02/10/2021 9:56:07

Đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp: Sự đồng hành tất yếu giữa nhà trường và doanh nghiệp

“Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và phát triển kinh tế của địa phương” là chủ đề Hội thảo khoa học do Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (Bộ NN-PTNT) tổ chức hôm 1/10, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cùng đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trường (23/11/1971- 23/11/2021).

Trong khuôn khổ của Hội thảo, có nhiều tham luận của các đại biểu đưa ra với nội dung, phản ánh thực trạng thị trường lao động Việt Nam, cùng những chiến lược định hướng về phát triển nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu của ngành Nông nghiệp và PTNT, phát triển kinh tế của địa phương trong bối cảnh mới của cuộc CMCN 4.0.

Quang cảnh Hội thảo

Năng suất lao động của Việt Nam kém cả Lào

Đặt trong tương quan với bối cảnh quốc tế và các nước phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0.  Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực  nói chung ở Việt Nam còn thấp, không đủ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2015 so với các nước như Singapore thấp hơn 17 lần, thấp hơn năng suất của Nhật Bản 11 lần, năng suất lao động của Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 năng suất lao động của Malaysia và bằng 2/5 năng suất lao động của Thái Lan.

Trong khi đó, các nền kinh tế kém phát triển hơn lại có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn so với Việt Nam. Cụ thể, năm 2008 năng suất lao động của Lào bằng 0,93 lần của Việt Nam, đến năm 2015 đã bắt kịp Việt Nam; năm 2008, năng suất lao động của Myanmar bằng 0,51 lần năng suất lao động của Việt Nam, đến năm 2015 đã tăng 0.55 lần.

Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nguồn nhân lực có sự thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ cao, tay nghề cao khiến cho chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam vào năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.

Điều đó cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam còn thiếu và yếu, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao của các doanh nghiệp ngày càng cần nhiều.

Chuyển đổi mô hình đào tạo những gì thị trường cần

Những tác động của cuộc CMCN 4.0 một mặt đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với sự chuyển đổi nhanh chóng của công nghệ để có thể “làm chủ” và vận hành trong quá trình chuyên môn tham gia sản xuất. Khi người lao động có trình độ chuyên môn, chất lượng cao sẽ không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước, mà còn mà còn hướng đến sự dịch chuyển lao động cùng hòa nhập với thị trường lao động quốc tế….

Sinh viên giỏi của CĐ cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh được nhận học bổng từ doanh nghiệp

Thực hiện nhiệm vụ này, các cơ sở GDNN trong hệ thống Bộ NN-PTNT đóng vai trò quan trọng, cùng kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực đúng theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Khắc phục tình trạng thiết hụt này, những năm gần đây, các cơ sở GDNN thuộc Bộ NN-PTNT đã không ngừng mở rộng nhằm thu hút nguồn tuyển, đào tạo và cung ứng đáp ứng cho doanh nghiệp. Hệ thống GDNN trực thuộc Bộ NN-PTNT có 28 trường Cao đẳng luôn luôn nỗ lực để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua công tác tuyển sinh, đào tạo và những dấu ấn kết nối cùng doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, các cơ sở GDNN thực thuộc Bộ NN-PTNT đã khẳng định rõ vai trò của mình, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của ngành.

Giai đoạn 2016- 2020, hệ thống GDNN của Bộ so với những năm về trước thực sự đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và có sự khác biệt, bởi đã có sự điều chỉnh ngành nghề đào tạo, đổi mới nội dung, cơ cấu tuyển sinh theo hướng phù hợp với nhu cầu sử dụng và dần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tính đến năm 2020, có 247 ngành nghề đào tạo ở các cấp trình độ từ Trung cấp (44 ngành nghề nông nghiệp, chiếm 32,5%) đến Cao đẳng (48 ngành, nghề nông nghiệp, chiếm 42,8%).

