12/11/2021 12:18:57

Thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nữ thời kỳ hậu Covid- 19

Tác động nặng nề của đại dịch Covid- 19 khiến người lao động là nữ ở các thành phố lớn lao đao vì mất việc làm, không thu nhập, đặc biệt là lao động nữ chưa qua đào tạo là một trong những nhóm yếu thế của thị trường lao động…

Hội thảo trực tuyến “Việc làm – Cơ hội khởi nghiệp của phụ nữ thời kỳ hậu Covid-19” do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 11/11,  mang đến những dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trẻ, cùng các giải pháp, thúc đẩy đào tạo nghề cho nguồn nhân lực nữ cũng như kết nối Cung – Cầu cho lao động nữ trong thời kỳ hậu Covid-19 và sự phục hồi phát triển kinh tế ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Lao động nữ nếu không qua đào tạo thích ứng với công nghệ sẽ khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Thúc đẩy bình đẳng giới và đào tạo nghề cho lao động nữ: “Mục tiêu căn cơ và bền vững”

Đó là nhận định của chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng khoa học- Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực và các thành viên tham dự Hội thảo. Xuất phát từ thực trạng nhu cầu sử dụng lao động nữ trong doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phân tích đối tượng lao động nữ nếu không qua đào tạo và thích ứng với công nghệ, chuyển đổi số sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, thậm chí phải đối diện với nguy cơ mất việc làm…

Theo khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ trong các doanh nghiệp, cho thấy trình độ, năng lực chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo truyền thống và sử dụng chủ yếu sức lao động, chiếm 70% ở các ngành dệt may, da giầy, chế biến nông sản và làm việc trong điều kiện chưa được cải thiện, thời gian làm việc kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao.

Tỷ lệ nữ làm lao động giản đơn chiếm 53,6% và trong khu vực phi nông nghiệp chiếm 47,3%. Hơn nữa, đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, làm việc bấp bênh, . thu nhập thấp, dễ mất việc làm.

Dạy nghề trang điểm tại Trường Trung cấp Lê Thị Riêng

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Huy – Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Vườn ươm khởi nghiệp Việt cũng khẳng định: “Khi đại dịch Covid- 19 diễn ra, lao động nữ là nhóm đối tượng phải chịu tác động nặng nề. Trong 2 triệu lao động gia đình, lao động nữ chiếm số đông không được trả lương. Với lao động nữ ở Việt Nam, ILO đã xác định bốn lĩnh vực có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh (hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ, nhưng với lao động nam là 30,4%). Như vậy, lao động nữ được đánh giá là một trong những đối tượng tổn thương nhất trong đại dịch Covid- 19, là nhóm lao động chiếm chủ yếu trong cấu phần của nhóm lao động nghèo. Ngay cả đối với tình trạng thất nghiệp của thanh niên, lao động nữ cũng chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam. ILO cũng khẳng định, khủng hoảng Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện hữu. Do vậy, các chính sách ứng phó và hỗ trợ nhóm lao động mất việc làm, bị giảm giờ làm, nhóm lao động đặc biệt khó khăn rất cần chú ý đến yếu tố giới”.

Trong tình mới với sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ, có những tác động lớn  “đe dọa” đến nguy cơ mất việc làm của lao động nghèo là nữ. Nhưng đó cũng là cơ hội mà các cấp, ngành, Hội liên hiệp phụ nữ cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhóm lao động nữ yếu thế được tiếp cận học tập; thu hút nhiều hơn nữa đối tượng nữ được học các ngành nghề được vận dụng để làm chủ công nghệ. Từ đó, tự tin hòa nhập với thị trường lao động chất lượng cao và đảm bảo việc làm bền vững.

