“Lần đầu tiên tham dự Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo hình thức thức tuyến, tôi đã chọn mang đến bài giảng liên quan đến công nghệ về nhà thông minh. Đó là lập trình điều khiển cho hệ thống cảnh báo an ninh, công nghệ thiết thực trong bối cảnh đời sống hiện đại bây giờ” – Ths. Lê Tùng Lâm, giảng viên khoa Điện, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội chia sẻ với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống bên lề Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc lần thứ 21.
-PV: Là một trong 404 nhà giáo GDNN tham dự hội giảng “đặc biệt” tính từ năm 1998 trở lại nay với việc lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong một bối cảnh đặc biệt, thầy có thể chia sẻ một vài điểm nổi bật trong bài giảng của mình tham gia dự thi lần này?
-Ths. Lê Tùng Lâm: Bài giảng tôi mang đến Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 liên quan đến công nghệ về nhà thông minh. Đó là lập trình điều khiển hệ thống cảnh báo an ninh – một công nghệ rất thiết thực trong đời sống hiện đại bây giờ. Có thể nói đây là công nghệ của tương lai, dù hiện tại chúng ta cũng đã bắt đầu tiếp cận nhưng tương lai sẽ có sự phát triển sôi động hơn nữa.
Thông điệp của Hội giảng là “Đổi mới – Sáng tạo- Thích ứng – Hội nhập” – Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, thông qua bài giảng của mình, tôi mong muốn chia sẻ những công nghệ mới cập nhập của hiện đại, tương lai chứ không thuần túy là những bài chia sẻ mang tính chất truyền thống với những kỹ năng có thể thành thục từ ngày xưa. Mặt khác qua đó, nhằm kết hợp với việc đẩy mạnh kỹ năng lập trình của sinh viên với những công nghệ mới.
-PV: Vậy quá trình chuẩn bị cho bài giảng như thế nào, thưa thầy?
– Ths. Lê Tùng Lâm: So với các kỳ hội giảng cấp trường, cấp thành phố, cập bộ, quá trình chuẩn bị cho Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc rất công phu, đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong bài giảng cũng như trong khâu chuẩn bị về mô hình cũng như thiết kế bài giảng.
Hội giảng lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến, xác suất gặp các sự cố về điện, về đường truyền có thể xảy ra. Do đó, ngoài việc chuẩn bị bài giảng, nhà giáo cũng phải dự liệu các phương án giảng trong trường hợp gặp sự cố và sẵn sàng tâm thế ứng phó với những xác suất có thể xảy ra.
-PV: Ngoài xác suất rủi ro đường truyền, việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến còn có khó khăn nào không và khắc phục khó khăn đó như thế nào thưa thầy?
-Ths. Lê Tùng Lâm: Ở hội giảng truyền thống, giám khảo trực tiếp xem xét phần trình giảng và chủ động chọn góc quan sát nên chủ động, trực quan, bao quát và toàn diện hơn. Đối với giảng trực tuyến, giám khảo đánh giá phần trình giảng qua ống kính camera sẽ bị động hơn vì góc nhìn của camera sẽ do bộ phận kỹ thuật điều khiển. Ngoài ra bài giảng cũng có thể không được chuyển tải đầy đủ do chất lượng hình ảnh camera, góc độ ghi hình, tốc độ truyền dữ liệu…
Khắc phục những khó khăn này, chúng tôi đã thử đặt mình ở vị trí giám khảo, quan sát bài giảng của mình, dự liệu xem điểm nào ban giám khảo sẽ xem xét, kỹ lưỡng, điểm nào mình cần tập trung làm nổi bật. Mỗi giám khảo cũng sẽ có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, mình cố gắng tìm điểm chung, điểm nhấn của bài giảng để làm sao thể hiện bài giảng được tốt nhất.
-PV: So với bài giảng trực tiếp, việc tiếp thu của học sinh, sinh viên đối với bài giảng trực tuyến có những khó khăn, thuận lợi nào thưa thầy? Thầy có thể chia sẻ cách thức để thu hút sự tập trung, chú ý của học sinh, sinh viên đối với bài giảng trực tuyến?
–Ths. Lê Tùng Lâm: Theo tôi, so với bài giảng trực tiếp thì hiệu quả của các bài giảng trực tuyến đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì việc tiếp cận với hình thức học tập trực tuyến là cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cũng như thích ứng với những thay đổi do công nghệ tạo ra.
Đối với việc học tập trực tuyến, tín hiệu đường truyền, tâm thế người tiếp nhận, cách thiết kế bài giảng trực tuyến là những khó khăn, thách thức đặt ra. Quá trình dạy và học trực tuyến cần có sự cố gắng, hợp tác từ cả người thầy và trò. Thực tế, còn nhiều học sinh, sinh viên thụ động trong việc nghe giảng, thậm chí góp mặt chỉ với mục đích điểm danh cho đủ điều kiện. Vấn đề này đối với học trực tiếp cũng rất khó tránh khỏi nhưng trong học tập trực tuyến càng cần phải quan tâm, chú ý nhiều hơn.
Để thu hút sự chú ý của các em với bài giảng, tôi cho rằng, trong thiết kế bài giảng cần quan tâm đến sự tương tác giữa học sinh, sinh viên đối với thầy, cô giáo. Sẽ phải thiết kế các câu hỏi, các bài tập thảo luận nhóm để đánh giá xem các em theo dõi, tiếp thu bài giảng được đến đâu.
Tuy nhiên, với tổng thời gian không đổi, lại phải dành thêm thời gian cho tương tác, nên khi thiết kế bài giảng trực tuyến, thầy cô cũng phải chú ý tập trung vào những nội dung kiến thức cốt lõi nhất để truyền đạt đến học sinh, sinh viên.
-PV: Thầy đánh giá thế nào về việc tham gia Hội giảng đối với việc rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn đối với đội ngũ nhà giáo GDNN nói riêng và phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy trong hệ thống GDNN nói chung.
-Ths. Lê Tùng Lâm: Hội giảng là cơ hội quý để các nhà giáo thể hiện tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và lòng yêu nghề của mình. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi giao lưu, trao đổi, chia sẻ học tập kinh nghiệm giảng dạy của nhau.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, tôi cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn những hội giảng như thế này để các nhà giáo có môi trường rèn nghề, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng giảng dạy cũng như để việc tham gia các hội giảng dần trở thành nếp trong các hoạt động chuyên môn của nhà giáo GDNN. Qua đó, góp phần lan tỏa phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như thu hút được sự quan tâm của xã hội đối với chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN.
Trân trọng cảm ơn Thầy về nội dung trao đổi!
Hải An (ghi)