29/10/2021 10:55:55

Diễn đàn đa phương MSF 2021: Đề xuất xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng công nghiệp 4.0

Ngày 28/10,  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng Lực lượng lao động sẵn sàng cho Nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam”.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), các viện nghiên cứu, các tổ chức công đoàn quốc tế và trong nước, cùng các chuyên gia quan tâm tham gia trực tiếp tại sự kiện và thông qua hình thức trực tuyến.

Tỷ trọng lao động giản đơn giảm dần

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, “Kinh tế số bao trùm cho phép mọi người lao động và DN đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ Việt Nam đặt ra, mà gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn đa phương MSF 2021

Với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các bên trong việc phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại DN, cũng như giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, bao gồm cả đào tạo kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên…

Đây cũng chính là chủ đề được các đối tác đồng tổ chức bao gồm VCCI, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn cho Diễn đàn đa phương MSF 2021 năm nay, khẳng định sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chủ thể nhằm hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong nền kinh tế số bao trùm, mang lại cả giá trị kinh tế và giá trị nhân văn.

Tại Diễn đàn, phân tích về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thế giới việc làm, nhóm nghiên cứu của Tổng Liên đoàn lao động cho biết, nhiều việc làm cũ sẽ mất đi và sẽ có những việc làm mới được tạo ra.

Trong đó, ở cấp độ 1 khi hệ thống hỗ trợ người lao động trong việc lắp ráp sản phẩm theo từng bước sẽ giảm khoảng 25% số việc làm.

Ở cấp độ 2, với hệ thống Vật chất ảo hay còn gọi là Internet vạn vật, máy móc trong nhà máy được kết nối với nhau và có khả năng tự vận hành và có thể kiểm soát bất kỳ công đoạn sản xuất nào, bất kỳ lúc nào, sẽ giảm 35% số việc làm.

Ở cấp độ 3 – trí tuệ nhân tạo (AI): Máy móc, cũng là các robot, có thể trao đổi với nhau và thay vì báo cáo lại cho trung tâm điều khiển bởi con người, thì các máy móc có khả năng vận hành hoàn toàn độc lập.

Theo nhóm nghiên cứu, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động không đồng đều tới các ngành và khu vực: phụ thuộc mức độ sử dụng công nghệ; kĩ năng lao động; đầu tư. Làm tăng chênh lệch về trình độ phát triển giữa nhóm nước sẵn sàng cho Công nghệ 4.0 với các nước đang phát triển. Cùng với đó, làm tăng bất bình đẳng với nhóm lao động lớn tuổi, lao động nữ và có con nhỏ, lao động kĩ năng thấp.

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

“Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những khó khăn chưa từng có đối với phần đông người lao động và cả cộng đồng DN cộng hưởng với những thách thức vô cùng lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đã đặt ra những đòi hỏi và yêu cầu chưa từng có tiền lệ, vô cùng khó khăn đối với từng người lao động trong hiện tại và trong tương lai.

Chỉ có nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn mới giúp người lao động vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống và không bị bỏ lại phía sau”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

42,7% DN chưa chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0

Với vai trò quan trọng của lao động kỹ năng trong nền kinh tế số, nhiều DN đã quan tâm đến việc tổ chức đào tạo cho người lao động.

Một khảo sát được Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) phối hợp với Viện phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) thực hiện với 400 DN cho thấy, 80% DN đã biết đến các công nghệ đặc thù cho công nghiệp 4.0, 45-60% quan tâm đến các công nghệ đặc thù cho công nghiệp 4.0 và có 20 % DN đang sử dụng các công nghệ đặc thù công nghiệp 4.0.

Phần trình bày báo cáo nghiên cứu của Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) – Viện phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT)

Đã có 80% DN chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động. 3/4 DN đã tự tổ chức đào tạo, 1/5 DN đã triển khai đào tạo lao động thông qua các cơ sở GDNN bên ngoài, đồng thời chú trọng hơn đến việc liên kết với các cơ sở GDNN bên ngoài để đào tạo các kỹ năng liên quan đến công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu là đào tạo nâng cao (65,1 %) hay đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng (57,6%) mà chưa chú trọng đào tạo kỹ năng mới (46,1%) và nhất là kỹ năng chuyên biệt cho công nghệ 4.0 (17,6 %).

Kết quả khảo sát cho thấy, DN còn chậm trễ trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghệ 4.0. Mới chỉ có 39,4% số DN đang xây dựng kế hoạch, 6 % DN đã có kế hoạch và đang triển khai có kết quả. Còn lại, đến 42,7 % DN chưa có sự chuẩn bị gì, 11,8% dù đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai.

Gắn đào tạo nghề với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ

Trên cơ sở kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa nhiều khuyến nghị đối với các bên liên quan. Trong đó, đối với nhà nước, nhóm nghiên cứu đề xuất cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng công nghiệp 4.0. Xác định những ngành chiến lược ưu tiên trong CN 4.0 để có kế hoạch đầu tư, đào tạo nghề gắn liền với việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Có chính sách thúc đẩy đào tạo theo chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ kèm với đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ.

Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong đào tạo, chuyển giao các dịch vụ công sang cho tổ chức xã hội đủ năng lực, có chính sách hỗ trợ các tổ chức xã hội đủ năng lực cung cấp dịch vụ nâng cao năng lực người lao động về nhóm kỹ năng phi lợi nhuận – nhóm kỹ năng mềm (kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội và hành vi). Xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê nhu cầu lao động trong các ngành, dự báo về xu hướng phát triển của thị trường lao động và kỹ năng cần đào tạo…

Với các cơ sở đào tạo, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, cần nâng cao năng lực đào tạo, thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng nghề, cập nhật các chuẩn quốc tế về đào tạo nghề, các phương pháp đào tạo nghề trong công nghiệp 4.0. Nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên trách kết nối doanh nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin với DN để nắm bắt nhu cầu và cung cấp dịch vụ. Từ đó thúc đẩy DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo từ khâu thiết kế chương trình đến đánh giá kết quả đào tạo.

Đối với người lao động, việc tăng cường tiếp cận thông tin chủ động, từ đó thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của các kỹ năng trong công nghiệp 4.0 là một trong những nội dung được nhóm nghiên cứu đặc biệt lưu ý. Để trên cơ sở đó, người lao động có lộ trình chuyển đổi/nâng cao năng lực phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của bản thân, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp 4.0…

Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia phát triển và các nước đang bước vào Công nghiệp 4.0 như Việt Nam xét từ góc độ sẵn sàng, khả năng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động.

Để hoàn thành tốt mục tiêu của chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực người lao động cho Công nghiệp 4.0, các sáng kiến hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng lực trong môi trường DN cũng như ngoài xã hội có ý nghĩa quan trọng.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn đa phương MSF 2021 vừa tiếp nối và mở rộng mạch chủ đề xuyên suốt của chuỗi Diễn đàn đa phương trong suốt 3 năm qua, vừa đóng góp vào việc theo đuổi chiến lược lâu dài mà Việt Nam sẽ cần dốc sức thực hiện trong quá trình tái thiết sau Covid-19.

Đặc biệt, Diễn đàn góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện tiếng nói và vị thế cho người lao động trên cơ sở cải thiện tiếp cận bình đẳng tới các cơ hội, nhằm chuẩn bị cho lực lượng lao động thích ứng tốt hơn và đón nhận các cơ hội mới mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang mở ra.

Hải An – Thành Trung