Nhìn lại lịch sử Việt Nam, kỹ năng lao động dù chưa được đề cập đến một cách trực tiếp và có tính hệ thống nhưng vai trò của kỹ năng lao động bước đầu đã nhận được sự quan tâm. Trong hai bài viết đăng trên “Báo Cứu quốc” số 45 ngày 4/10/1945 là: “Chống nạn thất học” và “Thiếu óc tổ chức – một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu nền tảng đối với việc hình thành kỹ năng đó là dân trí và phương pháp làm việc.
Ngày nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước đang chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA….), tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp cận với những kiến thức mới, công nghệ mới, mô hình đào tạo và mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại, tạo ra những dòng chuyển dịch các nguồn lực, tạo nhiều cơ hội việc làm cũng như dịch chuyển lao động giữa các quốc gia.
Cách mạng khoa học công nghệ thế giới tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhất là tác động của cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GDNN, tạo cơ hội mới cho GDNN phát triển. Kết quả nghiên cứu về các xu hướng toàn cầu đang nổi lên trong GDNN của Cisco và Optus/Alphawest đã đưa ra Bảy xu hướng toàn cầu trong phát triển GDNN, trong đó coi kỹ năng là một loại tiền tệ quốc tế, chúng là một nguồn lợi thế kinh tế và ngày càng “có thể giao dịch”.
Bài học thành công của nhiều quốc gia phát triển chỉ rõ nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đòi hỏi về đội ngũ lao động có kỹ năng càng đặt ra bức thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi công nghệ mới đòi hỏi kỹ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm trung bình sẽ dần biết mất và lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh.
Đáng quan tâm, không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Và thế kỷ 21, theo nhận định của Ngân hàng thế giới (WB) là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng. Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng nhấn mạnh, kỹ năng nghề được goi là một trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế. Thậm chí kỹ năng còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu.
Trong kỷ nguyên mà sự phát triển sẽ được dựa trên nền tảng kỹ năng, các chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực sẽ là nút thắt quan trọng giữ vai trò quyết định, nhất là khi các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đấu tư.
Ông Đỗ Văn Sử – Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cho rằng, kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên. Trong đó nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế.
“Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, ông Sử thông tin.
Tuy nhiên, theo nhận định của vị chuyên gia này, việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn có những khó khăn và chưa được triển khai nhiều. Ngoài chuyên môn, thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác như: khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học…
Trong đó, trình độ tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với người lao động Việt Nam để đạt được lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động của khu vực ngày càng hội nhập cũng như tham gia vào nền kinh tế dịch vụ. Lực lượng lao động cần được đào tạo về tư duy phản biện, kỹ năng số và phân tích dữ liệu thông qua mô hình STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học).
“Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không phải làm từ thiện nên sẽ không có chuyện không làm được việc mà lĩnh lương. Do đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế”, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cảnh báo.
Ông Trương Ngọc Hoàng– Giám đốc giáo dục Công ty Festo nhận định, nếu kỹ năng lao động được xem là tiền tệ trong thế kỷ 21, thì kỹ năng lao động Việt Nam mới chỉ có mức giá trung bình và chưa đồng đều so với khu vực và thế giới. Có một số lĩnh vực, khu vực hoặc cá nhân rất xuất sắc được các doanh nghiệp đánh giá cao, thậm chí cao hơn các nước trong khu vực. Đó là những sinh viên tốt nghiệp các nghề kỹ thuật như điều khiển tự động hoá, cơ điện tử, cơ khí, điện lạnh, sơn ô tô, thời trang ….ở các đô thị lớn sau khi ra trường được nhiều cơ hội việc làm và thu nhập từ 10 -15 triệu đồng/ tháng. Những sinh viên có thành tích xuất sắc các nghề này thì mức thu nhập cao hơn và có nhiều cơ hội trở thành chủ doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều nghề nghiệp giá trị kỹ năng còn thấp so với nhu cầu của một xã hội ngày càng phát triển và đòi hỏi kỹ năng và kỹ thuật cao. Mức thu nhập sau khi ra trường của sinh viên tốt nghiệp các nghề như kế toán, kinh tế, dịch vụ, may mặc, nông lâm thuỷ sản hiện mới chỉ đạt khoảng 6-8 triệu đồng/ tháng.
“Riêng đối với các lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao như robot, IoT, I4.0,…thì sinh viên cao đẳng tại Việt Nam chưa thể bằng một số nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”, ông Hoàng cho biết.
Trong khi đó, thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo.
Theo Tổng cục GDNN, điểm yếu cơ bản của lao động Việt Nam là tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề dài hạn và lao động có trình độ cao còn thấp, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.
Kỹ năng tay nghề của lao động Việt Nam còn yếu so với tiêu chuẩn nghề của khu vực và thế giới. Tại “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kì 4.0 (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 93 trên tổng số 141 quốc gia về trụ cột “Kĩ năng” trong nhóm “Năng lực”. Tuy nhiên, Trụ cột kỹ năng thăng 4 bậc nhưng vẫn xếp dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (94 so với thứ 67). Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Philippines (thứ 64).
Có thể nói vấn đề kĩ năng chính là rào cản đối với lao động Việt Nam trong thời đại 4.0.
( Bài cuối: Nâng “giá” kỹ năng lao động Việt)
Nội dung: Hải An
Đồ họa: Thanh Phong