Cổ nhân nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Vậy làm sao để có nghệ tinh? Cần có 3 điều kiện: Kiến thức giỏi, kỹ năng giỏi và thái độ tốt.
Kiến thức nghề nghiệp là do thầy dạy cho mình. Kỹ năng nghề nghiệp là do mình tự rèn luyện dưới sự kèm cặp của thầy. Thái độ đối với nghề nghiệp là do bản thân tự tạo nên.
Năng thực hành, chịu khó tìm tòi, học hỏi thì sẽ nâng cao kiến thức và kỹ năng, tức là nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, để trở thành “nghệ tinh” thì kiến thức giỏi, kỹ năng thành thạo chưa đủ mà cần có thái độ tốt đối với nghề mình làm.
Thái độ đối với nghề nghiệp có 3 mức độ: thích, yêu, đam mê.
Thích là cấp độ đầu tiên. Khi ta chọn một nghề nào đó cho đời mình thì yêu cầu đầu tiên là phải thích nghề đó. Khi thích thì chất lượng, hiệu quả làm nghề đạt khá tốt khoảng 80-90%. Nếu không thích thì không nên chọn. Một số bậc phụ huynh ép buộc là không nên. Người lớn chỉ nên tư vấn định hướng cho thanh niên lập nghiệp và để cho con em tự chọn nghề nghiệp theo sở trường, khả năng của mình.
Từ đó, các em mới tập trung sức lực và trí tuệ cho nghề mình thích. Khi bị cưỡng bức thì mất động lực phấn đấu. Thời chúng tôi vào đại học, có một số bạn thi các trường mình thích nhưng không đậu hoặc đậu nhưng bị chuyển học trường khác nên chán nản, bỏ học giữa chừng, kết quả là thất bại mặc dù họ rất giỏi.
Yêu là cấp độ tiếp theo sau thích. Khi yêu nghề thì ta mới đầu tư tâm trí cho nghề đó. Tâm huyết, sáng tạo, luôn tìm cách nâng cao kiến thức, kỹ năng làm nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Lúc này, hiệu quả công việc có thể đạt tối đa 100%.
Đam mê là cấp độ cao nhất khi hành nghề. Khi đã yêu nghề và hăng say làm nghề thì có thể sẽ đạt đến cấp độ đam mê. Khi đã đam mê nghề nghiệp thì ta luôn gắn bó với nó: ăn với nó, ngủ với nó, vui với nó, buồn với nó, đau khổ và sung sướng cũng vì nó…
Khi đam mê thì chất lượng, hiệu quả đạt đến mức bất ngờ. Đó là trường hợp các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật công nghệ phát minh ra những kiến thức mới, công nghệ mới mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại. Một đúc kết gần như chân lý đó là: Có đam mê mới có thành công lớn.
Nhà toán học vĩ đại Gau-xơ (Gauss) nói: Để tạo nên thành công vĩ đại, thiên tài chỉ chiếm 1% còn lại 99% là do cần cù. Nghĩa là chỉ có đam mê thì mới mang lại thành công lớn được. Người được đánh giá là thông minh nhất thế kỷ 20 Einstein cũng nói: Tôi không có tài năng gì đặc biệt, tôi chỉ tò mò đến mức thành đam mê mà thôi”.
Nhờ đam mê mà ông đã phát minh ra Thuyết tương đối vĩ đại, cả nhân loại bái phục. Các nhà khoa học đam mê nghiên cứu đến mức quên cả những việc thường ngày, quên cả những người xung quanh, trở thành lẩm cẩm.
Newton là một ví dụ điển hình, ông không nhớ đã ăn rồi hay chưa ăn; hoặc Einstein đi làm mà quên mất đường về nhà…Trong các lĩnh vực khác như văn học nghệ thuật, âm nhạc, thể thao v.v… cũng rất nhiều người như thế. Có thể nói rằng: nếu không có đam mê thì không có thành công vĩ đại.
Trong 3 điều kiện để thành “nghệ tinh” thì kiến thức và kỹ năng là điều kiện cần, còn thái độ là điều kiện đủ. Cả ba đều rất cần và đều do thái độ của con người quyết định. Do đó, phải xây dựng cho mình một thái độ đúng đắn khi bước vào nghề. Thái độ nghề nghiệp nghĩa rộng bao gồm: tình cảm, lương tâm, trách nhiệm đối với nghề, động cơ, mục đích hành nghề.
Nếu thái độ đúng thì có động cơ đúng và hành động đúng. Thái độ đúng là làm nghề để phục vụ chính mình, gia đình mình, phục vụ cộng đồng, xã hội, quốc gia và cao hơn nữa là nhân loại. Làm nghề có hai mục đích là kiếm tiền chân chính và phục vụ xã hội. Chứ không phải làm nghề là chỉ để sướng cho mình, là chỉ để kiếm tiền.
Hiện nay, một số người cho rằng việc đi làm là nhằm mục đích kiếm tiền. Khi được giao một nhiệm vụ, được ngồi vào một cái ghế nào đó thì họ chỉ nghĩ rằng làm sao kiếm được nhiều tiền mà quên đi mục đích phục vụ cộng đồng, Nhân dân, Tổ quốc, nhân loại. Do đó, họ bất chấp luật pháp và lương tâm để tìm mọi cách để kiếm tiền, thật nhiều tiền rồi dẫn đến vòng lao lý như thực tế đáng buồn đang xảy ra.
Tóm lại, ba điều kiện hành nghề là rất cần thiết. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mình nỗ lực rèn luyện và học hỏi từ thầy, từ bạn thì sẽ được nâng cao. Nhưng thái độ thì không ai giúp mình được, mà tự mình tạo ra và xây dựng cho chính mình.
Điều quan trọng nhất là phải xác định cho mình thái độ đúng đắn mang tính nhân văn, vì cộng đồng, vì xã hội, vì Tổ quốc, vì Nhân dân, vì nhân loại. Đó mới là một con người chân chính, có ích cho xã hội và được xã hội quý trọng, tức là được “thân vinh”./.
TS Nguyễn Tiến Lợi