25/03/2020 9:48:15

Chính quyền Donald Trump: Chọn kinh tế hay sức khỏe người dân

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa có một phiên tăng điểm chưa từng có kể từ năm 1933 sau khi dự luật kích thích kinh tế chống dịch Covid-19 của chính quyền ông Donald Trump nhận được tín hiệu đồng thuận từ đối thủ Nancy Pelosi.

TTCK Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) vừa chứng kiến một phiên tăng điểm mạnh chưa từng có kể từ năm 1933 với chỉ số Dow Jones tăng kỷ lục gần hơn 2.100 điểm, tương đương mức tăng 11%, lên trên 20,7 ngàn điểm.

Đây là mức tăng trong 1 phiên mạnh nhất kể từ năm 1933.

Các chỉ số chứng khoán khác cũng tăng vọt. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 9,4%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 8,1%.

Như vậy, cả Dow Jones và S&P 500 đều hồi phục từ mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016 ghi nhận trong phiên liền trước sau khi liên tục giảm giá, mất tổng cộng từ 30-37% kể tử đỉnh cao trên 29.400 điểm ghi nhận hôm 14/2/2020.

Giới đầu tư dồn dập bắt đáy và đánh cược vào những chính sách mới của chính quyền ông Donald Trump sẽ được quốc hội Mỹ thông qua sau 2 lần bị bác bỏ trong ngày đầu tuần.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh chưa từng có, từ đáy 4 năm

Theo CNBC, các nhà đầu tư tin thỏa thuận sẽ đạt được vào “một thời điểm nào đó” sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết có sự “lạc quan” tại Quốc hội rằng một thoả thuận về gói kích thích kinh tế lớn sẽ đạt được. Bà Pelosi cũng cho rằng, dự luật đã “hướng đủ về phía công nhân”.

Các cổ phiếu hàng không, ô tô, bán lẻ… đều tăng mạnh, nhiều mã tăng từ 15-20% và là động lực chính cho thị trường. Thị trường kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sẽ nhận được những khoản tín dụng lên tới hàng chục tỷ USD để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo CNBC, giới đầu tư cũng tin tưởng các biện pháp mà chính quyền ông Donald Trump đưa ra, trong đó có phong tỏa… có thể ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.

Chứng khoán tăng điểm còn do Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý muốn mở cửa lại nền kinh tế, vừa chống dịch vừa vực dậy nên kinh tế trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Ông Trump muốn điều chỉnh biện pháp cách ly và để người lao động đi làm trở lại nhằm giúp nền kinh tế đang khó khăn.

Hiện thế giới chưa có thuốc điều trị Covid-19 và các nước hầu như đều phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách biệt cộng đồng để ngăn virus lây lan. Tuy nhiên, giải pháp tự đóng cửa nền kinh tế có thể gây ra thảm họa nghiêm trọng hơn Đại khủng hoảng năm 1929.

Chính phủ các nước yêu cầu người dân tự giác ở nhà hay cách ly tại chỗ nhằm làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19 và có thêm thời gian phát triển vaccine. Nhưng điều này đang dẫn tới hệ lụy là rất nhiều lao động bị sa thải và có thể gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Cuối bài đăng Twitter, Trump nêu ra một bài toán đáng sợ: Nền kinh tế đáng giá bao nhiêu mạng người? Nhờ vào công trình nghiên cứu đột phá của vợ chồng Angus Deaton và Anne Case, hai nhà kinh tế học, chúng ta biết được một điều rằng: sự tuyệt vọng của kinh tế cũng giết chết con người.

Tổng thống Trump hôm 23/3 nói rõ ràng rằng ông muốn đất nước mở cửa trở lại bất kể các bác sĩ có nói gì. Ông cho biết việc đóng cửa đất nước sẽ gây ra nhiều vấn đề như tự tử, đồng thời phàn nàn rằng nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trước khi Covid-19 xuất hiện.

“Chúng ta phải mở cửa đất nước nếu không muốn nó gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Các bác sĩ chỉ muốn phong tỏa cả thế giới”, Trump nói. “Chúng ta không thể để chuyện này xảy ra với nước Mỹ. Chúng ta là quốc gia lớn mạnh nhất thế giới. Tôi sẽ không để chuyện này xảy ra”, Trump khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều thống đốc bang lại ủng hộ việc đóng cửa. Trump đã có cơ hội giải thích quan điểm của mình về lựa chọn giữa kinh tế và đại dịch trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tối 23/3.