Hiện nay, một số cơ sở thực hiện khá tốt chương trình liên kết quốc tế, chủ động triển khai các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo một số nghề có ưu thế hoặc thực hiện các dự án hợp tác quốc tế như:  Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi được đầu tư xây dựng “ Trung tâm đào tạo nghề xanh chất lượng”; Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với Tập đoàn DENSO, Nhật Bản, Tập đoàn FESSTO…).

Đặc biệt, với Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh với mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hàng năm Nhà trường đã đào tạo và cung ứng hàng trăm sinh viên có kỹ năng chuyên môn nghề giỏi, cũng như các kỹ năng mềm thuần thục về ngoại ngữ, phương thức quản lý vận hành trong sản xuất và được doanh nghiệp đón nhận vào các vị trí quan trọng.

NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy (phải) bàn giao danh sách sinh viên tốt nghiệp cho đại diện Tập đoàn KHKT Hồng Hải- Ông Phạm Văn Sơn, Phó Phòng tuyển dụng nhân sự của Tập đoàn.

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo này, Nhà trường đã vinh dự và tự hào được bàn giao 99 sinh viên cho các Doanh nghiệp lớn bao gồm: Tập đoàn KHKT Hồng Hải FOXCONN, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam(SDV), Công ty TNHH Vinatech, Công ty TNHH một thành viên công nghệ Phúc Sơn…  Để có nguồn nhân lực giỏi như vậy, các doanh nghiệp đã có cơ chế chính sách “học bổng”, khuyến khích tuyệt vời cho các em sinh viên năm thứ hai, thứ ba của Nhà trường vừa học vừa làm, vừa có lương; giá trị đó mang lại lợi ích cho cả 3 bên: Nhà trường- Sinh viên- Doanh nghiệp.

Đề cập đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được  gắn với “Chuyển đổi số”, xây dựng tài nguyên giáo dục mở, linh hoạt, nhằm giúp cho HSSV có cơ hội học mọi lúc, mọi nơi và nâng cao kiến thức…

Kế hoạch đào tạo từ nay tới năm 2025, trước những yêu cầu của ngành Nông nghiệp và PTNT, cũng như đáp ứng sự phát triển kinh tế ở địa phương, dự kiến sẽ thực hiện tăng quy mô tuyển sinh hợp lý trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo. Dự kiến tuyển sinh 303.499 sinh viên, trong đó Cao đẳng: 60.519; trung cấp 96.810; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 146.170 người.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lân – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Vụ tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “CMCN 4.0 tác động tới nhiều ngành nghề, có nhiều ngành nghề khả năng không còn, vấn đề việc làm trở thành một nguy cơ hiện hữu với một bộ phận không nhỏ trong lực lượng lao động. Vì vậy, song song với việc nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo “những gì thị trường cần”. Theo mô hình này, việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp là điều tất yếu để cùng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội nói chung”.

NGƯT. TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh:

 

 “Cần có đột phá, đổi mới, sáng tạo trong đào tạo GDNN”

Đào tạo GDNN đang chịu tác động ngày càng lớn của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ tới cơ cấu lao động và thị trường lao động. Hệ thống tự động hóa sẽ dần thay thế lao động thủ công sang trong toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, sự chuyển dịch từ lao động sang máy móc sẽ làm tăng chênh lệch giữa tỷ suất lợi nhuận sinh lợi của vốn và tỷ suất lợi nhuận của sức lao động.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của lao động giản đơn và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Theo ước tính của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm dưới tác động của những đột phá công nghệ, do tác động của cuộc CMCN 4.0. Vấn đề này đặt ra những giải pháp đột phá trong đào tạo GDNN, đổi mới khung pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên”


TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội:

“Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19”

Sự xuất hiện của địa dịch COVID-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng tới toàn xã hội nói chung và đối với công việc GDNN nói riêng. Tính đến đầu năm 2021, số lượng người lao động sống ở các quốc gia bị hạn chế tới nơi làm việc do COVID- 19 vẫn ở mức cao, với 93% người lao động trên Thế giới cư trú tại các quốc gia có một số hình thức đóng cửa làm việc.

