20/10/2021 9:05:14

Hiệp hội GNNN và nghề CTXH VN tổ chức Hội thảo Góp ý Đề án thí điểm đào tạo CĐ cho HS tốt nghiệp THCS:

Cần cơ chế đặc thù cho Đề án thí điểm

Ngày 19/102021, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục GDNN, lãnh đạo Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam các chuyên gia đào tạo nghề trong và ngoài nước, cùng đại diện các cơ sở GDNN nhiều kinh nghiệm.

Tạo lối đi đặc thù “khác biệt” cho mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong GDNN

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo là dịp chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực GDNN nhằm tìm ra lối đi đặc thù “khác biệt” cho mô hình mới, mô hình đào tạo trình độ cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).

Đây là chương trình hoàn toàn mới, khác với các chương trình đang được các trường đào tạo hiện nay từ đầu vào, chương trình đào tạo đến các chính sách đi kèm khác để cho ra được nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu các Chỉ thị nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Mô hình được tham khảo, học tập kinh nghiệm các nước đã làm và rất thành công như Đức, Úc, Nhật Bản.

Hội thảo có sự tham gia góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia GDNN trong và ngoài nước, đại diện các cơ sở GDNN. PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam chủ trì Hội thảo

Thay mặt ban soạn thảo, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) trình bày lý do ra đời của Đề án. Theo ông Hùng, đề án thí điểm được xây dựng nhằm hiện thực hóa các nội dung tại Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Đảng.  Đồng thời cũng xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Theo TS Vũ Xuân Hùng, hiện cả nước đang có 245 cơ sở GDNN có đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hóa và học nghề, sau 2 năm học các em nhận bằng trung cấp nghề, muốn học liên thông lên cao đẳng rất khó khăn.

Điều 33 Luật GDNN qui định đầu vào của học sinh cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp THPT. Còn HS tốt nghiệp THCS muốn học lên cao đẳng, có 3 chương trình đào tạo rất rắc rối cho thấy giữa quy định pháp luật và thực tiễn phân luồng của chúng ta cũng như xu hướng quốc tế đang có sự mâu thuẫn. Mặc dù việc đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS vẫn đang được triển khai.

Tuy nhiên theo quy định của Luật GDNN, học sinh tốt nghiệp THCS chỉ được vào học trình độ sơ cấp hoặc trung cấp, không thể vào học cao đẳng. Người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, học thêm phần văn hóa THPT hoặc tương đương thì mới được học liên thông lên trình độ cao đẳng ở cùng ngành/ nghề. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho việc phân luồng trở nên không hấp dẫn, không thu hút được học sinh, nhất là học sinh khá giỏi của THCS vào GDNN.

Trong khi đó, những năm gần đây, số đông học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN có xu hướng học thêm văn hóa THPT nhiều hơn để có thể học liên thông lên trình độ cao hơn (cao đẳng, đại học). Thực tế, các trường trung cấp, cao đẳng cũng đang thực hiện mô hình đào tạo liên thông, vừa tổ chức đào tạo nghề trình độ trung cấp, vừa tổ chức học thêm văn hóa THPT để học sinh có đủ điều kiện liên thông lên trình độ cao đẳng.

Ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy (Tổng cục GDNN)

Chỉ thí điểm đào tạo 10 nghề, tuyển sinh đầu vào phải là học sinh có lực học khá trở lên

Về mô hình đào tạo thí điểm, ông Vũ Xuân Hùng cho biết, chương trình đào tạo nghề đối với học sinh THCS hiện hành không đặt ra yêu cầu với đầu vào. Tuy nhiên, với mô hình thí điểm chương trình đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS thì đầu vào bắt buộc phải là học sinh tốt nghiệp THCS loại khá trở lên, thậm chí phải tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển nếu số lượng đăng ký đông.

 “Đây là mô hình đào tạo đặc thù, không chỉ thuần túy là phân luồng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, đối tượng tốt nghiệp mô hình đào tạo này còn được coi trọng hơn kỹ sư. Một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường có khoảng 2 doanh nghiệp tìm đến đón nhận còn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng GDNN  theo mô hình này có 10 doanh nghiệp tìm đến tuyển dụng. Các em rất tài năng với những nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật có thể chuyển giao cho doanh nghiệp”, ông Hùng thông tin.

