải không làm được mà là do người ta không muốn làm. “Người ta” là ai? Các ngành, các địa phương phân quyền, phân cấp đến đâu, chủ động đến đâu. Chẳng lẽ việc gì cũng đến tay Chính phủ, đến tay Thủ tướng?
Đang mùa đại hội đảng bộ các cấp. Đâu đâu cũng nói tới các giải pháp đột phá. Nhiều nơi đã chỉ rõ căn bệnh giậm chân tại chỗ, níu áo lẫn nhau. Cần phải đột phá vào chỗ này, vì sao lại trì trệ kéo dài, phải bắt đầu từ đâu, ai làm? Nhưng cũng có khi “đột phá” mấy kỳ rồi mà đâu vẫn hoàn đấy. Rõ ràng là đang có vấn đề về tư duy và hành động. Tư duy đúng nhưng hiệu quả thấp hoặc không mang lại hiệu quả thì rõ ràng là do chưa có cơ chế đúng, do hành động sai, hoặc không hành động. Có cơ chế đúng sẽ xóa bỏ nếp nghĩ, thói quen xấu: khi thành công thì có rất nhiều cha, còn thất bại bỗng trở thành đứa con rơi (!). Xóa được cái xấu rồi thì sẽ hình thành nếp nghĩ, thói quen tốt.
Rốt cuộc, dù bàn tới các vấn đề lớn lao hay chuyện thiết thân hàng ngày cũng cần có sự đột phá vào các vấn đề: chủ trương, cơ chế, hành động. Trong đó, phải gắn trách nhiệm cá nhân với từng công việc. Người lãnh đạo không chỉ đạo chung chung mà phải xắn tay áo gỡ từng nút thắt. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, để họ thật sự giữ vai trò một tư lệnh, có thực quyền để hướng trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo vào việc hành động, hành động mau lẹ và quyết liệt./.

Trần Quang