Sáng 25/5, Hội thảo định hướng truyền thông về Tháng hành động Vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp Tổ chức Plan tại Việt Nam tổ chức tại tỉnh Hòa Bình.
“Nhằm làm tốt công tác bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cùng với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chúng ta còn phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng, giải quyết các vấn đề của giới trẻ, phá bỏ các mối nguy hiểm, các hình thức xâm hại, bạo lực đối với trẻ em…” – Cục trưởng Cục Trẻ em, Đặng Hoa Nam khẳng định tại Hội thảo.
Kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ là một trong những nội dung được chú trọng và nêu rõ. Nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn các cơ quan truyền thông đồng hành cùng các nhà quản lý, các đơn vị đối tác, nhà trường, gia đình và trẻ em để mọi trẻ em và những trẻ dễ tổn thương được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Trẻ em, Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Cùng với việc phát hiện, hỗ trợ, cổ vũ việc làm tốt, mô hình, giải pháp tốt, chúng ta cần chú trọng việc phát hiện những vấn đề chưa ổn, những khoảng trống, cùng chung tay giúp cho trẻ em có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, truyền thông về công tác trẻ em cần chú trọng đến những vấn đề nhận thức và những vấn đề về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Trong đó, để bảo đảm truyền thông hiệu quả, cần sử dụng đồng bộ 3 kênh: Báo chí, mạng xã hội, truyền thông cộng đồng từ đó thống nhất nội dung, thông điệp, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, thông tin đến hệ sinh thái xung quanh trẻ tại từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư (làng, xóm, ấp, bản, tổ dân phố)…”.
Nhằm làm rõ hơn các nội dung truyền thông chuẩn theo những quy định của pháp luật về kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực và bảo vệ thông tin của trẻ em, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Nguyễn Thị Nga nêu rõ: “Trong các yêu cầu bảo vệ trẻ em, cần chú ý truyền thông 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, trong đó đề cao việc phòng ngừa lên hàng đầu.
Mặc dù, hiện nay chưa có những điều luật cụ thể quy định thế nào là xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Do vậy, cần có sự phối hợp liên ngành (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Bộ Công an) trong việc xử lý trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng và môi trường thực là như nhau”.
Cơ quan truyền thông là “chỗ dựa” tinh thần cho cha mẹ nạn nhân
Nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Nếu như trước đây, cha mẹ có thể kiểm soát, có quy định về thời gian, nội dụng trẻ lên mạng. Thế nhưng, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch covid, trẻ em đã nghiễm nhiên được phép lên mạng. Các trẻ em lên hội nhóm, trang mạng không giống người lớn mà hoạt động “du kích” ẩn mình khiến việc kiểm soát hoạt động của trẻ trên mạng gặp nhiều khó khăn”.
Trên thực tế, có không ít cha mẹ, người chăm sóc không biết phải xử lý như thế nào, báo cáo với ai để được hỗ trợ, xử lý khi xảy ra sự việc với con, em mình. Trong tình huống này, các bậc phụ huynh ưu tiên kết nối với cơ quan chức năng địa phương hoặc liên hệ tổng đài hỗ trợ 111. Để phòng chống, phụ huynh có thể tham khảo một số gói ứng dụng theo dõi hoạt động của con trên môi trường mạng để thấu hiểu hơn nhu cầu của con và kiểm soát.
Bên cạnh đó, khi trẻ bị xâm hại cần được truyền thông lên tiếng thì cơ quan truyền thông cần trở thành “chỗ dựa” mang “liều thuốc tinh thần” cho mỗi bậc phụ huynh khi xảy ra vụ việc. Đồng thời, cơ quan truyền thông cũng có nhiệm vụ chia sẻ, cảnh báo giúp các bậc phụ huynh nhận ra những mối nguy hại tiềm ẩn.
Nhà báo Nguyễn Ngân, Ban thời sự VTV cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện truyền thông về trẻ em trên truyền hình, kinh nghiệm bảo vệ hình ảnh trẻ em và người thân của các em. Nhà báo Nguyễn Ngân nhấn mạnh nguyên tắc: “Làm đề tài này có rất nhiều áp lực về thông tin, hình ảnh của các em và người thân. Đồng thời, cần có sự hiểu biết về tâm lý các em và nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan. Khi khai thác và đăng tải thông tin cần hết sức chú ý tránh dẫn đến các em vừa là nạn của các vụ xâm hại vừa là nạn nhân của những bài báo khi để lộ hình ảnh, thông tin cá nhân…”.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chia sẻ những hoạt động về Tháng hành động Vì trẻ em; kinh nghiệm truyền thông với loại hình báo viết, báo mạng, mạng xã hội thu hút giới trẻ về chủ đề an toàn trên môi trường mạng; kinh nghiệm truyền thông trong lĩnh vực phát thanh truyền hình…
Các đại biểu cũng đề cập đến các yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trách nhiệm chính quyền địa phương, các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan đơn vị trong việc thực thi các quy định pháp lý bảo vệ quyền trẻ em theo quan điểm “Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Thông qua hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn đẩy mạnh việc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Plan International, đơn vị phối hợp cùng Cục Trẻ em tổ chức Hội thảo này là tổ chức quốc tế hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo và vì sự phát triển toàn diện của các em. Hiện tại, Tổ chức Plan International Việt Nam đã làm việc cùng văn phòng Plan International tại Đức huy động ngân sách cho dự án “Bảo vệ Trẻ em và thanh thiếu niên An toàn trên môi trường mạng”. Dự án triển khai từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 7 năm 2024.
Ngô Diệp