31/10/2019 2:56:37

Đề nghị Quốc hội ‘thương cả hiện tại, thương cả lâu dài với người lao động’

Nói về sự hạn chế khi người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, chúng ta phải giải thích cho người lao động, để người lao động biết cái lợi hiện nay, thì đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già. “Đây là vấn đề an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước chúng ta chăm lo cho người dân. Không phải nhìn thấy cái trước mắt người dân khó khăn mà chúng ta thương, mà thương cả hiện tại, đề nghị Quốc hội thương cho cả lâu dài đối với người lao động”, ông Lợi nêu.

Đề nghị Quốc hội 'thương cả hiện tại, thương cả lâu dài với người lao động'

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa)

Không những đánh giá cao Báo cáo kinh tế – xã hội và ngân sách năm 2019, nhiệm vụ năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Hội đồng Dân tộc các Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) còn cho rằng, trong các Báo cáo này ông đánh giá cao một điểm “rất mới”, đấy là đảm bảo được yêu cầu là đánh giá giữa “kinh tế” và “xã hội” đã tương đối cân bằng nhau.

“Chúng tôi nghĩ rằng trong cách thiết kế, đánh giá cũng như trong thẩm tra chúng ta nên tiếp tục quan tâm thêm về mặt xã hội. Vì mục tiêu của Đảng chúng ta là phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội và điều này rất cần thiết. Xã hội không tạo ra tăng trưởng, nhưng nó chính là điều kiện để thúc đẩy năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế tăng lên”, ông Lợi nói.

Vị đại biểu tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ ba vấn đề:

Thứ nhất, đánh giá rất cao Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 chúng ta tiếp tục điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.600.000 tức là tăng 7,33%.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm đã tăng tiền lương cho khu vực công, lực lượng vũ trang, người về hưu. Nhưng đối với người về hưu khi điều chỉnh, lại điều chỉnh rất bình quân.

“Điều này rất đáng lưu ý, trong tổng số 3.000.000 người về hưu của chúng ta thì có hơn 200.000 người lương hưu từ 10.000.000 trở lên. Điều đáng quan tâm trong vấn đề tiền lương của người nghỉ hưu, đó là những người về hưu trước năm 1993, tức là nằm trong tổng số 22% ngân sách nhà nước đang chi trả cho lương hưu. Đối tượng này rất cần điều chỉnh”, ông Lợi nói.

Do đó, ông đề nghị Quốc hội lần này điều chỉnh 7,33% thì dành tỷ trọng tăng điều chỉnh lương cho trước năm 1993 từ 10%-12%. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn đảm bảo bình quân chung là 7,33%”, ông Lợi lưu ý.

“Đối với vấn đề an sinh xã hội, theo lộ trình, chúng ta bắt đầu chuẩn bị cải cách tiền lương từ năm 2021. Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 về tự chủ tự chịu trách nhiệm và giảm biên chế. Muốn có nguồn, ngoài nguồn tiết kiệm, tăng thu ngân sách, thì nguồn hết sức quan trọng là phải giảm được biên chế…”, vị đại biểu tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Đề nghị Quốc hội thương cả hiện tại, thương cả lâu dài với người lao động - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các nhà báo bên hành lang Quốc hội trong giờ giải lao chiều nay 30/10, ngày đầu tiên thảo luận hội trường về Kinh tế Xã hội – Ảnh: Ngọc Thắng

Thứ hai, theo ông Lợi, Chính phủ nên có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về Bảo hiểm xã hội một lần. Ông dẫn số liệu, hiện nay từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm bình quân tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội của chúng ta là 1 triệu người nhưng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong 5 năm là 2,7 triệu người thì không hiểu rằng Nghị quyết 28 của chúng ta có đạt được mục tiêu là bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân hay không.

Đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị tổng kết lại vấn đề này, để hạn chế hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần. “Bởi vì trong 2,7 triệu người thì 93% là mới đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, rút ra khỏi bảo hiểm xã hội, trong 93% đó thì 50% mới đóng được dưới 1 năm đến dưới 3 năm”, ông Lợi cho biết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, điều này chúng ta cũng phải giải thích cho người lao động để người lao động biết cái lợi hiện nay, thì đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già.

“Đây là vấn đề an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước chúng ta chăm lo cho người dân. Không phải nhìn thấy cái trước mắt người dân khó khăn mà chúng ta thương. Mà thương cả hiện tại, đề nghị Quốc hội thương cho cả lâu dài đối với người lao động”, ông Lợi nêu.

Theo ông Lợi, cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ 30-25-10% để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu làm sao đạt nhanh tốc độ tăng bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương.

Đề nghị Quốc hội thương cả hiện tại, thương cả lâu dài với người lao động - Ảnh 2.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí. Trong 3 ngày diễn ra thảo luận hội trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.

Cũng liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, về công tác giảm nghèo, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) đánh giá, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giảm 1% – 1,5%, trong đó các hộ nghèo giảm 4% góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước xuống còn 3,7-4,23%. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao trong công tác giảm nghèo.

Bà Hạnh đề xuất, cần tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020. Năm 2020 là năm đánh dấu quan trọng cần đánh giá toàn diện về công tác giảm nghèo bền vững nhằm định hướng cho giai đoạn mới.

Cùng với đó, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, cần tích hợp chính sách hiệu quả cho việc thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2020, đặc biệt tích hợp về nội dung thực hiện và nguồn lực, tạo cơ chế để các địa phương có thể tích hợp điều tiết kinh phí thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu thực hiện.

“Đối với các nhóm đối tượng thì cần có các chính sách tương ứng. Ví dụ, nhóm đối tượng dân tộc thiểu số miền núi được thiết kế tương ứng bằng chương trình mục tiêu riêng phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi hiện nay đã có đề án trình Quốc hội”, đại biểu Hạnh nói.

Bày tỏ sự đồng tình cao với Báo cáo đánh giá nhận định về kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 với 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt, theo đại biểu tỉnh Bình Phước, phát triển kinh tế luôn hài hòa với lĩnh vực xã hội, tạo khí thế phấn khởi chung cả nước và tạo niềm tin trong nhân dân được cử tri đồng tình đánh giá cao.

Từ ngày 30/10 đến 1/11, Quốc hội dành 3 ngày để thảo luận kinh tế – xã hội tại hội trường. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.

Các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 vào ngày 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo về tình hình Kinh tế – Xã hội và ngân sách Nhà nước năm nay và kế hoạch năm 2020.

Thủ tướng khẳng định, những kết quả quan trọng, toàn diện đất nước đạt được trong năm nay là rất ấn tượng; đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét; Đồng thời là điểm sáng tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020 và phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của cả nhiệm kỳ này.

Theo Báo Dân sinh