Một biến chủng mới của Covid-19, được gọi là biến chủng B.1.1.529, được phát hiện mang lượng lớn đột biến có thể đẩy các làn sóng dịch khác đi xa hơn bằng cách vượt mặt khả năng miễn dịch của cơ thể.
Hiện có 10 ca nhiễm ở hai quốc gia và một vùng lãnh thổ được xác nhận bằng giải trình tự gene, nhưng biến chủng này đã gây ra mối quan tâm lớn đối với nhiều nhà nghiên cứu vì một số đột biến có thể giúp virus tránh được khả năng miễn dịch.
Biến chủng này xuất hiện lần đầu tiên ở Botswana và có 6 ca nhiễm được ghi nhận tại Nam Phi. Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai (spike protein). Các đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lan truyềncủa virus, nhưng cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Những đột biến mới của virus nCoV nâng cao khả năng lây nhiễm
Biến chủng này được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana, với 3 ca nhiễm đã được giải trình tự gene. 6 ca nhiễm khác được xác nhận ở Nam Phi và một ở Hong Kong – là du khách trở về từ Nam Phi.
Tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, đã đăng thông tin chi tiết về biến chủng mới trên một trang web chia sẻ bộ gene, lưu ý rằng “số lượng đột biến rất cao của biến chủng cho thấy điều này có thể thực sự đáng lo ngại”.
Trong một loạt các tweet, ông Peacock nhấn mạnh rằng sự cần thiết phải theo dõi sát sao biến chủng này do phần gai khủng khiếp của nó.
Ông Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ông đã phát hiện hai trong số các đột biến ởbiến chủng B.1.1.529 làm tăng nguy cơ lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết kháng thể.
Các chuyên gia nhận định nếu nCoV tiếp tục biến đổi, thế giới sẽ đối mặt siêu biến thể với mức độ lây nhiễm, độc lực và khả năng tránh né miễn dịch khác hoàn toàn.
Kể từ lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 12/2020, Delta trở nên phổ biến đến mức các nhà khoa học cho rằng virus đã ngừng biến đổi, chuyển sang trạng thái ổn định. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 99,5% trình tự gene ghi nhận trong cơ sở dữ liệu hiện là Delta.
Một số biến thể mới tiếp tục xuất hiện, như AY.4.2 hay Delta Plus thời gian gần đây, có khả năng lây truyền cao hơn 10-15%. Song chúng gần như giống với biến thể Delta, ngoại trừ một vài đột biến nhỏ khác lạ.
Một giả thuyết đưa ra là sau thay đổi lớn ban đầu, tạo ra Alpha và Delta, nCoV giờ đây đột biến từ từ và ổn định, cuối cùng vượt ngoài tầm kiểm soát của vaccine hiện tại. Nhưng quá trình này sẽ tốn nhiều năm.
Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL, cho biết: “Kiểu tiến hóa này gọi là ‘trôi’ kháng nguyên (antigenic drift), khi virus tiến hóa để thoát hệ miễn dịch, thường gây nên các đợt dịch vừa và nhỏ. Đối với cúm và các chủng corona khác, virus mất khoảng 10 năm để tích lũy đủ thay đổi mà các kháng thể trong máu không nhận ra được”.
Kịch bản khác là nCoV sẽ đột biến thành chủng hoàn toàn mới, mức độ lây truyền, độc lực và khả năng né tránh miễn dịch khác hẳn. Ravi Gupta gọi những chủng này là “siêu biến thể”. Ông chắc chắn đến 80% chúng sẽ xuất hiện trong tương lai, chỉ chưa biết khi nào.
“Hiện giờ đại dịch chủ yếu là do Delta. Siêu biến thể tôi đang nói đến còn mạnh mẽ hơn Delta Plus. Tôi không nghĩ Delta Plus đáng lo ngại và có thể phát triển mạnh mẽ ở các nước khác. Nhưng biến thể bền vững hơn có thể xuất hiện trong hai năm tới, nó cạnh tranh trực tiếp với Delta, có khi vượt xa Delta”, giáo sư Gupta nói.
Siêu biến thể phát sinh theo nhiều cách khác nhau
Nửa cuối năm 2020, các chuyên gia dịch tễ quan sát được hiện tượng tái tổ hợp virus.Trong đó, các phiên bản khác nhau của nCoV trao đổi đột biến, kết hợp để tạo thành chủng hoàn toàn mới.
May mắn là hiện tượng này không phổ biến, theo lời ông Gupta. Nhưng nó vẫn có thể là nguồn cơn của siêu biến thể, đặc biệt tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nơi Covid-19 vẫn thoải mái lây lan. Virus nCoV cũng có thể xuất hiện hàng loạt đột biến lớn, tạo ra phiên bản Delta nâng cấp mạnh mẽ hoặc chủng virus khác hẳn. Nhiều người lo ngại thuốc kháng virus có thể thúc đẩy nCoV tiến hoá nhằm thích nghi với cơ thể người.
Siêu biến thể cũng có nguy cơ xuất hiện tại các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao liên tục như Anh. Theo ông Gupta, khi Delta lưu hành trong các quần thể đã tiêm chủng, virus có cơ hội tiến hóa xa hơn để thích nghi. Các nhà khoa học cố gắng mô hình hóa siêu biến thể nCoV mới. Đến nay, những biến đổi chính đều giúp virus tăng khả năng lây truyền.
Đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Virus luôn tạo ra những bản sao khác nhau. Bản sao tồn tại cuối cùng và trở nên áp đảo có khả năng lây nhiễm cao hơn. Biến thể nCoV vượt được hàng rào miễn dịch có thể chiếm ưu thế hơn, siêu biến thể tiếp theo đủ sức né tránh ít nhất một phần phản ứng miễn dịch. Dù điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nó không phải tin xấu. Vaccine được tạo ra hướng tới sự tiến hóa của virus. Các chuyên gia dịch tễ không cho rằng nCoV sẽ phát triển đến mức khiến tiêm chủng hoàn toàn vô dụng. Họ cũng đang nghiên cứu vaccine thế hệ thứ hai, chống được biến thể tiềm năng.
Hải Linh