Bởi vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới, thu hút đào tạo nghề cho nguồn nhân lực nữ vượt qua giới hạn của các nhóm ngành nghề trên, nữ giới hoàn toàn có thể học các ngành nghề mà nam giới theo học như:  Công nghệ thông tin- điện tử, cơ khi tự động hóa, công nghệ nhựa, dệt may, công nghệ cao chế biến nông sản, thủy hải sản…

Dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí, chăm sóc sắc đẹp, quản trị kinh doanh, marketing, logistic, quản trị tài chính – kế toán luôn tạo điều kiện cho lao động nữ làm việc

Cùng đó là, các nhóm ngành nghề hiện nay cũng luôn tạo điều kiện cho lao động nữ vào làm việc như: Dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí, thẩm mỹ- chăm sóc sắc đẹp, quản trị kinh doanh, marketing, logistic, quản trị tài chính – kế toán… sẽ thu hút bình quân từ 55- 60% lao động nữ và hầu như không còn ranh giới ngành nghề giữa nam và nữ trong xu hướng thị trường lao động phát triển theo hướng công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh:Thị trường việc làm hiện nay và tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, người lao động trong tất cả ngành nghề cần chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp. Các chính sách nhà nước cần chú trọng đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nữ theo cách tiếp cận giới. đào tạo không chỉ phục vụ sinh kế mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, là mục tiêu căn bản và bền vững”.

Theo đó, dự báo về công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nữ từ nay tới năm 2025 và đến năm 2035 của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam cần qua đào tạo nghề chiếm tỷ trọng bình quân trên 75% (trình độ Cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 30% và sơ cấp chiếm 25%). Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động qua hệ thống GDNN.

Đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp, kết nối việc làm cho lao động nữ

Bên cạnh mở rộng, thu hút các ngành nghề đào tạo, xóa rào cản phân biệt ngành nghề giữa nam và nữ, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề là đối tượng nữ, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các đơn vị cơ sở GDNN trực thuộc Hội đã đặc biệt đề cao, thúc đẩy học nghề giỏi để khởi nghiệp thành công.

Thạc sĩ Phạm Thị Thanh – Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển Kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Thực hiện các Đề án đào tạo nghề trọng điểm từ năm 2010 đến nay như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm; đặc biệt là Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội trong cả nước tích cực tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, vận động phụ nữ tham gia học nghề bằng nhiều hình thức.

Kết quả, giai đoạn 2010- 2020 có khoảng 65% (tương đương 12,3 triệu) hội viên phụ nữ được Hội tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh theo các Đề án trên. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy và tạo cơ hội cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, phụ nữ yếu thế được học nghề, có việc làm ổn định và mạnh dạn khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.

Với 37 cơ sở GDNN thuộc TW Hội và 34 tỉnh/thành Hội, Hội LHPN các cấp đã trực tiếp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho trên 13 nghìn lao động nữ nông thôn và phối hợp, liên kết đào tạo nghề cho trên 1,8 triệu lao động nữ, tập trung ở các ngành nghề: May công nghiệp, nơ hoa nghệ thuật, kỹ thuật trang điểm, làm nail, làm tóc, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, thủ công mỹ nghệm thêu ren xuất khẩu, kỹ thuật chăn nuôi thú y…

Trong số các cơ sở GDNN thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng là một trong những cơ sở GDNN tiêu biểu, đóng góp cho công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nữ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng cho biết: “Nhà trường thực hiện công tác đào tạo, hỗ trợ học nghề gắn với các chương trình kết nối việc làm, tạo việc làm ổn định cho lao động nữ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao trình độ chuyên môn và có thu nhập bền vững. Hiện nay, Nhà trường tổ chức đào tạo 6 ngành thuộc trình độ Trung cấp ( trong đó có 2 nghề trọng điểm quốc gia) và 21 nghề thuộc trình độ Sơ cấp. Với thời gian đào tạo ngắn, linh hoạt, các ngành nghề phù hợp với lao động nữ như: Chăm sóc sắc đẹp, Kỹ thuật chế biến món ăn, May thời trang, Kế toán doanh nghiệp, Dịch vụ chăm sóc gia đình, Tin học văn phòng… Trung bình mỗi năm, nhà trường đào tạo được trên 1000 lượt người sau tốt nghiệp có việc làm, tự tạo việc làm với các chương trình khởi nghiệp khá thành công”.

