Xanh hóa đào tạo nghề nhằm đáp ứng định hướng phát triển nền kinh tế xanh, công nghiệp xanh đang là xu thế của thế giới cũng như Việt Nam. Nằm trong danh sách trường nghề chất lượng cao của cả nước, Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu đã thực hiện chương trình lồng ghép mô hình đào tạo nghề xanh, gắn với an toàn lao động theo chuẩn quốc tế, góp phần thu hút người học nghề, nâng cao chất lượng nhân lực, tạo việc làm bền vững. Thạc sĩ Trương Huỳnh Như – Hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ cùng NN&CS về vấn đề này.
Bà có đánh giá như thế nào về định hướng “xanh hóa đào tạo nghề” trước xu thế phát triển nền “kinh tế xanh”?
Việt Nam đang hội nhập và phát triển mạnh, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều quan tâm đầu tư các khu công nghiệp, chế xuất…; song song với đó là nhu cầu lớn về đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về kỹ năng xanh, việc làm xanh nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như ý thức bảo vệ môi trường.
Trước xu thế phát triển kinh tế xanh của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, định hướng xanh hóa đào tạo nghề là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững.
Xanh hóa đào tạo nghề góp phần chuẩn bị một lực lượng lao động có khả năng đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng của nền kinh tế và xã hội đang được xanh hóa.
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu đã thực hiện công tác đào tạo nghề theo hướng xanh hóa như thế nào?
Với góc độ là một trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, chúng tôi đặt mình vào vai trò của khách hàng – những doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động – nhằm đào tạo những kỹ năng lao động mà doanh nghiệp, thị trường đang cần ở người lao động để tạo ra những sản phẩm xanh, xây dựng hình mẫu doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Với phương châm đó, nhà trường đã cụ thể hóa ngay từ những việc đơn giản như: xanh hóa cảnh quan, duy trì cảnh quan xanh- sạch- đẹp; tận dụng, sử dụng có hiệu quả ánh sáng và khí hậu tự nhiên trong nhà trường và lớp học để tiết kiệm năng lượng; quy định cán bộ và sinh viên lau dọn phòng học, xưởng, máy móc sau mỗi giờ học; đảm bảo nhà vệ sinh xanh- sạch- đẹp; sử dụng nhiên liệu đúng nơi, đúng lúc, không hoang phí; xây dựng văn hóa công sở cho CBVC, tác phong công nghiệp…
Bà có thể nói cụ thể hơn về đào tạo kỹ năng xanh cho sinh viên và cho biết, trường có đang áp dụng đào tạo nghề xanh theo một mô hình hình mẫu nào không, thưa bà?
Nhật Bản, Hàn Quốc có thể nói là hai trong số những nước hình mẫu về sự sạch sẽ, ngăn nắp trong môi trường làm việc, người lao động có tác phong công nghiệp và ý thức bảo vệ môi trường rất tốt. Vì vậy, từ 7 năm trở lại đây chúng tôi đã học hỏi và áp dụng thực hiện mô hình “xanh hóa” trong đào tạo của họ.
Cụ thể, nhà trường đã áp dụng tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản cho tất cả các lĩnh vực: xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và thân thiện; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và nhà xưởng; quản lý hồ sơ công việc; an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp.
Khi áp dụng mô hình này, môi trường làm việc, học tập thực sự trọng lành, sạch sẽ, ngăn nắp. Sinh viên phát huy tính tự giác, năng động, học tập và làm việc chuyên nghiệp, có ý thức tốt về giữ gìn môi trường sống, luôn có ý thức chăm sóc tài sản, hồ sơ, máy móc tốt.
Đặc biệt, nhà trường coi trọng đào tạo nghề xanh gắn với an toàn lao động. Theo đó, đã trang bị hệ thống an toàn tuyệt đối trong giảng dạy; bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giảng viên, sinh viên về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong từng thao tác công việc theo chuẩn quốc tế.
Nội dung đào tạo giảm thiểu các kỹ năng chân tay, hạn chế các yếu tố độc hại, rủi ro. Chú trọng đào tạo ý thức, tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm theo chuẩn Nhật Bản, ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Do đó đã thu hút ngày càng nhiều học sinh phổ thông yên tâm học nghề, nhất là các nghề có tính chất độc hại như: cắt gọt kim loại, chế tạo khuôn mẫu, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí…
Ngoài ra, nhà trường cũng đang học tập và triển khai mô hình đào tạo xanh của các nước như Đức, Úc và Hàn Quốc. Cụ thể, triển khai đào tạo theo chương trình của Đức đối với nghề hàn và cắt gọt kim loại; theo chương trình của Úc với nghề cơ điện tử.
Sinh viên của chúng tôi ra trường đáp ứng rất tốt nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu về kỹ năng xanh ngày càng cao của doanh nghiệp.
Vậy theo bà, xanh hóa đào tạo nghề có ý nghĩa thế nào tới việc thu hút nguồn tuyển, cũng như tạo việc làm bền vững cho sinh viên trường nghề?
Xanh hóa” trong môi trường giáo dục nghề nghiệp có tác động rất lớn đối với việc thu hút nguồn tuyển, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Điều đó có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức được bản chất phức tạp, nguy hiểm của ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn lao động gắn với năng suất công việc…
Đầu tiên, việc đào tạo ý thức xanh, kỹ năng xanh đem lại cho sinh viên nhận thức tốt về những tác động nguy hiểm của ô nhiễm môi trường với phát triển. Qua đó, sinh viên thay đổi ý thức trách nhiệm về môi trường, hoàn thiện kỹ năng xanh trong công việc để thực hiện hiệu quả việc phòng ngừa, giảm thiểu các tác động của sản xuất tới môi trường.
Thứ hai, nhận thực được tác dụng của kỹ năng xanh đối với an toàn lao động, năng suất lao động, năng suất quản lý chất lượng môi trường một cách chuyên nghiệp, an toàn, không độc hại.
Sản phẩm đầu ra, của mô hình đào tạo xanh là lao động có chất lượng tốt, đương nhiên dễ dàng “chinh phục” được doanh nghiệp tuyển dụng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt, bền vững cho sinh viên.
Đầu ra tốt cũng sẽ tạo hiệu ứng ngược lại cho nguồn tuyển, nhà trường dễ dàng hơn trong việc thu hút người học nghề. Đó là lợi ích hai chiều của bền vững của việc xanh hóa đào tạo nghề.
Xin cảm ơn bà.
Thu Thủy (Thực hiện)