Năm 2021, vượt qua những thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã linh hoạt thích ứng và đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống điểm lại những sự kiện nổi bật của GDNN trong năm 2021.
- Tổng cục GDNN đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất
Ngày 18/11, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận những nỗ lực phấn đấu, những thành tích xuất sắc của Tổng cục GDNN trong công tác từ năm 2015-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đã hơn 50 năm kể từ khi thành lập đến nay (9/10/1969- 9/10/2021), Tổng cục GDNN (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 1.907 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường cao đẳng (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1044 trung tâm GDNN (689 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở GDNN công lập là 1.227 cơ sở (538 trường cao đẳng, trung cấp công lập). Trong đó có 680 cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 36%).
Đáng chú ý, tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, cũng đã lựa chọn 45 trường nghề có năng lực đào tạo nghề tốt để có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2020. Đây là cơ sở để hình thành mạng lưới các cơ sở GDNN chất lượng cao trong cả nước.
Các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước được hình thành, đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động; đội ngũ cán bộ quản lý, công tác quản trị nhà trường được đổi mới và hiệu quả.
Kết quả thể hiện rõ nét nhất là tỷ lệ tuyển sinh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đặc biệt một số nghề tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%. Giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh GDNN ước đạt 11.077 ngàn người (đạt 103% kế hoạch giao, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015). Trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 2.472 ngàn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.605 ngàn người.
Tốt nghiệp GDNN đạt 10.212 ngàn người (đạt 108% kế hoạch giao). Trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1.993 ngàn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.219 ngàn người.
Theo đánh giá của một số DN, cơ bản sinh viên tốt nghiệp ra trường đều nhanh chóng tiếp cận được với dây chuyền công nghệ thực tế. Điều này cũng thể hiện kết quả của quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động.
- GDNN Việt Nam được vinh danh tại nhiều đấu trường quốc tế
Huy chương Vàng cuộc thi nghề Cơ điện tử online Châu Á- Thái Bình Dương
Tháng 4/2021, đấu trường quốc tế Kỹ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á- Thái Bình Dương đã vinh danh hai thí sinh đội tuyển Việt Nam. Đó là 2 em Nguyễn Văn Tấn và Đinh Tú Ngọc, SV Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.
Cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương là cuộc so tài của những đối thủ mạnh về nghề Cơ điện tử trên thế giới. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia thường xuyên giành thứ hạng cao nhất về nghề Cơ điện tử tại các Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới, Singapore có lợi thế về ngoại ngữ.
Tại Lễ xuất quân, tham gia Cuộc thi trước đó, đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu đạt Top 3 sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây đã là một mục tiêu khó. Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự thể hiện xuất sắc, giành thắng lợi tuyệt đối, thuyết phục, mang Huy chương Vàng vinh quang về cho Tổ quốc.
Theo PGS, TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, cơ điện tử là nghề đặc trưng của thời đại 4.0 với sự tích hợp 3 nghề trong 1, gồm: Cơ khí, điện tử và công nghề thông tin. Công nghệ Cơ điện tử góp phần tạo ra các dây chuyền sản xuất tự động hóa cao cũng như tạo ra sản phẩm có độ chính xác. Từ đó góp phần tăng năng suất lao động. Với nhiều ưu điểm, công nghệ Cơ điện tử hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Chiến thắng của Việt Nam tại Cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương đã chứng tỏ sức mạnh cạnh tranh nghề 4.0 của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á và châu Á.
Lọt Top 4 và Top 10 Thế giới Cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa thế giới
Ngày 22/11/2021, 2 thí sinh Việt Nam đã được xướng tên ở vị trí Top 4 và Top 10 Cuộc thi Vô địch Thiết kế đồ họa thế giới (ACAWC). Trong đó, có em Bùi Đình Duy – cựu sinh viên Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội – Top 10 thế giới.
