Nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe “mượn danh” các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để dụ dỗ học viên với chiêu bài đào tạo giá rẻ, đảm bảo học xong hành nghề thành thạo. Từ đó tạo ra những “siêu nhân” ngành thẩm mỹ, khi chỉ cần học vài buổi là có thể khoác áo blouse để hành nghề trên cơ thể người khác.
Thời gian qua, TP.HCM liên tục ghi nhận những ca tai biến y khoa mà bệnh nhân đa số được chuyển đến từ các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe hoạt động “chui”.
Hậu quả nặng nề từ các cơ sở hoạt động không phép
Ngày 27/3/2024, một khách hàng (SN 1960) đến phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Tân Hưng (Quận 7, TP.HCM). Đến ngày 29/3/2024, người bệnh có dấu hiệu mệt, khó thở, huyết áp tụt, bệnh viện tiến hành hồi sức cấp cứu, hội chẩn toàn viện. Sau đó, nguời bệnh được chuyển viện đến Bệnh viện Quân y 175, tuy nhiên đến 7h00 ngày 3/5/2024, người bệnh tử vong.
Ngày 7/5/2024, Sở Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện Tân Hưng và Bệnh viện Quân Y 175 để nắm thêm các thông tin liên quan. Sở Y tế đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Quân Y 175 tổ chức họp kiểm thảo tử vong theo quy định nhằm phân tích, đánh giá toàn bộ quá trình chẩn đoán, điều trị và cấp cứu người bệnh, giúp phát hiện ra những bất cập (nếu có) trong suốt quá trình chẩn đoán và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng. Đồng thời, Thanh tra Sở tiếp tục xác minh làm rõ việc tuân thủ các quy trình chuyên môn, quy định của ngành đối với bệnh viện và người hành nghề, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Điều này cho thấy, ngay cả những bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo chính quy ít nhất là 7 năm tại các trường y khoa và mất rất nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm mới được hành nghề tại các bệnh viện cũng có thể xảy ra các sự cố y khoa.
Thế nên, những “bác sĩ dỏm” chỉ được đào tạo vài buổi ở các “học viện” tự phong, rồi ngang nhiên về cơ sở hoạt động “chui” hành nghề sẽ gây ra những hệ luỵ như thế nào cho ngành làm đẹp và tính mạng con người?
Nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, không bằng cấp, chuyên môn dẫn tới những ca tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho thấy, thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận không ít trường hợp bị tai biến vì làm đẹp ở các cơ sở không chính thống hoặc tự ý làm đẹp cấp tốc, để lại tai biến cũng như biến chứng nặng nề.
Điển hình, tháng 2/2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo của Bệnh viện Mắt TP.HCM về trường hợp bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Viện thẩm mỹ Aries (địa chỉ số 52 Lê Trực, Phường 7, quận Bình Thạnh).
Cơ quan này sau đó phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất Viện thẩm mỹ Aries. Thời điểm kiểm tra, cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Aries. Tuy nhiên, khu vực tầng 2 của cơ sở có các thiết bị phục vụ phẫu thuật như đèn, giường phẫu thuật; máy monitor theo dõi; tủ thuốc; dụng cụ y tế; máy hút đàm; bình oxy…
Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở ngưng ngay hoạt động khám, chữa bệnh thẩm mỹ và các nội dung quảng cáo về dịch vụ trên website khi chưa có hồ sơ pháp lý theo quy định. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổng hợp hành vi vi phạm và xử lý theo quy định.
Ngày 2/8/2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục nhận được thông tin một phụ nữ 39 tuổi bị tai biến y khoa sau khi tiêm filler tại cơ sở không phép. Bệnh nhân này sau đó được điều trị tại khoa mắt của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trước đó, bệnh nhân đến cơ sở kinh doanh Hồng Cúc (phía trước treo biển hiệu Xinh Beauty & Academy) do bà B.H.C làm chủ hộ, địa chỉ 50/19 Trường Sơn, Phường 2, quận Tân Bình để thực hiện tiêm filler vào vùng trán phải.