“Nước Mỹ sẽ sớm mở cửa kinh doanh trở lại”, Trump nói nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể mà ông tin nền kinh tế quay lại hoạt động bình thường. “Tôi không phải xem xét trong nhiều tháng, mà có thể nói với bạn ngay bây giờ”, Trump nói thêm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước bài toán khó giải

Tuy nhiên, biên tập viên Zachary B. Wolf của CNN nhận định bài toán giữa kinh tế và đại dịch của Mỹ chưa thể tìm ra lời giải.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một kế hoạch kích thích chưa từng có,  gồm một chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn. Ngân hàng trung ương Mỹ đã dùng tới cụm từ “không giới hạn” (unlimited) để nói về các khoản tiền mà cơ quan này sẽ sử dụng cho hoạt động mua tài sản sắp tới.

Cụ thể, Fed sẽ mua trái phiếu và chứng khoán có tài sản đảm bảo với khối lượng không giới hạn để bơm tiền vào nền kinh tế và thiết lập các chương trình cho vay khối lượng lớn để đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 lan mạnh.

Đây cũng là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, Fed can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nó cho thấy mức độ trầm trọng của nền kinh tế do những gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trước đó, Fed cũng đã có một cú đảo chiều chính sách gây sốc: trong vòng hơn 1 tuần đã hạ lãi suất 150 điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống còn 0-0,25% nhằm bơm thêm tiền vào vực dậy nền kinh tế.

Trước đó, Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4 ngàn tỷ USD để giúp doanh nghiệp đối phó dịch Covid-19. Với khoản tiền khổng lồ này, chính quyền ông Trump tin sẽ sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua 90-120 ngày sau đó.

Tổng Y sĩ Mỹ cảnh báo Covid-19 sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trước khi có thể được kiểm soát, trong bối cảnh thành phố New York đang “kêu cứu” và yêu cầu chính quyền trung ương giúp đỡ để điều trị cho những người nhiễm nCoV. Trong khi đó, quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói cứu trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thị trưởng New York Bill de Blasio khẳng định việc nới lỏng “cách biệt cộng đồng” sẽ giết chết nhiều người, khi được hỏi về bài đăng Twitter của Tổng thống Trump hôm 23/3.

“Bao nhiêu thành viên trong gia đình chúng ta, đặc biệt là người già, là những đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh. Liệu chúng ta chỉ đơn giản nói rằng quốc gia phải quay lưng và làm ngơ với những khó khăn họ đang đối mặt? Tôi không nghĩ đây là lựa chọn đúng đắn”, de Blasio nói và cảnh báo rằng hệ thống y tế có thể sụp đổ trước đại dịch.

“Tôi hiểu đối với nhiều người, ‘cách biệt cộng đồng’ là sự hy sinh to lớn. Nhưng nếu bạn không góp phần làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19, bạn sẽ phải hy sinh nhiều thứ hơn. Chúng ta phải nghĩ đến thiệt hại về con người ở đây”, Thị trưởng New York nói thêm. Ông tuyên bố sẽ tập trung cứu sống người dân bằng mọi giá.

Một số bang đã đóng cửa trường học cho tới hết năm học này, nhưng nhiều người Mỹ lại cho rằng các nỗ lực phong tỏa tối đa cần có thời hạn.

Wall Street Journal tuần trước đăng bài xã luận có đoạn “không xã hội nào có thể đảm bảo sức khỏe cộng đồng lâu dài bằng cách hy sinh nền kinh tế. Ngay cả nguồn lực của Mỹ để chống Covid-19 cũng không phải vô hạn và sẽ dần cạn kiệt khi nhiều người mất việc, doanh nghiệp đóng cửa và sự thịnh vượng Mỹ phải nhường chỗ cho nghèo đói”.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Johnson tuần trước cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của biện pháp phong tỏa và lập luận rằng “chúng ta không đóng cửa các tuyến đường chỉ vì có người chết do tai nạn giao thông”.

Quan điểm này lập tức vấp phải sự chỉ trích của tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, khi chỉ ra lựa chọn đó phải trả giá bằng tính mạng của nhiều người.

“Tôi không nghĩ bạn có chút lương tâm nào khi nói rằng ‘Tại sao chúng ta không để dịch lây lan cho tất cả và để một số % người dân chết vì nó?”, Fauci nói.

Theo biên tập viên Wolf, gốc rễ của vấn đề hiện nay là lựa chọn giữa một bên là số người chết vì dịch và một bên là người không chỉ bị gián đoạn nhịp sống thường ngày mà còn có nguy cơ đánh mất sinh kế tới mức kế hoạch hỗ trợ mỗi người dân vài trăm USD mà quốc hội Mỹ đang thảo luận cũng khó cứu vãn.

Phóng viên (t/h)