Thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo đó, thế giới sẽ cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip cho ngành vi mạch bán dẫn.
Theo Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Ngành vi mạch bán dẫn được dự báo cần một lượng lớn lao động trong thời gian tới
Còn dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045″ cũng chỉ ra, đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên với cơ cấu như sau: 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ và 42.000 kỹ sư. Cụ thể, sẽ cần tới 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngành này đồng thời cũng sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới với nhiều tên tuổi lớn như Samsung, Intel, Synopsis,…, cũng đã đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cũng đang đầu tư phát triển mạnh mẽ vào lĩnh vực này như Viettel, FPT, …
Gần đây, nhiều cuộc viếng thăm của các tập đoàn vi mạch bán dẫn lớn đến từ Mỹ và các nước từ Châu Âu, đã cho thấy chiến lược phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn đang hướng đến Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho làn sóng mới đầu tư vi mạch tại Việt Nam”, ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường vi mạch bán dẫn.
Theo ông Vinh, ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam, có khoảng hơn 50 doanh nghiệp với 95% có vốn đầu tư nước ngoài, nhân lực tập trung chủ yếu tại Tp. HCM. Tổng số kỹ sư vi mạch bán dẫn khoảng gần 9000 người, trong đó riêng ngành thiết kế vi mạch khoảng gần 6000 với gần 500 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn làm việc ở nước ngoài. Nhu cẩu tuyển dụng khoảng hơn 500 người mỗi năm. Mức thu nhập sau thuế bình quân mỗi kỹ sư mới ra trường khoảng 244 triệu/năm, chuyên gia thì đến 1,5 tỷ/năm.
“Rõ ràng trong bối cảnh ngành vi mạch bán dẫn phát triển mạnh mẽ, nhiều công ty trong, ngoài nước đều rất chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Và để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư vi mạch tại Việt Nam, chắc chắn các ban ngành, các doanh nghiệp, trường học đã và đang ráo riết đưa ra những giải phát nhằm phát triển nguồn nhân lực đón đầu làn sóng này”, ông Vinh nhận định.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng vi mạch bán dẫn hiện nay phát triển như vũ bão, đã khác trước đây rất nhiều, với những con chíp siêu nhỏ chỉ bằng DNA mà người ta chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi.
Với tốc độ xử lý nhanh, các chip nhớ AI đang làm mưa làm gió, do vậy đối với làn sóng đầu tư mới hiện nay phải xác định đã khác trước và công tác đào tạo, phải được xếp tiên phong hàng đầu, phải đáp ứng để giải bài toán phát triển này.
Còn theo ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic – BTEC – FPT, để tận dụng hoàn toàn tiềm năng mà Việt Nam đang có, cần tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng cung cấp cho các doanh nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm đầu tư tại Việt Nam.
Ông Thành cũng cho biết, FPT Polytechnic cũng đang hợp tác với Tổ chức giáo dục Pearson (Anh) triển khai chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn, tập trung vào công đoạn kiểm tra và đóng gói con chíp. Sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế và được tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm trong và ngoài nước.
Hải Tiến