Nhiều người lao động cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân có quá nhiều bất cập, nhất là mức giảm trừ gia cảnh… Cùng với đó là các bất cập trong chính sách thuế, biểu thuế,… khiến nhiều người lao động chịu nhiều thiệt thòi.
Thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống vẫn phải nộp thuế
Trao đổi với phóng viên Lao động thủ đô, nhiều người lao động cho rằng với mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay, người làm công ăn lương không có tiền tích lũy, phải sống nhà thuê, hoặc phải mua nhà trả góp, nợ ngân hàng vẫn phải nộp thuế.
Ngoài ra, một số người lao động bức xúc việc quản lý thuế hiện nay là quá chặt và quá cao đối với người làm công ăn lương. Người lao động vất vả tăng ca, làm đêm, làm thêm Chủ Nhật đến mới được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, trang trải nhu cầu tối thiểu có thể mới tạm đủ, song lại thuộc diện phải đóng thuế. Trong khi các hộ kinh doanh cá thể, người bán hàng trực tuyến thu nhập khá cao, có những người kinh doanh hàng online như mặt hàng phục vụ người chơi golf thu nhập lên tới 100 triệu đồng/tháng, trong số này không phải ai “cũng diện” bị đóng thuế! Hay những tiểu thương chợ đầu mối có doanh thu rất cao lại nộp thuế khoán rất thấp. “Cò” đất, lao động tự do có thu nhập cao lại dễ dàng trốn thuế hoặc chỉ nộp thuế từng lần với mức chỉ 10%.
Trong khi thuế đối với người làm công ăn lương thì có đến 7 bậc, mức cao nhất lên đến 35% (khi thu nhập hơn 85 triệu đồng/tháng). Mức thuế suất này cao hơn cả thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 20% sau khi được trừ các chi phí, còn người làm công ăn lương bị giới hạn mức chi phí chỉ 11 triệu đồng.
Chị Hà Trang (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc so sánh, 10 năm qua, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/người/tháng, thế nhưng mức giảm trừ gia cảnh chỉ tăng có 1 lần.
Anh Thế Kiên (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng, bất hợp lý trong áp mức giảm trừ gia cảnh thể hiện ở chỗ áp dụng cào bằng, trong khi lương tối thiểu phân chia theo vùng thì lẽ ra mức giảm trừ gia cảnh cũng phải phân chia theo vùng tương ứng. Bởi vì, mức sống ở những vùng khác nhau có sự chênh lệch; như ở vùng quê, số tiền 11 triệu đồng/tháng thì tạm đủ chi phí, nhưng ở các thành phố lớn như Hà Nội thì không đủ chi phí cơ bản.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng vậy, chỉ 4,4 triệu đồng/tháng thì ở trung tâm thành phố sẽ không đủ tiền ăn, bởi bữa ăn bình thường 50 nghìn đồng, ngày 3 bữa là 150 nghìn đồng, tháng 30 ngày đã hơn 4,4 triệu đồng. Nếu thêm tiền học cho trẻ, các chi tiêu đi lại, quần áo… thì sẽ không thấm vào đâu.
Chị Ngọc Mai (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, chi phí cho một đứa trẻ không thấp hơn so với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người lao động, cha mẹ phải chi tiêu rất tằn tiện để lo cho con cái, vậy mà vẫn còng lưng gánh thuế thu nhập. Thêm nữa, việc quy định giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng bất hợp lý.
Không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay
Tại văn bản góp ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Viện Nhà nước và Pháp luật nêu rõ, các nghiên cứu luật học chỉ ra rằng, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đang nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay.
Về ngưỡng thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh đã được quy định tương đối lâu nên không còn phù hợp với tình hình lạm phát của nền kinh tế. Quy định ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay chỉ có thể điều chỉnh với những người làm công ăn lương trong các đơn vị, doanh nghiệp, còn với các hoạt động ngành nghề lĩnh vực bên ngoài như lái xe taxi, kinh doanh online thì quy định của luật chỉ mang tính hình thức. Rất nhiều người trong số đó có thể dễ dàng đạt được ngưỡng thu nhập chịu thuế.
Có nhiều khoản trợ cấp phát sinh không thuộc phạm vi tiền lương, tiền công (trợ cấp tinh thần, giảm biên chế, trợ cấp một lần khi đăng ký nghỉ hưu sớm…) nhưng chưa được giảm trừ trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, trong khi những khoản trợ cấp này lại phản ánh việc người chịu thuế đang lâm vào tình trạng khó khăn.
Thêm nữa, chưa có quy định giảm trừ với những người phụ thuộc bị mắc bệnh tâm thần mà người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng. Luật cũng chưa tạo ra được sự đồng tình của xã hội về ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc.
