28/02/2023 9:11:37

Thị trường lao động phía Nam: Muốn tìm việc phải có tay nghề

Đang có sự dịch chuyển trong việc tuyển dụng lao động tại thành phố Hồ chí Minh (TP.HCM), Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung nhất là khi sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều công nhân đến các khu công nghiệp tìm việc nhưng vẫn chưa tìm được công việc như ý muốn. Lý do chủ yếu là các doanh nghiệp đang cần tuyển lao động có tay nghề…

Chật vật tìm việc

Năm 2022, chị Hồ Thị Kim Định (26 tuổi, quê An Giang) từng làm công nhân cho một công ty may tại TP.HCM nhưng đến cuối năm, chị là một trong những người không may mắn khi buộc phải nghỉ việc do công ty hết đơn hàng. Vì bị mất việc, cuối năm lại không tìm được việc, chị quyết định về An Giang làm một công việc tạm bợ để qua Tết lên Bình Dương tìm việc mới.

Vì thế vừa khi hết Tết, chị Hồ Thị Kim Định lại rong ruổi trong Khu công nghiệp VSIP 1 ở Bình Dương để tìm việc làm. Nhưng suốt 1 tuần qua, điều mà chị nhận được chỉ là những cái lắc đầu của những nhà tuyển dụng, dù trước đó chính những công ty này đều có để chiếc bảng lớn trước cổng với dòng chữ “cần tuyển gấp”…

“Tôi kiếm việc một tuần nay rồi nhưng không tìm ra, đi nơi nào họ cũng nói chỉ tuyển nam hoặc từ chối mình do không có bằng cấp THPT. Năm ngoái tôi kiếm việc dễ lắm, nhưng năm nay không biết sao khó như vậy. Nếu kiếm không được việc làm, chắc tôi phải xin việc ở các nhà hàng, quán nhậu sống qua ngày rồi tính tiếp”, chị Định cho biết.

Nhiều công nhân đi tìm việc tại VSIP 1, Bình Dương. Ảnh: Minh Tuấn.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Đình Uy (23 tuổi, quê Trà Vinh) cũng đến khu công nghiệp VSIP 1 để tìm cơ hội. Nhưng không khác gì chị Định, “những cái lắc đầu” là thứ anh nhận được sau khi nộp hồ sơ ở 4 công ty khác nhau – dù bên ngoài họ đều để bảng “cần tuyển dụng”.

“Họ yêu cầu phải có tay nghề hoặc là tốt nghiệp lớp 12 trở lên. Nhưng tôi chỉ mới học hết lớp 9 rồi đi làm luôn, nên không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nếu không tìm được việc ở Bình Dương, tôi dự tính đến TP.HCM để chạy xe ôm công nghệ”, anh Uy cho hay.

Anh Nguyễn Đình Uy ngậm ngùi đi ra khỏi một công ty khi được yêu cầu phải có bằng THPT trở lên.

Tương tự, anh Trần Hoài Phi (24 tuổi, quê Nghệ An) cũng “ngao ngán” khi thấy bảng tuyển dụng yêu cầu “bằng 12/trung cấp”. “Tôi không nghĩ đi làm công nhân phổ thông mà cũng yêu cầu bằng cấp, cứ nghĩ bằng cấp chỉ yêu cầu đối với những người đi làm văn phòng”, anh Phi nói với nhóm người cùng đi xin việc với mình.

Tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung II (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), nhu cầu tuyển dụng tại đây khá “ảm đạm”. Ghi nhận tại đây, hầu hết thông tin tuyển dụng đều đã cũ, nếu có tuyển mới cũng chỉ tuyển số lượng rất ít và yêu cầu phải có bằng cấp từ THPT trở lên.

Chị Ngọc Bích (28 tuổi, quê Vũng Tàu) cho biết, chị là một trong nhiều công nhân mất việc tại Công ty Tỷ Hùng vào cuối năm 2022, sau thời gian làm việc ở nhiều xưởng may, chị cũng bị cho nghỉ việc vì công ty không còn đơn hàng. Sau Tết, chị đi tìm việc làm nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nơi phù hợp.

