20/05/2024 9:44:00

Bát nháo đào tạo nghề làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ

Nhu cầu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tăng cao khiến cho thị trường này trở thành mảnh đất kinh doanh màu mỡ. Từ đó, nhiều cơ sở ngang nhiên nhận học viên để dạy nghề “chui”. Thậm chí có những cơ sở còn tự nhận có liên kết với các cơ sở đào tạo chính quy.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, đến tháng 7/2023, thành phố này có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ.

Trong đó, có 20 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 257 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 306 phòng khám chuyên khoa da liễu có dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ.

598 cơ sở này do các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đảm trách, được Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM thẩm định và cấp phép hoạt động. Ngoài ra, TP.HCM có 2.175 spa và chăm sóc da, 516 cơ sở phun xăm thêu…

Số liệu trên cho thấy TP.HCM là một trong những mảnh đất màu mỡ để phát triển các mô hình kinh doanh làm đẹp. Đây chính là lý do khiến cho cơ sở đào tạo nghề làm đẹp nở rộ như nấm sau mưa, một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định.

Cắt tóc gội đầu thành học viện đào tạo thẩm mỹ

“Có cầu ắt có cung”, lợi dụng điều này, nhiều cơ sở khônng được cấp phép đã ngang nhiên “nhận vơ” việc liên kết với các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề rồi tuyển sinh và đào tạo học viên trái phép.

Mới đây, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, nhà trường thường xuyên nhận được thông tin có trang web, fanpage có tên “Học viện đào tạo thẩm mỹ Dr Ánh Academy” tại địa chỉ 57 Trần Thị Nghỉ, Phường 7, quận Gò Vấp dùng hình ảnh của nhà trường để quảng cáo tuyển sinh học nghề. Các quảng cáo khẳng  định sẽ được Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, nhà trường không có liên kết đào tạo với các cơ sở này. Từ trước đến nay, trường tuyển sinh thông qua các kênh như các trang mạng xã hội chính thức; website tuyển sinh của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp hay qua các kênh báo, đài, tổ chức.

Việc các cơ sở đào tạo thẩm mỹ này mạo danh hình thức liên kết đào tạo là hành vi vi phạm pháp luật. Trường đã có văn bản gửi ‘học viện’ này về việc không được sử dụng hình ảnh, thông tin, thương hiệu liên quan đến Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành để quảng cáo chiêu sinh mà chưa có sự đồng ý bằng văn bản của trường.

Mặc dù không được cấp phép trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn quảng cáo chiêu sinh rầm rộ

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa chỉ 57 Trần Thị Nghỉ, Phường 7, quận Gò Vấp là trụ sở Công ty TNHH Học viện Đào tạo Thẩm mỹ Dr.Ánh. Ngành nghề chính của công ty này là đào tạo nghề cắt, gội đầu, trang điểm và đào tạo nghề thẩm mỹ. Đáng nói, công ty này lại không có trong danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM quản lý.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn DVA (trụ sở chính tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), thường xuyên đăng tải các thông tin mở khóa đào tạo thẩm mỹ tại 3 cơ sở: Học viện Tân Bìnhđịa chỉ 103 Bạch Đằng, Phường 2, Tân Bình, TP.HCM; Học viện Đồng Nai địa chỉ 303 Phan Trung, phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai; Học viện Cần Thơ địa chỉ 162 Lý Tự Trọng, phường An Cư, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn DVA tự mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ mà không nằm trong danh sách quản lý của Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP.HCM.

Học phí tại đây được quảng cáo từ 35 – 45 triệu đồng/khóa học (đã giảm giá). Thời gian đào tạo là 3 tháng, học từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Trao đổi với học viên, nhân viên tư vấn cho biết sau khi học xong, học viên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ trên toàn quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không nằm trong danh sách quản lý đào tạo nghề của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, đồng thời cũng không hề liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào. Ngành nghề chính của doanh nghiệp này cũng là cắt tóc,  gội đầu.

Đào tạo nghề phải đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trình độ

Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 đã thay thế cụm từ “dạy nghề” bằng “giáo dục nghề nghiệp”.

Theo luật sư Vi Thị Phường – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, giáo dục nghề nghiệp là hình thức đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp, Trường cao đẳng). Để thành lập một trung tâm dạy nghề cần đáp ứng việc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trung tâm dạy nghề.

Luật sư Vi Thị Phường – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai

Cụ thể, trung tâm dạy nghề phải có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu là 1.000 m2; trường trung cấp là 10.000 m2 đối với khu vực đô thị hoặc 20.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị; trường cao đẳng là 20.000 m2 đối với khu vực đô thị hoặc 40.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị.

Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, tối thiểu là 5 tỷ đồng.

Đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo.

Về thẩm quyền cấp phép, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn; Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc cơ quan, tổ chức mình; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền cấp phép thành lập trường cao đẳng tư thục.

Sau khi được cho phép thành lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tiến hành tiếp tục thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo cũng quy định rõ về các hình thức liên kết.

Đối với trường hợp liên kết phối hợp đào tạo, đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo. Đối với hình thức này, đơn vị chủ trì liên kết đào tạo phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 60% khối lượng của chương trình đào tạo.

Trường hợp liên kết đặt lớp đào tạo. Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo (cơ sở giáo dục nghề nghiệp)không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo. Đối với hình thức này, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên cơ hữu giảng dạy 100% khối lượng của chương trình đào tạo.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp liên kết đào tạo phải xác định được nhu cầu đào tạo về các ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh; địa điểm đào tạo đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để phục vụ đào tạo, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh và an toàn lao động; có đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học.

Nếu liên kết đào tạo khối ngành sức khỏe, địa điểm đào tạo phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tổ chức đào tạo theo quy định của Bộ Y tế.

“Luật quy định rõ ràng như thế, nhưng thực tế đang diễn ra tình trạng đào tạo nghề rất bát nháo, dễ dãi, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn nữa để chấn chỉnh lại các hoạt động đào tạo này”, Luật sư Vi Thị Phường, nói.

An Nguyên