Đã sát Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành giao thông vẫn quay quắt tìm nguồn trả nợ lương năm 2020 cho người lao động.
Nợ lương kéo dài
“Chúng tôi đang làm việc với Ban Điều hành để tìm nguồn trả hết lương năm 2020 cho người lao động, nhưng khả năng là rất khó, bởi những năm gần đây Tổng công ty không có nhiều việc làm; các khoản công nợ trị giá hàng ngàn tỷ đồng vẫn chưa được các chủ đầu tư thanh toán”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) cho biết.
Công đoàn GTVT Việt Nam đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị bằng mọi nguồn lực chăm lo Tết cho người lao động chu đáo; tiếp tục rà soát, đề xuất những trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn để Quỹ xã hội – từ thiện hỗ trợ.
So với thời hoàng kim (giai đoạn 2010 – 2015), doanh thu năm 2020 của đơn vị từng được coi là “anh cả” trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông chỉ bằng 1/10, ước xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; số
lượng lao động của cả công ty mẹ và các đơn vị thành viên cũng chỉ còn 1.000 người. Lãnh đạo công đoàn Cienco1 cho biết, tính đến cuối tháng 1/2021, người lao động trong khối văn phòng Tổng công ty bị nợ 5-6 tháng lương; các đơn vị hạch toán phụ thuộc nợ 7 tháng lương.
“Chúng tôi chỉ mong được trả hết nợ lương, chứ không dám mong có thưởng Tết”, ông Hưng chua chát.
Cần phải nói thêm rằng, Cienco1 không phải là đơn vị cá biệt trong khối xây dựng cơ bản ngành giao thông vận tải (GTVT) gặp khó khăn về việc làm trong năm 2020.
Công đoàn GTVT Việt Nam cho biết, trong khối các doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối hoạt động trong lĩnh vực GTVT, khó khăn nhất vẫn là các đơn vị xây dựng cơ bản. Ngoài Cienco1, trong năm 2020, người lao động thuộc nhiều đơn vị thành viên thuộc Cienco8, Cienco4, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng đường thủy… phải nghỉ việc luân phiên do thiếu việc làm; bình quân thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Thống kê chưa đầy đủ của Công đoàn GTVT Việt Nam, đến hết năm 2020, các đơn vị hoạt động xây dựng cơ bản ngành GTVT, bao gồm cả một số ban quản lý dự án còn nợ lương người lao động 106 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 187 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc diện đặc biệt khó khăn đều từng là những đơn vị có tên tuổi trong quá khứ như Công ty cổ phần Cầu 14, Công ty cổ phần Cầu 12; Xí nghiệp Cầu 17 (Cienco1); Công ty 810, 820 (Cienco8). Tại những đơn vị này, người lao động thường xuyên có đơn phản ánh tới các cấp về việc bị vi phạm chế độ bảo hiểm, nợ lương kéo dài nhiều năm.
Tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, do đang tổng hợp số liệu, nên chưa có số liệu lương, thưởng trong năm 2020. Song, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, do cạnh tranh gay gắt về giá cước nên các đơn vị vận tải biển rất khó khăn. Còn đối với khối doanh nghiệp khai thác cảng biển, logistics… đời sống người lao động vẫn cơ bản giữ như mức năm 2019.
“Thu nhập bình quân của thủy thủ đi biển có thâm niên hiện chỉ khoảng 12-15 triệu đồng/tháng, dù đã được lãnh đạo doanh nghiệp ưu tiên hết mức. Chúng tôi có truyền thống cố gắng không cắt giảm lương của những người đi biển để họ yên tâm công tác”, ông Hải nói.
Trĩu nặng nỗi lo
Do tác động của đại dịch Covid-19, nên một số doanh nghiệp ngành GTVT từng có thu nhập bình quân đầu người hàng chục triệu đồng/tháng, nhưng trong năm 2020 phải nghỉ việc luân phiên trên diện rộng, lĩnh lương tối thiếu vùng như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, do khó khăn vì Covid-19, hãng này chủ động cắt giảm lương, thưởng của người lao động trong suốt năm 2020.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm (tháng 4/2020), cả nước thực hiện giãn cách xã hội, Vietnam Airlines có tới 50% nhân viên phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Thống kê cho thấy, năm 2020, lương phi công giảm hơn 50% so với năm 2019. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của Hãng cũng giảm lần lượt gần 48% và 44,5%. Tổng số lao động của Vietnam Airlines giảm hơn 1.600 người so với năm 2019.
Trước những khó khăn chưa từng có trong lịch sử, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, năm nay sẽ không có thưởng Tết cho người lao động.
Là một trong những doanh nghiệp nhà nước từng có thu nhập bình quân cao nhất ngành GTVT, nhưng năm nay không khí lo lắng về lương, thưởng cũng bao trùm khắp Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, chưa bao giờ lưu lượng hoạt động bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng như năm 2020. Quá nhiều đường bay bị ngừng khai thác, sản lượng điều hành bay quá cảnh duy trì ở mức thấp do tình hình dịch bệnh. Theo đó, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty đến hết tháng 12/2020 chỉ bằng 43,5% so với năm 2019. Tổng doanh thu đạt 1.760 tỷ đồng, chỉ bằng 40,97% so với thực hiện năm 2019.
Ông Gia cho hay, do quá khó khăn nên doanh nghiệp không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và các quỹ khác theo quy định. Tổng quỹ tiền lương của Tổng công ty năm 2020 là 816 tỷ đồng, bằng 69% so với năm 2019.
Theo baodautu.vn