Ngay sau khi tiêm khoảng 1 phút, bệnh nhân bị mờ mắt phải, bà C tiêm thuốc giải cho bệnh nhân. Sau đó, đưa người bệnh đến cấp cứu tại bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán mắt phải bị viêm màng bồ đào toàn bộ, tắc động mạch trung tâm võng mạc; theo dõi thiếu máu da vùng trán phải, mắt phải, mũi sau tiêm filler.
Theo cơ quan chức năng, cơ sở này còn triển khai các hoạt động thẩm mỹ khi chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bà C chỉ là kỹ thuật viên chăm sóc da, không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, những tháng đầu năm 2024, một trong những tai biến thường gặp liên quan đến bệnh nhân sử dụng các thủ thuật tiêm chích như tiêm chất làm đầy (filler), tiêm botox, tiêm meso căng bóng da… Những thủ thuật này chỉ được đảm bảo an toàn khi thực hiện theo quy trình, tại các cơ sở uy tín. Trong khi đó, các ca tai biến này lại đa phần thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ không phép.
Xử phạt – tránh việc “muối bỏ biển”
Ngày 4/3/2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện trang website: nanozelle.com và trang Facebook “Nanozelle Academy”, “K-Viện Đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc”… đăng tải các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Các trang này cũng nhận đào tạo học viên tiêm filler, botox, căng chỉ thẩm mỹ ở địa chỉ 145 Nguyễn Văn Đậu, Phường 5, quận Bình Thạnh.
Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle hoạt động thẩm mỹ và đào tạo học viên không phép
Thanh tra Sở Y tế phối hợp cùng Phòng Y tế quận Bình Thạnh và UBND Phường 5, quận Bình Thạnh kiểm tra đột xuất địa chỉ trên. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy phép nào về hành nghề và đào tạo thẩm mỹ. Đoàn kiểm tra phát hiện tầng 4 là nơi đào tạo thực hiện các kỹ thuật tiêm filler, botox… và có 3 học viên đang chờ để được đào tạo. Tầng 5 dùng làm phòng ở cho học viên.
Tại buổi làm việc, trên các phiếu thông tin khách hàng khám chữa bệnh, được thực hiện bởi “bác sĩ Andy Lee” và một số bác sĩ khác. Tuy nhiên, người quản lý cơ sở là ông Trịnh Ngọc Sử lại chưa cung cấp được thông tin và bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ hợp tác nói trên.
Thực tế, khi một cơ sở hoạt động không giấy phép, không chứng minh được nhân lực hành nghề có các chứng chỉ theo quy định… khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm. Ngoài phạt tiền, các cơ sở hoạt động thẩm mỹ “chui” còn bị đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo chính quy, việc xử phạt không nhằm nhò gì so với lợi nhuận mà các cơ sở đào tạo và hành nghề thẩm mỹ không phép mang lại. Vì thế, đóng cơ sở này, họ thuê địa điểm khác để hoạt động.
“ Học chính quy sẽ tốn thời gian và khó khăn gấp trăm lần đối với việc đăng ký học tại một cơ sở không có chức năng về đào tạo. Trong khi đó, tâm lý của học viên là ngại khó, ngại học, lâu kiếm được tiền. Đây chính là những đối tượng học viên “béo bở” cho các “học viện không giấy phép” chiêu sinh”, vị này nhận định.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình trạng các cơ sở đào tạo thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe trái phép ngày càng diễn biến phức tạp. Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để đưa ra những giải pháp và quy trình xử lý phù hợp.
Cụ thể, hai sở sẽ phối hợp trong công tác kiểm tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với khối ngành chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Đồng thời phối hợp thẩm định các điều kiện (cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ nhà giáo, chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo) của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động.
An Nguyên