24/10/2024 3:46:11

Nhiều tồn tại ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Đức Trọng

Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 20/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đức Trọng.

Theo nội dung Kết luận Thanh tra cho thấy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệpGiáo dục thường xuyên  Đức Trọng (  GDNN-GDTX) còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành…

Kết luận Thanh tra.

Cụ thể, tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm chưa đảm bảo theo quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện; Chưa xây dựng Hội đồng tư vấn do giám đốc thành lập theo yêu cầu cụ thể của công việc theo quy chế hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.

Cùng với đó, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tên “Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp Đức Trọng”. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Trung tâm chưa đổi tên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Trọng theo quy định tại Quyết định số 3873/QĐ-BTNMT ngày 15/12/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Danh mục B).

Công tác quản lý hồ sơ tại Trung tâm lưu trữ chưa khoa học, không bố trí tủ lưu trữ hồ sơ riêng để quản lý (hiện nay hồ sơ lưu trữ nhiều nơi, khó khăn trong việc tìm kiếm). Trung tâm không trao chứng chỉ sơ cấp cho từng người học được công nhận tốt nghiệp mà cho cán bộ xã, thị trấn ký nhận thay là không đúng quy định.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở hoạt động đào tạo không ra quyết định hủy bỏ việc công nhận tốt nghiệp và thu hồi chứng chỉ sơ cấp nghề đã cấp là không đúng quy định.

Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Trọng thực hiện bổ sung giấy tờ, hồ sơ đúng theo tiêu chuẩn, đúng quy định quy chế tổ chức và hoạt động của một trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện.

Đồng thời, xây dựng Hội đồng tư vấn  theo yêu cầu, tiến hành lập hồ sơ để đổi tên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Trọng theo quy định. Bố trí phòng, tủ lưu trữ hồ sơ giáo dục nghề nghiệp để quản lý tại Trung tâm. Trực tiếp cử cán bộ của Trung tâm cấp chứng chỉ sơ cấp cho từng người học được công nhận tốt nghiệp theo quy định.

Ngoài ra, thực hiện công khai, niêm yết Kết luận thanh tra này tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đức Trọng. Thời gian niêm yết là 15 ngày liên tục theo quy định.

Vào đầu tháng 6/2021, Công an huyện Đức Trọng đã tiến hành bắt ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề huyện Đức Trọng.

Trước đó, vào ngày 1/6/2021, theo như báo Lâm Đồng đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Trọng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Đức Trọng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cụ thể, theo hợp đồng đào tạo liên kết số 65A/LKĐT ngày 5/6/2016 được ký kết giữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đức Trọng và Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng với nội dung 2 bên liên kết tổ chức khóa đào tạo Kỹ thuật chế biến món ăn cho 62 học viên, được chia thành 2 lớp với nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ông Quang đã chỉ đạo nhân viên gộp 2 lớp thành 1 lớp nhưng vẫn lập hồ sơ giả thanh toán lương cho giáo viên, chi phí mua nguyên vật liệu của 2 lớp nhằm chiếm đoạt số tiền chênh lệch khoảng 280 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Quang còn tự quyết định bỏ ngoài sổ sách kế toán của đơn vị đối với nguồn thu được trích lại từ hoạt động khám sức khỏe của học viên dự thi bằng lái xe hạng A1 tại trung tâm với số tiền là 80 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên được ông Quang chỉ đạo chi cho các hoạt động của đơn vị như tiếp khách, đi công tác, du lịch… gây thiệt hại trên 360 triệu đồng./.

Thanh Quang