Luật Thuế thu nhập cá nhân 2012 còn quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động hơn 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy, CPI nước ta từ năm 2013 đến tháng 9/2019 đã tăng 23,55%. Nghĩa là CPI đã vượt xa mức tối thiểu 20% để Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Đồng thời, số liệu tổng hợp cũng cho thấy tỷ lệ tăng CPI (23,55%) chậm hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở (36,79%) và tỷ lệ tăng mức lương tối thiểu (60,91%). Do đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng nên xem xét căn cứ vào tỷ lệ tăng tiền lương để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa đảm bảo tính công bằng. Hàng năm, Chính phủ đều ban hành mức lương tối thiểu vùng và phân chia theo 4 khu vực khác như nhưng mức giảm trừ gia cảnh lại cố định. Mức giảm trừ cho cá nhân và người phụ thuộc không được điều chỉnh theo mức sống hay trượt giá. Mức giảm trừ gia cảnh phải được khảo sát và dựa trên các chứn cứ khoa học hợp lý nhằm bảo đảm cuộc sống cho cá nhân trước khi tính thuế.
Nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt ngày càng cao, dẫn đến người lao động phải tìm thêm nhiều nguồn thu nhập để bù đắp nhưng những khoản chi được giảm trừ gia cảnh thì lại không có sự điều chỉnh theo. Hơn nữa, thuế thu nhập cũng chưa cho khấu trừ các khoản chi phí hợp lý phục vụ cuộc sống gia đình như chi phí đi lại, chi phí mua nhà, chi phí bảo hiểm y tế ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc.
Cũng theo Viện Nhà nước và Pháp luật, mức thuế suất hiện tại quá cao, không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Theo biểu suất lũy tiến từng phần, mức thuế thấp nhất là 5%, cao nhất là 35%. So với điều kiện kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và đặc biệt là hệ thống an sinh xã hội của nước ta với các nước khác thì chưa hợp lý. Thực tế ở nhiều nước cũng quy định thuế suất tối thiểu là 5% những cũng có những nước thấp hơn, chẳng hạn như Malaysia thu nhập đầu người hơn 2.000USD/năm, mức thuế suất chỉ có 1%.
Viện Nhà nước và Pháp luật cũng chỉ ra, trên thực tế có quá nhiều giấy tờ thủ tục hành chính. Ví dụ như chỉ riêng những quy định về giảm trừ gia cảnh đã có rất nhiều loại giấy tờ, thủ tục, hồ sơ mà người nộp thuế cần phải thực hiện đáp ứng. Chẳng hạn trường hợp người nộp thuế có con theo học và là người phụ thuộc thì đã cần: Giấy khai sinh, giấy xác nhận của trường hoặc bản chứng thực thẻ sinh viên, biên lai thu học phí hoặc chứng từ nộp khoản phí tiền học, tiền sinh hoạt phí có niên độ phù hợp với năm tính thuế. Thủ tục hoàn thuế còn đòi hỏi nhiều giấy tờ hơn nữa như Đơn xin hoàn thuế, bản photocopy giấy chứng minh nhân dân, tờ khai quyết toán thuế…
Theo Viện Nhà nước và Pháp luật, thực tế cho thấy có quá nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của người nộp thuế. Do cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chưa thể kiểm soát được chính xác thu nhập của mọi cá nhân. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc quản lý đối tượng giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Công tác kiểm tra sau khi hoàn thuế cũng gặp khó khăn, vì không có ứng dụng thông tin kiểm soát thu nhập toàn quốc.
Cần thiết phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Từ những lập luận trên, Viện Nhà nước và Pháp luật kiến nghị cần nghiên cứu tách riêng thuế áp trên thặng dư từ chuyển nhượng chứng khoán thành một sắc thuế mới tách khỏi thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thuế chuyển nhượng chứng khoán chỉ áp dụng đối với giao dịch chứng khoán được thực hiện bởi chủ thể kinh doanh đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Trong khi, đối với nhà đầu tư không chuyên nghiệp, khoản lợi nhuận phát sinh từ các giao dịch chuyển nhượng sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế. Người đã nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân trên thặng dư vốn từ chuyển nhượng chứng khoán.
Cùng với đó, xây dựng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tiễn các chi phí sinh hoạt mà mỗi cá nhân đang phải chi trả. Cần có những nghiên cứu, khảo sát để xác định được ngưỡng thu nhập trung bình phục vụ cho nhu cầu sống. Mức khấu trừ này phải phù hợp với mức sống và phù hợp với các chỉ số giá cả theo từng năm và theo từng khu vực.
Đồng thời, mở rộng các khoản giảm trừ gia cảnh liên quan quan đến bảo hiểm y tế mua ngoài, các loại thuế nhà đất, chi phí mua nhà. Kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ cho người phụ thuộc cao hơn mức hiện nay. Và việc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh phải cân nhắc dựa trên các yếu tố kinh tế như tỷ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, cần ghi nhận cơ chế pháp lý trong luật để điều chỉnh quy định này hàng năm hoặc trong giai đoạn để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế.
Theo LĐTĐ