16/06/2022 8:55:29

Chuyên gia gợi ý Hà Nội cách chống ngập sau mưa lớn

Những ngày gần đây các cơn mưa lớn dồn dập đã khiến tình trạng ngập úng ở Hà Nội càng trở nên trầm trọng hơn. Việc áp dụng các kĩ thuật để quản lí nước chảy tràn tại chỗ là một trong những giải pháp mới được chuyên gia đưa ra nhằm giảm thiểu ngập úng đô thị dưới biến đổi của khí hậu.

Hạ tầng thoát nước chưa theo kịp quá trình đô thị hóa. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo  GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, trong các nguyên nhân khách quan gây ngập úng tại Hà Nội là do địa hình thấp và mực nước các sông lên cao; lượng mưa lớn và phân bổ không đều theo thời gian,… thì còn do quá trình đô thị hóa và tăng dân số. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã không tận dụng lợi thế và địa hình này để thực hiện quy hoạch thoát nước, lại tập trung xây cống ngầm, trạm bơm nằm cách xa các sông ngòi rồi phải xây kênh dẫn phức tạp. Trong khi đó, sông ngòi, ao hồ lại đang bị lấp, thu hẹp.

Một nguyên do khác đến từ những bất cập trong quản lý quy hoạch đô thị là khi các công trình hạ tầng, đặc biệt là thoát nước, đã không theo kịp với xây dựng công trình, nhà cửa. Khi triển khai xây dựng, cốt san nền công trình tại các khu đô thị mới, đại lượng cơ bản trong thiết kế tiêu thoát nước đã không được tuân thủ theo quy hoạch. Hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện nay đã ít lại chưa phát huy hết tác dụng. Thậm chí nhiều khu hồ điều hòa bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm.

Việc xây dựng các nhà cao tầng với mật độ lớn và khai thác nước ngầm cũng dẫn đến cốt nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún. Việc thay đổi cốt đường sau mỗi lần cải tạo, sửa chữa sẽ làm thay đổi ranh giới các tiểu lưu vực thoát nước và hiệu quả hoạt động của các đường cống ở đó.

GS. TS Trần Đức Hạ. Ảnh: VGP

Ngoài ra, việc thiếu kiểm soát quá trình xả rác thải, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ kênh mương là nguyên nhân hiện hữu hạn chế khả năng tiêu thoát nước và gây ô nhiễm môi trường.

So với các địa phương trong cả nước, TP. Hà Nội phân bổ nguồn kinh phí đáng kể cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Từ năm 2015 tới nay, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt hàng loạt dự án nhằm thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây, gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện ngoại thành vừa mở rộng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện hoặc chậm tiến độ khiến nhiều khu vực ở TP. Hà Nội tiếp tục chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn.

Xây dựng bể ngầm chứa nước là phương án Hà Nội có thể nhân rộng để chống ngập

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, thoát nước mưa đô thị cần theo hướng bền vững, tức áp dụng các giải pháp kĩ thuật để kiểm soát úng ngập tại chỗ, thông qua việc thu gom, lưu chứa và xả ra từ từ vào cống thoát nước hoặc môi trường. Đây là một trong những giải pháp mới được khuyến khích áp dụng nhằm giảm thiểu ngập úng đô thị dưới tác động của biến đổi của khí hậu.

Các công trình của hệ thống thoát nước đô thị bền vững tạo điều kiện thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn, đồng thời sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ thống sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước,  làm hài hòa cảnh quan thiên nhiên.

Đặc biệt, việc xây dựng bể ngầm chứa nước là phương án Hà Nội có thể nhân rộng. Hiện thành phố mới thí điểm xây hầm ngầm chống ngập cho phố Nguyễn Khuyến, quy mô 2.000 m3. Mô hình này đã được ứng dụng thành công tại Hong Kong (Trung Quốc), các thành phố ở Nhật Bản và nhiều nơi khác. Ngoài việc góp phần cắt đỉnh lũ khi mưa lớn, các bể ngầm này còn chứa nước mưa dự trữ để sử dụng tưới cây, rửa đường, chữa cháy, cung cấp cho hồ đô thị và tái tạo nguồn nước ngầm.

Theo đó, bể ngầm thường được áp dụng cho khu vực ngập úng cục bộ, xu thế ổn định qua các năm. Để triển khai, cơ quan cấp thoát nước xác định khu vực ngập úng, tìm vị trí có đường dẫn nước thuận lợi, khoảng không gian trống lớn phía trên để xây bể ngầm. Khu vực lý tưởng là dưới các bãi cỏ lớn, sân bóng đá để tối ưu thể tích bể, giúp nước thấm nhanh.

Theo VGP