26/10/2022 8:55:14

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, giải pháp đột phá gia tăng tiềm lực quốc gia

Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Nguồn nhân lực có kỹ năng cao đang trở thành tài nguyên quan trọng trong cuộc chạy đua “đẳng cấp” phát triển giữa các quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao, được Đảng, Nhà nước  ta xác định là một trong ba giải pháp đột phá nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện chủ trương trên,Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ Lao động vừa đưa ra dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan.

Lao động có kỹ năng phù hợp giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững
Lao động có kỹ năng phù hợp giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững

 Đào tạo kỹ năng tăng 1%, năng suất lao động tăng thêm 3%

Theo thông tin tại dự thảo Đề án, nghiên cứu của ILO về chiến lược đào tạo G20 cho thấy,  lực lượng lao động (LLLĐ) có kỹ năng nghề đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

 Chính sách, chiến lược phát triển kỹ năng tốt sẽ giúp hình thành LLLĐ có kỹ năng cơ bản, nền tảng, kỹ năng chuyên môn và năng lực sáng tạo làm tăng cơ hội việc làm, nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) và thu nhập, cải thiện cuộc sống, và tạo ra giá trị cho xã hội. Trong bối cảnh mới, LLLĐ có kỹ năng nghề có ý nghĩa quyết định tới NSLĐ và nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ở các nước Châu Âu nếu số ngày đào tạo kỹ năng tăng thêm 1% thì NSLĐ tăng thêm 3%, 16% tăng trưởng NSLĐ tổng thể là nhờ vào đào tạo kỹ năng[1]. Một nghiên cứu mới đây của Ban an sinh xã hội và Việc làm toàn cầu thuộc Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh LLLĐ đang già hóa và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2040, cộng với tỉ trọng lớn số lượng việc làm đỏi hỏi kỹ năng thấp và sự tác động của CMCN 4.0, NLĐ cần phát triển đa dạng các kỹ năng để tiếp tục cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện tại và tương lai. Ngay cả những nền kinh tế phát triển như Đức, Hàn Quốc cũng tăng trưởng dựa vào LLLĐ có kỹ năng nghề nghiệp.

Phòng học số của trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh
Phòng học số của trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh

74% lực lượng lao động Việt Nam chưa được công nhận trình độ kỹ năng nghề

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến Quý II năm 2022, LLLĐ nước ta khoảng 51,6 triệu người. Trung bình hằng năm có thêm khoảng 1 triệu người tham gia thị trường lao động ( TTLĐ). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm khoảng 26,1% trong tổng số LLLĐ. Phần lớn LLLĐ (khoảng 74%) chưa được công nhận trình độ kỹ năng nghề (KNN) mặc dù lực lượng này vẫn tham gia TTLĐ, đóng góp vào NSLĐ và tăng trưởng kinh tế.

 Ngoài ra, có khoảng 65 ngàn lượt NLĐ đã được đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) ở các bậc trình độ từ bậc 1 đến bậc 3. Trong đó có 35% được đánh giá, công nhận ở bậc 1; 48% được đánh giá, công nhận ở bậc 2 và 17% được đánh giá, công nhận ở bậc 3. Lao động được đánh giá, công nhận trình độ KNN ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm đa số, khoảng 87%, tiếp đến là lĩnh vực giao thông chiếm khoảng 11%, lĩnh vực du lịch và nông nghiệp chiếm khoảng 2%.

Lao động chát lượng cao  giúp  Samsung Thái Nguyên tăng trưởng bền vững
Lao động chát lượng cao giúp Samsung Thái Nguyên tăng trưởng bền vững

Cơ cấu lao động đã chuyển dịch khá mạnh trong các năm qua theo hướng tăng tỷ trọng lao động lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản. Đặc biệt trong giai đoạn 10 năm từ 2015 đến 2020, tỷ trọng lao động lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tăng từ 22,7% và 33,2% (năm 2015) lên 31,7% và 36,8% tương ứng (năm 2020), tỷ trọng lao động lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản giảm từ 44% (năm 2015) xuống 31,6% (năm 2020) thấp hơn mức trung bình của các quốc gia thu nhập trung bình thấp (khoảng 40%) song tốc độ giảm còn chậm và tỷ lệ vẫn còn cao hơn nhiều nếu so với các nước khác trong khu vực: Hàn Quốc là 5,1%; Malaysia là 10,1%; Philippines là 22,9%; Indonesia là 28,5%; Trung Quốc là 23,6%. Trình độ sản xuất và ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp nước ta còn khá hạn chế.

Chuyển dịch cơ cấu lao động giữa khu vực nông thôn và thành thị còn chậm, lao động nông thôn chiếm tỷ lệ cao khoảng 67%, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đáng chú ý, trong cơ cấu lao động theo vị thế việc làm nhóm “lao động tự làm” và “lao động gia đình” chiếm gần 50%[2] (27,2 triệu người) là những nhóm lao động kỹ năng thấp, giản đơn, công việc kém ổn định, hầu như không được hưởng một loại hình bảo hiểm xã hội nào. Nhóm lao động này dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của TTLĐ, sự tác động của tự động hóa và thiên tai, địch họa.

Nhu cầu lao động qua đào tạo có kỹ năng chất lượng tăng cao trên thị trường nhân lực Việt nam
Nhu cầu lao động qua đào tạo có kỹ năng chất lượng tăng cao trên thị trường nhân lực Việt nam

Nâng tầm kỹ năng lao động , giải pháp đột phá gia tăng tiềm lực quốc gia

Hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng hùng cường vào năm 2045, theo Tổng cục GDNN, trong bối cảnh CMCN 4.0, định hướng phát triển kinh tế xã hội Việt Nam bền vững, bao trùm gắn với chiến lược tăng trưởng xanh dẫn đến gia tăng các công việc năng suất, thâm dụng tri thức và tạo giá trị gia tăng cao đòi hỏi LLLĐ có chất lượng, trình độ kỹ năng cao đang trở thành tất yếu. Quá trình này đặt ra thách thức đối với Việt Nam trong việc chuẩn hóa và phát triển LLLĐ vừa có quy mô số lượng hợp lý, chất lượng và trình độ kỹ năng cao, nhất là cơ cấu kỹ năng lao động toàn diện trong việc bắt kịp, tiến cùng và vượt lên một số lĩnh vực đối với các nước trong khu vực và thế giới trong trung hạn và dài hạn.

Vì vậy, phát triển NNL có KNLĐ, nhất là nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ gia tăng tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự thành công của tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, thích ứng với CMCN 4.0. Đây cũng là một trong những lý do khách quan của sự ra đời Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045” mà Tổng cục GDNN đang triển khai xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan.

Khánh An

[2] Báo cáo điều tra lao động, việc làm 2019