Rút ngắn thời gian đào tạo

Phát biểu tại hội thảo, đại biểu các trường đều đánh giá cao sự ra đời của đề án. Đây  là tin vui với các cơ sở đào tạo, tin vui với người học, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo phụ huynh và học sinh lâu nay. Bởi các em tốt nghiệp THCS vào học nghề khi mới 15 tuổi, 2 năm sau tốt nghiệp trung cấp mới 17 tuổi nên đa số phụ huynh và học sinh đều muốn con em họ học tiếp lên cao đẳng để sau khi tốt nghiệp tham gia thị trường lao động các em đã ở tuổi 20, 21 trưởng thành cả về thể chất và tâm sinh lý. Ủng hộ mô hình thí điểm, ông Đỗ Hữu Khoa – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn nêu thực tế, học sinh tốt nghiệp trung cấp mới 17 tuổi. Hầu hết phụ huynh không muốn con em mình tham gia vào thị trường lao động sớm mà tiếp tục học lên ở bậc cao hơn, nếu đề án thành công sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các em.

Ông Khoa góp ý mô hình thí điểm nhưng thời gian đào tạo 5 năm là quá dài so với chương trình liên thông hiện đang triển khai. Cụ thể, hiện nay, học sinh học trung cấp 2 năm + kiến thức văn hóa 4 môn, sau đó học tiếp lên cao đẳng thì chỉ mất thêm 1,5 – 2 năm (với những ngành học nặng hơn). Như vậy hiện tại, chỉ mất từ 3,5 – 4 năm để học sinh THCS học trung cấp và liên thông lên cao đẳng. Chương trình thí điểm  kéo dài đến 5 năm sẽ không hấp dẫn được người học. Việc phân phối chương trình văn hóa phổ thông kéo dài trong 3 giai đoạn với tổng số thời gian trong 5 năm là quá dài, quá nhiều và không cần thiết.

Ông Khoa kiến nghị, nên cấu trúc chương trình thành 9+ 4, tổ chức thành 2 giai đoạn (thay vì 3 giai đoạn như trong đề án đề xuất). Trong đó, 2 năm để các em tốt nghiệp trung cấp (đề án quy định thời gian 2 năm chỉ tốt nghiệp sơ cấp là quá thấp). Sau đó các em học chương trình cao đẳng 1,5 -2 năm.Trong thời gian học cao đẳng, em nào có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký thi, còn em nào không cần thiết hoàn thiện chứng nhận tốt nghiệp văn hóa phổ thông thì thôi.

Ông Khoa cũng đề xuất, đề án bổ sung thêm việc mở rộng cơ sở thực hành thực tế cho nhà trường như: Hỗ trợ 5 % thuế thu nhập cho doanh nghiệp khi tiếp nhận học sinh thực tập tại các cơ sở này, hoặc không đóng bảo hiểm xã hội nhưng có thể tính thời gian làm việc cho các em để tính tham gia bảo hiểm sau này.

Ông Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Nghi Sơn băn khoăn, thiết kế chương trình đào tạo văn hóa kéo dài từ năm thứ nhất đến năm thứ 5 là dài quá, nếu trong quá trình học các em tham gia thị trường lao động hoặc có tâm lý chán, ra hết thì công tác đào tạo của trường sẽ rấ khó khăn. Ông Tuấn cho biết thêm, mỗi năm trường CĐ nghề Nghi Sơn tuyển sinh hơn 1000 học sinh THCS vào học nghề và học văn hóa, đa số các em có nguyện vọng tiếp học lên cao đẳng. Nếu mô hình có được cơ chế đặc thù khác biệt như được miễn học phí hoàn toàn, được liên thông lên cao đẳng và được dự thi đại học cùng ngành nghề một cách bình thường thì đây sẽ là mô hình đem lại nguồn nhận lực chất lượng cao  rất nhanh cho nền kinh tế. Đa số các ý kiến đều cho rằng chỉ nên thiết kế chương trình thành 2 gia đoạn và chỉ kéo dài đào tạo trong 3 năm rưỡi. Và cần có cơ chế đặc biệt cho mô hình thí điểm.

