Bộ LĐ –TB&XH đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS”. Theo đó, sẽ thực hiện thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng 10 ngành, nghề phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp THCS.
10 ngành nghề dự kiến đào tạo thí điểm gồm: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Điện công nghiệp, Điện tử Công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Quản trị mạng máy tính; Thiết kế đồ họa; Vẽ và thiết kế trên máy tính, Hướng dẫn viên du lịch và Diễn viên múa. Thời gian thí điểm dự kiến từ năm 2022-2028 trên phạm vi cả nước.
Giải quyết sự bất hợp lý về tỷ lệ giữa đại học và GDNN trong cơ cấu nhân lực nền kinh tế
Theo Bộ LĐ-TB&XH, phân luồng, liên thông trong giáo dục là một xu thế của thời đại, là một chiến lược quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, tạo ra cơ hội học tập không ngừng, học suốt đời cho mọi công dân.
Việc phân luồng không những không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học cho người học, tạo điều kiện thích hợp cho nhiều người học và cho cả việc học lên trình độ cao hơn của học sinh. Qua phân luồng học sinh sau trung học góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, hiệu quả xã hội.
Tuy nhiên đến nay, việc phân luồng học sinh sau trung học, nhất là sau THCS vào GDNN vẫn đang là những rào cản, điểm nghẽn lớn trong đào tạo nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thực tế, mỗi năm nước ta có khoảng trên 01 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng khoảng 90 – 95% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, nghĩa là chỉ có 5% – 10% vào học tại các cơ sở GDNN hoặc ra thị trường lao động làm lao động giản đơn.
Hàng năm cũng có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng gần 80% học sinh tham gia thi đại học nhưng cũng chỉ có khoảng 10% học sinh đi vào GDNN, còn lại là vào thị trường lao động hoặc ở nhà chờ năm sau thi đại học. Mặc dù trên thực tế, số đỗ vào các trường đại học chỉ khoảng 60%, nhưng số không đỗ cũng không vào các cơ sở GDNN.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua nhiều khảo sát, vào GDNN chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của học sinh sau trung học, sau khi không có cơ hội vào các bậc học khác. Chính vì bất cập trong phân luồng giáo dục, nên cơ cấu nhân lực của nền kinh tế nước ta rất bất hợp lý về tỷ lệ giữa đại học và GDNN. Theo đó, 1 người học đại học thì chỉ có 0,35 người học trình độ cao đẳng, 0,65 người trình độ trung cấp và 0,4 người trình độ sơ cấp. Tính trung bình thì 1 người đại học thì chỉ có 0,46 người ở trình độ của GDNN.
Theo nhận định của Bộ LĐ-TB&XH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân về cơ chế chính sách, bao gồm cả chính sách đào tạo và chính sách sử dụng lao động (tiền lương, tôn vinh, đãi ngộ…) còn bất hợp lý nên chưa tạo ra “lực hút” và “lực đẩy” cho việc phân luồng và nhất là chưa có được một mô hình phân luồng hiệu quả, hấp dẫn, thu hút học sinh sau THCS vào GDNN.
Đáp ứng nhu cầu của người học
Hiện nay theo quy định tại khoản 2, Điều 33 của Luật GDNN, người học có bằng tốt nghiệp THCS chỉ vào học được trình độ sơ cấp, trung cấp. Nếu muốn học lên trình độ cao đẳng phải qua hình thức liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.
Trong những năm gần đây, số đông học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN có xu hướng học thêm văn hóa THPT nhiều hơn để có thể học liên thông lên trình độ cao hơn (cao đẳng, đại học). Thực tế, các trường trung cấp, cao đẳng cũng đang thực hiện mô hình đào tạo liên thông, vừa tổ chức đào tạo nghề trình độ trung cấp, vừa tổ chức để học sinh học thêm văn hóa THPT để học sinh có đủ điều kiện liên thông lên trình độ cao đẳng.
Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mục tiêu phân luồng học sinh sau trung học vào GDNN của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu của người học, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg. Trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH thực hiện “Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS”.
Cùng với đó, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Bộ LĐ-TB&XH về việc xây dựng “Đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS”.
“Việc thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS do đó là một nhu cầu cần thiết nhằm hình thành một mô hình đào tạo mới, vừa đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, vừa giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh, tăng cường tính mở, liên thông, linh hoạt, góp phần đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào GDNN”, Dự thảo Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.
Theo Dự thảo Đề án, đầu vào của chương trình là học sinh tốt nghiệp THCS có học lực từ loại trung bình khá trở lên để bảo đảm có đủ năng lực vừa học trình độ cao đẳng vừa học văn hóa THPT.
Đầu ra có tính linh hoạt cao, bảo đảm người học có thể ra khỏi chương trình bất cứ ở giai đoạn nào và đều được ghi nhận, đánh giá bằng những chứng chỉ, văn bằng tương ứng để có thể tham gia vào thị trường lao động:
Về tổ chức đào tạo, khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng giảm dần theo thời gian và được thiết kế tích hợp với nội dung nghề nghiệp, theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình. Khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học song song với kiến thức văn hóa THPT theo xu hướng tăng dần theo thời gian.
Hải An