“Các xưởng may hiện nay họ không tuyển nữa, có nơi tuyển nhưng sợ vào đó làm được vài ngày lại bị cho nghỉ do ít đơn hàng. Bây giờ nhiều chỗ đòi phải có tay nghề, bằng cấp mới nhận việc, trong khi đó tôi chỉ mới học xong lớp 9”, chị Bích chia sẻ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trên đây chỉ là một trong số nhiều lao động hiện đang tìm việc tại Bình Dương, TP.HCM và một số địa phương phía Nam có nhiều khu công nghiệp. Đa số họ đều tốt nghiệp lớp 9 rồi đi tìm việc làm, kiếm tiền mưu sinh, dẫn tới tình trạng “lệch pha” nhu cầu tuyển dụng và khả năng đáp ứng của thị trường lao động phía Nam.

Hiện nay, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế, thay vào đó, phía tuyển dụng lao động đặt ra nhu cầu nguồn nhân lực mới yêu cầu cao về năng suất và chất lượng lao động, khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Do vậy, để giải quyết bài toán về tăng năng suất lao động cần có chiến lược, giải pháp tổng thể nhằm tạo chuyển biến đột phá trong nguồn cung lao động.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Cao Thị Thi, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Nước Uống tinh khiết Sài Gòn (SAPUWA) cho biết: Hiện công ty đang cần tuyển dụng nhiều nhân sự ở các vị trí như công nhân sản xuất, nhân viên giao hàng, nhân viên bán hàng… với mức lương ổn định kèm theo nhiều phúc lợi tuy nhiên trình độ tối thiểu mà công ty yêu cầu phải có bằng trung cấp trở lên, nên số lượng trúng tuyển chưa nhiều.

“Cũng có nhiều lao động có bằng trung cấp trúng tuyển vào làm việc, nhưng khi làm việc thực tế họ lại không đáp ứng được kỳ vọng vì đa số không có chuyên môn về công việc, năng suất làm việc chưa tạo sự khác biệt nhiều so với lao động phổ thông”, bà Thi cho biết.

Không có tay nghề, không có bằng THPT nên nhiều công nhân gặp khó khăn khi đi tìm việc ở một số tỉnh thành phía Nam. Ảnh: Minh Tuấn.

Tương tự, ông Phạm Thành Hải, Cán bộ tuyển dụng Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex cho biết: Công ty đang cần tuyển dụng hơn 500 lao động phổ thông, lao động có chuyên môn tuy nhiên việc tuyển dụng hiện nay gặp tương đối nhiều khó khăn, nhất là đối với lao động phổ thông do đa số họ đều không có tay nghề, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Khi tuyển dụng lao động không có tay nghề, chúng tôi phải mất khoảng 1 – 2 năm để đào tạo họ thành thạo với công việc. Sau khi đào tạo xong, chưa chắc họ đã tiếp tục gắn bó với công ty, vì vậy việc tuyển dụng lao động không có tay nghề khá rủi ro “, ông Hải nói.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM cho biết, năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội thích ứng “trạng thái bình thường mới” và khi đại dịch không còn, kinh tế quốc gia và các doanh nghiệp nước ta vượt qua được giai đoạn suy thoái, nhu cầu cần một lực lượng lao động đủ lớn, được đào tạo bài bản sẽ rất cao.

Trong đó, thị trường lao động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn thể hiện sự tăng trưởng. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đồng bộ với nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp, xã hội và hội nhập. Nghịch lý về sự chênh lệch cung – cầu lao động, mất cân đối giữa các ngành nghề vẫn đang diễn ra.

Ông Tuấn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ – trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy thị trường lao động truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ. Do đó việc tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch 451 về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn năm 2023. Mục tiêu là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Để thực hiện được mục tiêu trên, TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan cần triển khai đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện được hưởng chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cập nhật chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng tiếp cận với thực tế sản xuất và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động…

Theo LĐTĐ