Tiết học thực hành nghề Cơ điện tử của sinh viên Hệ 9+ Trường CĐ nghề Công nghệ Cao Hà Nội

Bày tỏ sự phấn khởi về Đề án thí điểm, TS Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2 cho biết, Đề án sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. Đó là học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng nhưng lộ trình hiện nay rất vất vả. Các em phải trải qua thời gian học trung cấp, phải theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nếu muốn gia kỳ thi tốt nghiệp THPT…

Cần có cơ chế đặc thù cho mô hình thí điểm

TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam, chia sẻ, đào tạo cao đẳng đối với học sinh THCS không phải là mô hình mới, thế giới nhiều nước phát triển đã và đang làm và rất thành công như Canađa, Mỹ, Nhật Bản, Đức. Tại Việt Nam, căn cứ pháp lý đã có trong luật và đặc biệt trong rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và nhu cầu thực tế của người học rất lớn. Vấn đề là chúng ta thiết kế thế nào cho khoa học, cho trúng và có tính thuyết phục cao. Theo ông Minh, vấn đề mấu chốt của một chương trình thí điểm là phải có tính đặc thù, phải có cơ chế đặc thù khác biệt với những cái đang có. Phải làm rõ các cơ chế chính sách, chương trình đào tạo, vai trò nhiệm vụ của các cơ quan liên quan như Bộ GD-ĐT và các Bộ ngành khác. Về thời gian đào tạo của chương trình, theo ông Minh, chỉ cần 3 năm là đủ.

Nhấn mạnh 2 từ khóa “thí điểm”“cao đẳng” trong việc xây dựng chương trình, TS Phan Chính Thức, chuyên gia GDNN, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho rằng: Mục tiêu của mô hình này là  tạo một con đường, một hướng đi mới  thông thoáng cho học sinh THCS học lên cao đẳng và cao hơn. Mô hình này tồn tại song song cùng với rất nhiều mô hình khác, không làm triệt tiêu các mô hình khác, tuy nhiên nó đòi hỏi cơ chế đặc thù, khác biệt và có tính cạnh tranh rất cao với các mô hình khác.

TS Phan Chính Thức cũng nhấn mạnh, phải có cơ chế đặc thù cho chương trình “thí điểm”. Cơ chế đặc thù đó là: Học sinh phải được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ trước khi lựa chọn; đầu vào phải là học sinh có học lực khá trở lên; Các em phải được hưởng ưu đãi về học phí trong suốt thời gian học; Phải trao quyền dạy chương trình văn hóa THPT cho các cơ sở GDNN triển khai đào tạo thí điểm; Bằng tốt nghiệp của sinh viên theo học chương trình này phải được công nhận để có thể học liên thông lên đại học ứng dụng cùng ngành nghề đào tạo; Phải gắn đào tạo với tuyển dụng của doanh nghiệp cùng với cam kết về việc làm, tiền lương…

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam đánh giá cao các ý kiến đóng góp, là cơ sở giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện đề án trình Chính phủ xem xét thông qua. Ông Lân cũng nhấn mạnh, đã là chương trình thí điểm thì cơ chế cho nó cũng mang tính đặc thù khác biệt. Trong đó ông Lân lưu ý những đặc thù đó là chất lượng đầu vào, đầu ra của chương trình; chương trình đào tạo văn hóa THPT cũng cần mang tính đặc thù, vấn đề bằng cấp, công nhận cũng là vấn đề cần một cơ chế khác biệt nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu chương rình đặt ra.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng đã đặt mục tiêu, đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Với mục tiêu đó, Chính phủ, các cấp, các ngành đã xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt, trong đó GDNN đóng vai trò quan trọng. Để phát triển, cần chú trọng phát triển lực lượng lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tiền đề cho lực lượng này chính là các học sinh sinh viên tại các cơ sở GDNN.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình, nhiều quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản đã triển khai thành công mô hình thu hút học sinh tốt nghiệp THCS khá, giỏi vào GDNN. Sau 5 năm học, với kiến thức, kỹ năng lao động cao, các em được doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương rất cao.

Việc triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS tại Việt Nam vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào GDNN vừa hình thành một mô hình đào tạo mới, vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, góp phần tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hải Yến