Đây là thành tích đáng tự hào của đội tuyển ACA Việt Nam khi cuộc thi chỉ xét chọn và vinh danh 10 thí sinh có kết quả xuất sắc nhất thế giới, Việt Nam đã có tới 2 gương mặt ghi danh trong Top 10. Với thành tích này, đội tuyển Việt Nam liên tục trong 3 năm tham dự Vòng chung kết thế giới kể từ 2018 đều đạt thành tích cao. Điều này một lần nữa khẳng định tài năng và bản lĩnh của tuổi trẻ Việt Nam tại đấu trường thiết kế sáng tạo thế giới. Với thành tích nổi bật năm nay, đội tuyển Việt Nam tiếp tục ghi tên mình vào bảng thành tích thế giới trong suốt 3 năm liền tham dự cuộc thi.
Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: “Kết quả của đội tuyển Việt Nam đạt được tại cuộc thi ACA World Championship là thành công lớn. Điều đó chứng tỏ trình độ trong lĩnh vực Thiết kế đồ họa của HS-SV Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn quốc tế mới và hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh với nguồn lao động thế giới. Đây cũng là kết quả của việc đổi mới GDNN trong thời gian qua, trong đó định hướng đào tạo gắn với mục tiêu hướng nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.
- Việt Nam lần đầu tiên có nữ Đại sứ Kỹ năng nghề
Ngày 14/7, tại Diễn đàn quốc tế về tương lai Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid và cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đã trao Quyết định bổ nhiệm 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021.
Trong số 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam mới được bổ nhiệm có 3 Đại sứ là nữ. Đó là: Đại sứ Nhữ Thị Phương, hiện là giáo viên tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Với kỹ năng ở nghề Dịch vụ nhà hàng, Nhữ Thị Phương đã đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2013.
Đại sứ Nguyễn Thị Huyền Trang, hiện là Giảng viên Trường Cao Đẳng Du Lịch Hà Nội. Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN năm 2005, Nguyễn Thị Huyền Trang đã có thành tích đạt Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng
Đại sứ Nguyễn Thị Doan, hiện làm việc tại Công ty May Sang Việt. Tại Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN năm 2018, Nguyễn Thị Doan đã có thành tích đạt Huy chương Đồng nghề Công nghệ thời trang.
Mô hình Đại sứ Kỹ năng nghề đã phát triển thành công nhiều năm ở các nước Anh, Đức, Hàn Quốc, Úc. Tại Việt Nam, vào năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố 10 Đại sứ Kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ có nhiều đóng góp trong việc phát triển kỹ năng nghề và lan tỏa giá trị giáo dục nghề nghiệp trong giới trẻ và xã hội, các Đại sứ Kỹ năng nghề còn là những câu chuyện về nghị lực sống, tấm gương lao động, học tập, rèn luyện miệt mài, nghiêm túc.
Mỗi người một lĩnh vực, mỗi người đi đến lựa chọn học nghề trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung đều là những câu chuyện truyền cảm hứng, giúp lan tỏa các giá trị của giáo dục nghề nghiệp trong cuộc sống; góp phần hình thành nên lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Bằng sự đam mê, và câu chuyện thực tế của chính bản thân mình, các Đại sứ Kỹ năng nghề đã truyền cảm hứng cho các bạn thanh niên đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng như góp phần lan tỏa các giá trị của kỹ năng nghề. Qua đó góp phần giúp bạn trẻ có cách hiểu chính xác về học nghề – lập nghiệp, trở thành những người có tay nghề đóng góp cho xã hội.
- Hội giảng Nhà giáo GDNN – Tôn vinh nhà giáo GDNN có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi số
Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 là hội giảng đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến tính từ năm 1998 trở lại nay với mục tiêu duy trì hoạt động chuyên môn và đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hội giảng có sự tham gia của 404 nhà giáo trình giảng tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương, 6 bộ, ngành. Trong khuôn khổ hội giảng có nhiều hoạt động thiết thực như: Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp”; Triển lãm số trong giáo dục nghề nghiệp; tọa đàm “Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng”; hội thảo quốc tế “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN và người đào tạo là người của doanh nghiệp” với quy mô mở rộng cũng như sự đa dạng trong các hoạt động.
