Việt Nam đang thực hiện chương trình Kinh Tế Xanh, Kinh Tế Tuần Hoàn và cam kết mục tiêu chung về chống biển đối khí hậu của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng “0” vào năm 2050. Đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp cho xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc là vấn đề cấp bách đang đặt ra. TS khoa học môi trường Lê Hoàng Thế – Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos trao đổi với Nghề nghiệp & Cuộc sống về thị trường carbon, tín chỉ carbon và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thị trường này.
Thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính
PV: Thưa ông gần đây báo chí, truyền thông đề cập nhiều đến thị trường tín chỉ carbon. Ông có thể giải thích ngắn gọn, cơ bản nhất về thị trường này?
Lê Hoáng Thế: Khí thải Carbon là các khí nhà kính (GHG) phát sinh từ hoạt động con người, và là nguyên nhân chính gây ra Hiệu ứng Nhà kính. Phát thải chủ yếu đến từ đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt), sản xuất công nghiệp (luyện kim, hóa chất), chăn nuôi gia súc, canh tác nông nghiệp, và các phương tiện giao thông. Hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và tăng nhiệt độ toàn cầu. Khí thải nhà kính còn có nguồn gốc từ thời tiết cực đoan thường xuyên và nghiêm trọng, bao gồm bão, hạn hán, lũ lụt và đợt nhiệt đới ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông, lâm, công nghiệp.
Thị trường tín chỉ carbon hoặc thị trường phát thải – là một hệ thống giao dịch các tín chỉ carbon. Cụ thể hơn là thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và Tín chỉ Carbon – là một hệ thống giao dịch các quyền thải khí nhà kính giữa các đơn vị kinh doanh, tổ chức hoặc quốc gia.
Thị trường tín chỉ Carbon có lịch sử từ năm 1990, do Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã đề ra cơ sở khoa học về biến đổi khí hậu. Đến năm 1992 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã tạo cơ sở cho đàm phán các hiệp ước quốc tế trong tương lai.
Năm 1997 tại Nghị định thư Kyoto (KP), các công cụ định giá carbon mang tính thị trường đầu tiên đã được thiết lập. Năm 2002 Việt Nam đã phê chuẩn KP.
Năm 2005 Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, EU-ETS1 đã thực hiện phiên giao dịch phát thải đầu tiên ở 25 quốc gia thành viên. Hiện có 68 quốc gia trên thế giới đã công bố cam kết Net Zero vào năm 2050
Thị trường carbon gồm 2 loại hàng hóa là “Hạn ngạch phát thải nhà kinh” và “Tín chỉ Carbon”
Thị trường carbon gồm, thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Sản phẩm của nó gồm hai loại hàng hóa chính là “Hạn ngạch phát thải khí nhà kính” và “Tín chỉ Carbon”. Trong đó Hạn ngạch phát thải nhà kính là giới hạn mức hoặc mục tiêu cụ thể về lượng khí thải nhà kính mà một quốc gia, khu vực hoặc doanh nghiệp được phép phát thải vào môi trường, như các quy định về hạn ngạch thường được áp dụng qua các chính sách, quy định pháp luật để đảm bảo tuân thủ và giảm thiểu lượng khí thải phát ra.
Còn Tín chỉ carbon là đơn vị đo lường giảm thiểu lượng khí thải tương đương với một tấn khí CO2 (tCO2e) được cấp phép hoặc giao dịch như một phương tiện để khuyến khích giảm phát thải. Các tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể mua, bán hoặc sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải tạo ra.
Thị trường carbon bắt buộc dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển sạch (CDM); Cơ chế phát triển bền vững (SDM); Cơ chế đồng thực hiện (JI).
Còn thị trường carbon tự nguyện dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, Cty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp và giảm dấu chân carbon.
PV: Người ta nói nhiều về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon Việt Nam nhưng ít thấy đề cập tới vấn đề nguồn nhân lực đáp ứng thị trường này. Theo ông thị trường này cần khoảng bao nhiêu nhân lực ở các trình độ đại học, cao đẳng? Thời gian đào tạo, bồi dưỡng khoảng bao lâu cho mỗi trình độ nghề nghiệp ?
TS Lê Hoàng Thế: Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia bán nhiều tín chỉ carbon nhất. Riêng tại Việt Nam, ước tính có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương với 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình Kinh Tế Xanh, Kinh Tế Tuần Hoàn, và cam kết trách nhiệm pháp lý để đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào 2050. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh tháo gỡ về chính sách, luật pháp, Việt Nam cần đào tạo gấp một lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ Carbon.
Chúng tôi ước tính, nguồn nhân lực cho lĩnh vực carbon của Việt Nam con số cần có trên trăm ngàn người. Nguồn nhân lực theo kế hoạch và phương thức đào tạo của chúng tôi không yêu cầu có học vị, chỉ cần có kiến thức cơ bản cho từng công việc. Thời gian đào tạo cho từng cấp độ từ 3 tháng đến 12 tháng. Thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành được thị trường carbon; tuy nhiên hiện môi trường trong nước vẫn chưa có chương trình hỗ trợ đào tạo và cấp chứng chỉ/bằng cấp.
Chương trình đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế
PV: Được biết, VOS GACT và INTERTEK đã đề xuất hợp tác với Bộ Lao Động -Thương binh & Xã hội đào tạo nhân lực phục vụ thị trường carbon, xin ông cho biết nội dung đào tạo của chương trình này?
TS Lê Hoàng Thế: Chương trình sẽ đào tạo các nội dung:
1. Tín chỉ Carbon (Carbon Credit)
2. Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero)
3. Bù đắp Carbon và trung hoà Carbon
4. Tính toán lượng carbon lưu trữ của rừng (FCA)
5. Kiểm kê và xác minh khí nhà kính (GHG accounting)
6. Thiết lập mục tiêu giảm thiểu Carbon
7. Lộ trình khử Carbon và các tiêu chuẩn liên quan
8. Dấu chân Carbon của sản phẩm/ Phân tích vòng đời sản phẩm (Product Carbon Footprint / LCAs)
9. Báo cáo CBAM – CBAM đặt ra một giới hạn về lượng carbon mà các sản phẩm phải tuân thủ để được phép nhập khẩu vào EU.
10. Báo cáo PTBV theo yêu cầu của Việt Nam và Quốc Tế (ESG Reporting)
11. Báo cáo môi trường theo yêu cầu chuỗi cung ứng hoặc tiêu chuẩn (Environment claims).
Lợi ích của khóa đào tạo là học viên được cung cấp chứng nhận cá nhân và đảm bảo chất lượng thông qua đội ngũ chuyên gia hàng đầu tại INTERTEK (có lịch sử 135 năm ở Anh và 25 năm tại Việt Nam).
Cơ hội nghề nghiệp từ việc tư vấn về các tiêu chuẩn và yêu cầu liên quan tới phát triển bền vững. Đặc biệt, chương trình đào tạo được VOS GACT và INTERTEK phối hợp phát triển, mang tính quy chuẩn, bài bản theo các thông lệ quốc tế. Khóa học góp phần và hỗ trợ đắc lực trong việc triển khai thực hiện các chương trình chiến lược quốc gia về việc đào tạo nhân lực am hiểu về lĩnh vực Kinh Tế Xanh, Kinh Tế Tuần Hoàn
PV: Xin cảm ơn ông
Minh Hà