27/06/2024 1:10:31

Nhiều doanh nghiệp đang lấy kinh doanh xanh làm chiến lược, lợi thế

Sáng 27/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với chủ đề “Kinh tế Xanh – Trách nhiệm của nhà sản xuất”.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành chia sẻ, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường ngày càng được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.

Thứ trưởng Lê Công Thành: “Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh”. Ảnh: X.Thanh.

Do vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Từ thực tiễn đó, ông nhấn mạnh cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội.

Chủ đề của Giải hướng tới các nội dung, gồm: “Xanh hóa Việt Nam” với những vấn đề thời sự – thời đại như chuyển đổi xanh nền kinh tế từ nhận thức đến hành động, từ chính sách đến thực tiễn, từ hình mẫu đến đại trà; Chuyển đổi hành vi, thói quen của người dân, cộng đồng trong ứng xử xanh với môi trường, từ tiêu dùng xanh, du lịch xanh… cho đến xây dựng cuộc sống xanh; Thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về ‘0’ vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam trước cộng đồng thế giới.

Giải thưởng sẽ trao cho những tác phẩm báo chí xứng đáng về các đề tài phát triển xanh: Những ý tưởng, câu chuyện, vấn đề, sự kiện, nhân vật thú vị, mới lạ, độc đáo, khác biệt… truyền thông điệp, truyền cảm hứng về khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Những sáng kiến của mọi người dân, hiến kế của cộng đồng, giải pháp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn theo xu hướng 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế); Những chủ trương, kế hoạch, chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, thân thiện với môi trường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở địa phương và trung ương.

Thời gian diễn ra giải từ ngày 1/10/2023 đến 28/5/2025, thời gian trao giải vào tháng 6/2025 với mức tiền thưởng lớn: Giải Đặc biệt: 100.000.000 đồng, Giải sáng tạo: 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, 01 giải Nhất (báo in và báo ffiện tử) 50.000.000 đồng; 1 Giải phát thanh – truyền hình với số tiền thưởng 80.000.000 đồng. Đây là giải thưởng báo chí về môi trường có mức tiền thưởng lớn nhất từ trước tới nay.

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Giải báo chí phát triển xanh lần thứ nhất 2023 – 2025 nhằm tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các tác phẩm báo chí góp phần xanh hóa Việt Nam. Đối tượng tham dự bao gồm các nhà báo chuyên và không chuyên. Ba đầu mối cùng tổ chức giải thưởng này gồm CLB Báo chí Phát triển xanh (Green Media Hub); Báo Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Văn hóa báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam).

Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít phát thải carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trên nền tảng này, nền kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Trang Lê