19/12/2023 10:10:03

Xây dựng và đẩy mạnh truyền thông các qui tắc an toàn trên không gian mạng:

Giải pháp bảo vệ trẻ em, giảm thiểu hậu quả xấu

“Kinh tế phát triển, điều kiện vật chất đầy đủ, chăm sóc trẻ em ngày nay thuận lợi và tốt hơn thời bao cấp nhiều lần. Nhưng để bảo vệ trẻ em, để nuôi dạy một đứa trẻ nên người, ngày nay thực sự vô cùng khó khăn, vô cùng nhiều thách thức đối với mỗi gia đình và xã hội”. Đó là than phiền của nhiều phụ huynh khi được hỏi về nuôi dạy con cái ngày nay.

Dạy và quản lý trẻ em sử dụng internet an toàn, hiệu quả là điều bố mẹ cần đặc biệt quan tâm.

Thách thức từ những chiếc điện thoại thông minh, màn hình máy tính…

Trước hết phải khẳng định điện thoại thông minh hay màn hình máy tính không có lỗi, mà lỗi ở chính con người sử dụng nó thế nào. Bởi bên trong mỗi điện chiếc điện thông minh hay màn hình máy tính cũng là cả một thế giới phức tạp nhiều điều tốt, nhưng cũng vô vàn điều xấu xa, trộm cắp, lừa đảo, bạo lực…Như ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định nói, ngoài đời có tội phạm gì, trên không gian mạng có tội phạm đó.

Và sự lơ là, coi thường mất cảnh giác của các gia đình hiện nay là bỏ mặc con mình “lang thang” trên môi trường mạng, môi trường đầy cạm bẫy tội phạm khi sớm cho con tiếp xúc với điện thoại và máy tính một cách tự do không kiểm soát.

Ở nhà, từ bé 2 – 3 tuổi, bố mẹ đã” giao” cho con chiếc điện thoại để bố mẹ yên tâm làm việc của bố mẹ. Ngày nay không ít trẻ mới 3 tuổi 5 tuổi đã sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để xem tiktok, youtube, facebook..và có thể mày mò nhiều giờ trên điện thoại. Lâu dần thành thói quen. Ăn phải có điện thoại, ngủ cũng phải mở điện thoại, muốn con đến lớp cũng phải mạng ipad ra dỗ dành. Với nhiều gia đình,điện thoại, ipad trở thành món đồ chơi cho con để bố mẹ rảnh tay….  lướt web.

Ở trường thì sao? Ngày nay, gia đình nào cũng sắm cho con một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Nhiều gia đình còn ‘thể hiện” đẳng cấp sớm trang bị cho con điện thoại thông minh đắt tiền. Ở trường, ngoài giờ học trên lớp, còn lại các con tha hồ sử dụng điện thoại, tha hồ lang thang, chat chít, tương tác, làm quen với bất cứ ai trên MXH.Thậm chí việc lạm dụng tình dục với các em thường xảy ra ngay bên cạnh mà các bậc cha mẹ hoàn toàn không biết những người lạ trên internet đang làm gì với con mình.

Nhiều trẻ em bị xâm hại do làm quen với người lạ trên internet. (Ảnh minh họa)

Nhưng lạm dụng tình dục cũng chỉ là một trong những nguy cơ mà trẻ em phải phải đối mặt khi sử dụng internet. Số liệu khảo sát của UNICEF cho biết, hơn 1/3 thanh thiếu niên từng bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 tiết lộ có ý định bỏ học vì xấu hổ. Những hành vi như đặt biệt danh, bình luận miệt thị, ghép ảnh với mục đích xấu… ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ, bởi những bình luận và hình ảnh bắt nạt trên MXH thường nhanh chóng lan truyền rộng rãi và được lưu lại trên Internet, khiến nạn nhân có cảm giác không tìm thấy lối thoát.

Với bản tính tò mò và ham khám phá, trẻ em thường bị dẫn dụ và thuyết phục bởi những thông tin giả mạo giật gân, độc lạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều em trở thành nạn nhân của các trào lưu nguy hiểm, gây ra tai nạn thương tâm.

Bên cạnh đó, sử dụng internet thiếu định hướng cũng tăng nguy cơ mắc chứng nghiện mạng xã hội, gây thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, tâm trạng bất an, ảnh hưởng đến cuộc sống của các em. Đã có hàng ngàn trường hợp trẻ em gái bị lừa đảo mất tích hoặc bị xâm hai tình dục, thậm chí bị sát hại do quen biết, yêu đương và nghe theo dụ dỗ của đối tượng trên mạng xã hội (MXH). Hoặc trở thành tội phạm do nghiện game.

