Lý giải việc mở thêm ngành học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho biết các ngành này có tính mới, phù hợp bối cảnh hiện tại là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành này đang trở nên ngày càng cấp thiết.

Kinh tế, công nghệ “lên ngôi”

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất – 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%…

Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo – Học viện Ngân hàng, cho biết năm nay, nhà trường đưa vào 4 chương trình đào tạo mới là ngân hàng số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị du lịch. Theo ông Hà, trước khi mở ngành mới, nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của thị trường lao động, các đơn vị tuyển dụng trong nhiều năm tới về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường thấy rằng 4 chương trình đào tạo trên nhận được sự quan tâm đặc biệt lớn của thị trường tuyển dụng.

Ông Hà cho hay có 2 ngành liên quan nhiều đến lĩnh vực chuyển đổi số của ngân hàng. Đó là chương trình đào tạo về ngân hàng số và công nghệ tài chính, mang tính đào tạo liên ngành – tức là không mang tính truyền thống thuộc một ngành cụ thể mà sẽ liên ngành giữa ngân hàng, tài chính với công nghệ thông tin.

Trong khi đó, năm 2023, ĐHQG Hà Nội có thêm 4 ngành mới. Đó là ngành cử nhân văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường ĐH Ngoại ngữ; cử nhân thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; 2 ngành kỹ sư của Trường ĐH Việt Nhật là công nghệ thực phẩm và sức khỏe, kỹ thuật công nghệ cơ – điện tử.