Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, cần có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi.
Báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học, cao đẳng sư phạm mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.
Các vấn đề được chỉ ra gồm: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành đào tạo;
Một số cơ sở xét tuyển sớm chưa hiệu quả; thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành và một số cơ sở đào tạo. Cụ thể, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh với tỷ lệ thấp.
Thống kê từ báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố cho thấy, mùa tuyển sinh năm 2022, hơn 467.400 thí sinh trúng tuyển đã nhập học, đạt tỷ lệ 81,17%.
Trong đó, các thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý nhiều nhất với 26%, tương đương hơn 121.500 thí sinh.
Tiếp theo, thí sinh nhập học lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin với 13%, tương đương hơn 60.700 em.
Các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn cùng chiếm 9% thí sinh nhập học; các lĩnh vực Sức khỏe, Khoa học xã hội và hành vi cùng chiếm 6%; lĩnh vực Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên 5%. Các lĩnh vực còn lại, số thí sinh trúng tuyển dao động từ dưới 1-4%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định hầu hết các ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, do bối cảnh kinh tế – xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.
Do đó, việc một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng dễ thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.
Nhiều cơ sở gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Về giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, Bộ sẽ hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo về thẩm quyền và các điều kiện khi mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là điều kiện bảo đảm chất lượng.
Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định.
Về giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát những phương thức xét tuyển để loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bộ cũng sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù).
Thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai;
Hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.
Đồng thời, kết nối cơ sở dữ liệu ngành với bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin định hướng cho các cơ sở đào tạo về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo.
Ngoài ra, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, đề nghị các trường có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi. “Chậm nhất từ năm 2025 sẽ có điều chỉnh tuyển sinh phù hợp với đặc thù từng ngành”, ông Sơn nói.
Từ những sai sót về dữ liệu tuyển sinh vừa qua, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, giám sát từ các trường phổ thông và sở giáo dục và đào tạo,
Qua đó giúp học sinh hiểu đúng quy định, quy tắc tuyển sinh và những yêu cầu công nghệ để tránh các sai sót đáng tiếc. Đặc biệt, GS. Tú bày tỏ mong muốn Bộ tiếp tục chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT để đạt được mục tiêu xét tuyển, từ tính nghiêm túc của kỳ thi ở các địa phương cũng như độ phân hóa của đề thi.
“Năm ngoái sự phân hóa của đề thi đã tốt nhưng vẫn mong tốt hơn nữa để phục vụ cho các trường trong xét tuyển, đặc biệt các ngành có tính cạnh tranh cao”, ông Tú nói.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, hiện các trường khối sức khỏe đã có họp bàn về phương án tuyển sinh chung.
Tuy nhiên, ông Tú nói thời gian tới các trường này sẽ tiếp tục họp để bàn cụ thể hơn về cách phối hợp thực hiện sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu xét tuyển nữa.
Khi đó, các trường khối ngành khoa học sức khỏe sẽ tìm công cụ chung và có thể hướng đến một số kỳ thi của các đơn vị đã có kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trước đó.
Theo baodautu.vn