Cha mẹ cần quan tâm bảo vệ con cái

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do không có hoặc có rất ít kiến thức và khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường interrnet. Trong khi đó, những người gần gũi và chịu trách nhiệm cao nhất với các em là phụ huynh lại không thể kiểm soát triệt để việc sử dụng Internet và mạng xã hội của con em mình. Nếu không được trang bị kỹ năng và thường xuyên giám sát, rất khó để cha mẹ có thể phòng ngừa và ngăn chặn trẻ em truy cập vào các nội dung xấu.

Bên cạnh đó, lối sống chạy theo vật chất, ganh đua hơn kém của người lớn đã ảnh hưởng nặng nề tới trẻ em. Ngày nay bất cứ sự việc gì xảy ra trong cuộc sống cũng là thứ “hấp dẫn” để nhiều người lớn xúm vào đưa điện thoại ra quay và post lên mạng. Bên cạnh mặt tốt là những hình ảnh tiêu cực giúp chúng ta có thêm thông tin, nhanh chóng, quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, không ít những livestream có nội dung cổ vũ cho cái xấu, cái vô cảm, thờ ơ hoặc thích thú trước bạo lực và nỗi đau của người khác. Hệ lụy là con cháu chúng ta cũng vậy, ở trường khi có bạo lực hay sự việc xấu gì xảy ra thay vì hành xử một cách thông minh, bọn trẻ chủ yếu rút điện thoại ra quay để cổ vũ cho hành vi bạo lực hoặc để bôi nhọ nạn nhân.

Vụ cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc tường chửi bới xúc phạm mới đây được tung lên MXH, bên cạnh giá trị thông tin clip cung cấp là sự báo động về sự xuống cấp của đạo đức học đường. Sự xuống cấp này có nguyên nhân từ đâu? Chắc chắn không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, vì một ngày có 8 tiếng làm việc thì thông thường nhà trường chỉ quản lý con em chúng ta 4 – 6 tiếng. Còn lại chủ yếu là các em sinh hoạt với gia đình và cộng đồng nơi cư trú.

Xây dựng và tăng cường truyền thông các qui tắc an toàn cho trẻ trên môi trường internet

Hiện nay hệ thống chính sách pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em của nhà nước ta được thực hiện khá đẩy đủ và toàn diện từ chính sách về giáo dục, y tế và chăm sóc tại cơ sở. Đời sống văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em ngày càng được các địa phương trong cả nước quan tâm. Với các điểm vui chơi,  Trung tâm văn hóa, thư viện, nhà văn hóa xã, bể bơi…đã tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho trẻ em.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng còn nhiều hạn chế, thách thức. Đặc biệt, vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng diễn biến phức tạp, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng. Điều này đặt ra yêu cầu cần tăng cường các giải pháp tạo lập môi trường phát triển an toàn, lành mạnh, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại, bị dẫn dắt vào những hành vi thiếu đạo đức là hết sức cấp bách hiện nay.

Gia đình và nhà trường cần chung tay bảo vệ trẻ em khỏi các hậu quả xấu trên môi trường mạng.

Trước những nguy cơ ngày càng gia tăng trên không gian mạng đối với trẻ em, Việt Nam đã và đang thúc đẩy các chính sách nhằm mang lại không gian mạng an toàn cho trẻ. Truyền thông tăng cường sự tham gia của phụ huynh trong việc quản lý trẻ em sử dụng internet và ban hành các qui định xử phạt các mạng xã hội, các công ty trực tuyến vi phạm các qui định về đạo đức, thuần phong mỹ tục trên internet.

Tuy nhiên, hiện giải pháp công nghệ và hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của nước ta còn nhiều khoảng trống. Trong lúc chờ đợi các giải pháp về công nghệ và luật pháp, thiết nghĩ các bậc phụ huynh và nhà trường cần chung tay tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em nhận biết những nguy cơ mất an toàn có thể gặp khi tham gia trên môi trường internet. Cần xây dựng và tăng cường truyền thông các qui tắc an toàn cho trẻ trên môi trường internet, giúp các em nhận biết và giảm thiểu những hậu quả xấu.

Thùy Dung