Năm 2020, 8,8% số giờ làm việc trên toàn cầu đã bị mất so với quý 4 năm 2019, tương đương với 255 triệu công việc toàn thời gian (giả sử một tuần làm việc 48 giờ). Sự gián đoạn của thị trường lao động năm 2020 vượt xa tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nhưng thách thức đang xuất hiện cả CUNG và CẦU việc làm và giáo dục.

Về phía CUNG, nhu cầu về các kỹ năng phù hợp, đặc biệt là kỹ năng và dịch vụ số gia tăng đáng kể; về phía CẦU, nhu cầu tạo ra một môi trường học tập thuận lợi thông qua các hình thức đào tạo thích hợp trên môi trường số, nhằm đảm bảo việc học tập suốt đời một cách linh hoạt, hiệu quả. Các giải pháp học tập từ xa trong hệ thống GDNN hiện nay vẫn chưa đáp ứng được so với đào tạo trực tiếp, bởi GDNN có những ngành nghề đặc thù kỹ thuật như các nhóm ngành nghề liên quan đến Điện, Cơ khí, Công nghệ ô tô.

Việc giãn cách xã hội cũng như các doanh nghiệp bị đóng cửa, cũng sẽ ảnh hưởng đến đến triển vọng việc làm của sinh viên, đồng thời làm suy giảm cơ hội thực tập nghề nghiệp trong các doanh nghiệp. Việc thiếu các nền tảng học tập từ xa và tài nguyên giáo dục hiệu quả đi cùng với việc gián đoạn hoạt động giảng dạy, học tập, việc suy giảm chung về chất lượng đào tạo đã gây ra tình trạng sa sút tinh thần cho người học và nhà giáo, đồng thời làm tăng khả năng bỏ học của sinh viên trong bối cảnh phức tạp hiện nay…

Tất cả những khó khăn, thách thức này cũng là cơ hội để các trường thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, công nghệ thực tế ảo, xây dựng học liệu số và các giải pháp linh hoạt để Nhà trường thích nghi được với diễn biến của đại dịch COVID- 19, dự báo còn biễn biến phức tạp, lâu dài.


Ông Phạm Văn Sơn- Phó phòng tuyển dụng nhân sự, Tập đoàn KHKT Hồng Hải FOXCONN:

“Doanh nghiệp luôn có chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”

Trong những năm qua, Tập đoàn KHKT Hồng Hải đã hợp tác với nhiều các đơn vị trường học trong và ngoài nước, trong đó có Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, với mục đích mang lại những chương trình hữu ích cho sinh viên cũng như cơ hội tìm kiếm nguồn nhân lực cho Tập đoàn.

Hàng năm, Nhà trường và Tập đoàn thường xuyên tổ chức định kỳ cho sinh viên thực tập, trải nghiệm tại nhà máy. Thời gian gần đây, Tập đoàn đã hợp tác với Nhà trường tổ chức sắp xếp cho 31 sinh viên Nhà trường về thực tập và kết thúc chương trình “đào tạo kép” tại nhà máy 2 tháng và rất nhiều các đợt trải nghiệm trước đó.

Dự kiến, trong năm 2021, Tập đoàn tiếp tục tuyển dụng lớp Chuyên ban một năm (tài trợ toàn bộ các chương trình đào tạo năm cuối) và sinh viên các chuyên ngành kỹ thuật tốt nghiệp năm 2021 về làm việc tại Tập đoàn. Nhưng do tình hình dịch bệnh, cách ly xã hội, hạn chế di chuyển giữa các tỉnh nên mọi việc bị gián đoạn.

Qua quá trình tiếp nhận và đón sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh về thực tập và trải nghiệm, Tập đoàn đánh giá cao về ý thức học tập của sinh viên Nhà trường và cảm kết sẽ tiếp tục cùng Nhà trường hợp tác sâu hơn về lĩnh vực tuyển chọn sinh viên đầu ra, phân luồng cấp bậc giỏi, khá, trung bình nhằm đáp ứng nguồn nhân lực, cán bộ chủ chốt của Tập đoàn trong tương lai”.

Thu Thủy