Tuy nhiên, vấn đề khởi nghiệp vẫn luôn là điều không dễ dàng cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, những ý tưởng khởi nghiệp đòi hỏi có sự đầu tư nghiêm túc cả về kiến thức, kỹ năng và vốn, tinh thần tự lập, tự chủ, nắm bắt tận dụng lợi thế của công nghệ.. để vươn tới thành công.

Kết nối Cung – Cầu để người lao động quay trở lại làm việc

Đề cập đến việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng với các giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) cho biết: Đại dịch Covid- 19 diễn ra trong thời gian qua dẫn đến “làn sóng” người dân di cư về quê không nhỏ, số người trở về quê thông qua kế hoạch tổ chức đón người dân của các tỉnh là 31.279 người. Bên cạnh đó, ước tính số lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân về quê trên 150 nghìn người… đã cho thấy dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động dễn đến việc trụ lại của phần lớn người lao động đã từng gắn bó với thành phố một thời gian dài là quyết định không hề đơn giản, bởi có nhiều nguyên nhân khiến người lao động cảm thấy nguy cơ mất an toàn cả về sức khỏe, tính mạng và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất vì cơ bản là không có việc làm, không có thu nhập…

Trong khi, một số việc làm tại TP chưa thu hút được lao động tại chỗ, chỉ có lao động đến từ các tỉnh đến đảm nhiệm, do việc làm giản đơn và có mức thu lương thấp đến trung bình, đơn cử như các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo thuộc các ngành thâm dụng lao động có trên 60% là lao động các tỉnh làm việc, trong đó có lao động nữ.

Vì vậy, nguồn nhân lực lao động tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn thiếu hụt trầm trọng , giải pháp đề cập đến chính là cần một sự kết nối Cung- Cầu lao động khi T.P phục hồi phát triển kinh tế, trong đó có lao động nữ. Nhu cầu về nguồn nhân lực là lao động nữ hậu Covid-19 luôn có nhiều triển vọng.

Các giải pháp cấp bách để thúc đẩy thị trường lao động được đề cập đến như: Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; Tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động và kết nối Cung- Cầu lao động đến các doanh nghiệp. Kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nhiều tham gia sàn giao dịch việc làm khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tìm kiếm nguồn lao động tại các tỉnh phía Nam trong thời gian vừa qua đã quay về tỉnh; Cùng đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thu hút người lao động trong giai đoạn đầu quay lại tỉnh, thành phố làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát Covid- 19… Có cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa xây nhà ở lưu trú, ký túc xá, nhà ở giá rẻ cho người lao động có thu nhập thấp, không chỗ ở ổn định. Đẩy mạnh liên kết vùng điều tiết Cung- Cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế- xã hội; tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm khu vực kết nối cung nhân lực và cầu nhân lực theo yêu cầu của xã hội. Các tỉnh có chương trình kế hoạch hỗ trợ đưa người lao động tỉnh có nhu cầu quay trở lại các tỉnh, thành phố làm việc góp phần giải quyết việc làm cho người dân, thực hiện tốt chính sách nghèo tại địa phương…

Một trong những kênh kết nối Cung-Cầu việc làm cho người lao động khá hiệu quả, đó là Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (Yes Center).

Ông Nguyễn Văn Sang – Phó Giám đốc Trung tâm này cho biết: “Qua khảo sát 300 doanh nghiệp và 50.000 chỉ tiêu việc làm cần lao động vào làm việc từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm tỷ lệ 35%, độ tuổi từ 18- 42, tập trung các lĩnh vực: Kinh doanh thương mại, Du lịch- Nhà hàng- Khách sạn- Ăn uống, Vận tải- chuyển phát nhanh, chăm sóc khách hàng, lao động phổ thông… “.

Thu Thủy