04/11/2019 8:44:43

Cùng doanh nghiệp đào tạo – “chìa khóa” cho nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động

Đứng trước xu hướng  nền kinh tế thay đổi theo hướng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực  bắt kịp  với nhu cầu của thị trường lao động đang là cuộc chạy đua của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.  Với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội (HHT),  hiệu quả từ phương thức đào tạo linh hoạt cùng với doanh nghiệp đang tạo ra nhiều lợi thế cho phía doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên. Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ cùng Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về vấn đề này.

 

Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi rất lớn trong các lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao phù hợp với sự thay đổi của công nghệ. Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường  có việc làm rất tốt, vậy theo xu hướng thay đổi công nghệ, nhà trường có thay đổi gì về ngành nghề đào tạo.

T.S Trần Xuân Ngọc:

Khi xã hội phát triển, nền kinh tế mở rộng sẽ xuất hiện những nghề nghiệp mới, vị trí việc làm mới. Nhà trường cũng giống như doanh nghiệp, khi cung cấp dịch vụ đào tạo chúng tôi phải nhạy bén để phát hiện ra những thị trường mới này. Chúng tôi đã mở ra đào tạo nhiều ngành nghề mới, cung cấp nguồn nhân lực ở các ngành nghề mà nhìn thấy rõ có đầu ra, cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên được đảm bảo và phù hợp với năng lực của trường. Từ ngày đầu thành lập với 7 nghề đào tạo, đến nay sau 10 năm, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đang triển khai đào tạo 34 ngành nghề khác nhau. Chúng tôi luôn tự hào là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với sự đa dạng về mã ngạch đào tạo ở các ngành nghề, phần lớn các mã ngạch đào tạo khi mở ra đều thu hút tốt người tham gia học. Khi các em ra trường đều rất thuận lợi về cơ hội việc làm, bởi nhu cầu thị trường lao động ở những ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo là rất lớn, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp rất cao. Có thể kể đến những nghề mới mở của nhà trường như: Công nghệ ô tô, Chế tạo khuôn mẫu, Bảo dưỡng sửa chữa máy CNC, tổ chức sự kiện, Thương mại điện tử, Chăm sóc sắc đẹp, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật… đang thu hút rất đông sinh viên theo học và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động.

Điển hình như nhóm nghề Chăm sóc sắc đẹp với 04 chuyên nghề: Chăm sóc sắc đẹp, Thiết kế các kiểu tóc, Vẽ móng nghệ thuật, Trang điểm thẩm mỹ, sinh viên học các nghề này ra trường có việc làm đạt tỷ lệ 100%. Ngay từ năm thứ nhất, các em đã có thể đi làm tự trang trải bản thân, sau 3 năm học ra trường đã trở thành người có kỹ năng nghề thuần thục là nguồn nhân lực rất có chất lượng mà các salon, thẩm mỹ viện lớn mong muốn có được. So với các ngành nghề khác, cơ hội việc làm khả năng khởi nghiệp của các em sinh viên tốt nghiệp nghề này có nhiều lợi thế, ưu việt.

Bên cạnh việc mở những nghề đào tạo mới, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc cập nhật kiến thức, kỹ năng của những nghề đang đào tạo.

Mở thêm ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, vậy còn các ngành nghề truyền thống,  với tác động của công nghệ, nhà trưởng có cập nhật đổi mới gì , thưa ông ?

T.S Trần Xuân Ngọc:

Là một một cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, chúng tôi không chỉ chú ý mở những nghề mới mà còn phải điều chỉnh, bổ sung những kỹ năng mới  trong những nghề đã có. Bản thân những nghề đang có cũng có những thay đổi công nghệ, điều đó khiến người học luôn luôn phải thay đổi và thích ứng với nó. Đó là xu hướng tất yếu trong bất cứ ngành nghề nào. Có như vậy, người lao động khi ra thị trường mới triển khai và áp dụng được chuyên môn, kỹ thuật, phù hợp với sự phát triển của mỗi ngành nghề. Nhà trường tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo giáo viên và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cập nhật công nghệ và triển khai đào tạo linh hoạt đáp ứng với nhu cầu riêng biệt của mỗi doanh nghiệp đối tác.

Chủ động đào tạo, linh hoạt đổi mới, vậy nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp như thế nào để xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả, tránh lãng phí, mang lại lợi ích về chất lượng nguồn nhân lực cũng như bài toán đầu ra cho sinh viên? Giữa việc gửi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp và việc phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo ngay từ đầu, điều đó có gì khác?

T.S Trần Xuân Ngọc:

Với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, những năm gần đây  luôn có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm thực hiện công tác đào tạo, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm cho sinh viên. Chúng tôi đã thay đổi mô hình phối hợp với doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc gửi sinh viên tới doanh nghiệp thực tập. Hiện nay, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp để họ có thể tuyển dụng ngay trong quá trình sinh viên thực tập. Cụ thể, với chương trình đào tạo cao đăng nghề 3 năm, trong hai năm đầu, nhà trường đào tạo kỹ năng cơ bản mà doanh nghiệp cần ở người lao động. Vào năm thứ 3 sinh viên vừa học vừa làm việc tại doanh nghiệp: tùy từng vị trí tuyển dụng, sinh viên được mời vào phỏng vấn làm công tác tuyển dụng ban đầu; Sau 1 đến 2 tháng thử việc, doanh nghiệp kiểm tra đánh giá và ký hợp đồng lao động chính thức với người học nghề; Thời gian còn lại sinh viên với vai trò vừa là người lao động cho doanh nghiệp, vừa là sinh viên nhà trường. Giáo viên nhà trường sẽ phối hợp với cán bộ của doanh nghiệp xây dựng và xác định nội dung, mục tiêu đào tạo, các chuẩn kỹ năng cần đạt, tiến độ luân chuyển qua các vị trí đào tạo… và tổ chức học tâp, rèn luyện kỹ năng cho người học tại vị trí làm việc cho đến khi kết thúc khoá học. Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp linh hoạt như vậy sẽ mang lại hiệu quả cho nhiều phía: Sinh viên được rèn luyện, ứng dụng ngay việc học với phát triển kỹ năng tại vị trí việc làm. Doanh nghiệp có cơ hội thử thách tuyển dụng, đào tạo huấn luyện tạo ra nguồn nhân lực chất lượng bền vững cho chính doanh nghiệp của mình. Nhà trường tăng hiệu quả trong đào tạo, giáo viên được tiếp cận, cập nhật với công nghệ mới…

Xin cảm ơn ông.

Thu Linh (thực hiện)