Với thông điệp “Nhà giáo GDNN sẵn sàng đón nhận, thích ứng với những thay đổi do công nghệ, bối cảnh dịch bệnh tạo nên”, Hội giảng đã tập trung phát động, lan tỏa hình ảnh, thông tin về hệ thống GDNN thông qua năng lực thích ứng của nhà giáo khi sử dụng công nghệ và áp dụng phương pháp mới trong tổ chức giảng dạy.
7 ngày tranh tài sổi nổi, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 không chỉ thu hút sự chú ý của xã hội về năng lực của hệ thống GDNN, về chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN thông qua hoạt động trình giảng của các nhà giáo mà còn thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp bởi các hoạt động chuyên môn, bên lề trao đổi về các vấn đề nóng của GDNN.
Bế mạc Hội giảng, 140 nhà giáo xuất sắc nhất đã được trao giải tại Hội thi với 20 nhà giáo đoạt giải Nhất; 40 nhà giáo đoạt giải Nhì và 80 nhà giáo giành giải Ba.
- Startup Kite năm 2021- sân chơi rộng mở về sáng tạo khởi nghiệp
Startup Kite là hoạt động thường niên do Tổng cục GDNN tổ chức, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, truyền nguồn cảm hứng sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống. Đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư.
Năm nay, với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”, cuộc thi hướng đến các dự án khởi nghiệp có hàm lượng cao về ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực, trong đó có chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19 thiết lập trạng thái bình thường mới.
Diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… phải cách ly, giãn cách do Covid-19 nhưng Cuộc thi vẫn thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các cơ sở GDNN. Startup Kite năm 2021 đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án tham dự Vòng sơ tuyển; 207 dự án của các em học sinh, sinh viên của 59 cơ sở GDNN tại 33 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào Vòng bán kết; 67 ý tưởng, dự án được lựa chọn vào Vòng chung kết. Trong đó, giải Nhất đã được trao cho ý tưởng “Gậy thông minh” đến từ Trường CĐ Việt – Đức, Nghệ An, với giải thưởng trị giá 20 triệu đồng.
Từ việc triển khai Cuộc thi cho thấy, nhiều học sinh, sinh viên rất năng động, sáng tạo tìm tòi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
- Thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021: Đón đầu xu hướng hiện đại, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia diễn ra từ ngày 1/12/2021 là Kỳ thi có nhiều điểm mới. Nổi bật là đối tượng tham dự kỳ thi được mở rộng bao gồm người lao động, người học, có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (tùy theo tính chất của từng nghề) đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, GDNN, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp được các bộ, ngành, Sở LĐ-TB&XH, tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội.
Trước đây, đối tượng tham gia kỳ thi chỉ là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ có độ tuổi không quá 23 hoặc 25 tùy từng nghề. Việc mở rộng đối tượng dự thi nhằm lan tỏa phong trào rèn nghề, phát triển kỹ năng lao động, tôn vinh người lao động và giá trị của kỹ năng nghề.
Kỳ thi năm nay cũng có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, cũng là những nghề mới lần đầu tiên dự kiến tổ chức tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới như Khuôn mẫu, Công nghiệp 4.0, Sản xuất bồi đắp; có nghề chưa từng tổ chức thi tại ASEAN và thế giới mà xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước như Lắp đặt thang máy, Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò… Điều này cho thấy sự đón đầu xu hướng trình độ tay nghề, kỹ thuật thế giới.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương, Kỳ thi không chỉ phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản bối cảnh đặc biệt năm nay như đối tượng tham gia, ảnh hưởng của dịch bệnh mà phải đón đầu được xu hướng hiện đại, tiệm cận trình độ của khu vực và thế giới hiện nay. Nội dung đề thi không chỉ tiệm cận với trình độ kỹ năng nghề thế giới, tiệm cận trình độ Kỳ thi tay nghề Asean, thế giới mà còn phải thể hiện rõ vai trò dẫn dắt của Kỳ thi trong GDNN.
Hải Yến