08/01/2021 9:01:38

Tiền làm thêm giờ có phải là phụ cấp theo lương?

Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, Thông tư số 62/2020/TT-BTC thì phụ cấp theo lương (cột 5) là các khoản phụ cấp lương theo mục 6100 – mục lục ngân sách hiện hành, có bao gồm mục 6105 (tiền làm đêm; làm thêm giờ).

Ảnh minh họa

Theo phản ánh của ông Đặng Tiến Công, tại Điểm c Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước có nêu:

“… Trường hợp chi thanh toán lương và phụ cấp theo lương, tiền công lao động thường xuyên theo hợp đồng, thu nhập tăng thêm, tiền thưởng, tiền phụ cấp và trợ cấp khác, tiền khoán, tiền học bổng…”.

Ông Công hỏi, các cụm từ “phụ cấp theo lương” và “tiền phụ cấp và trợ cấp khác” ở đây được hiểu theo quy định nào? Tiền làm thêm giờ có phải là phụ cấp theo lương hay không?

Ngoài ra, Tiết 2.8 Khoản 2 Mục I Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước có quy định: “Đối với chi đầu tư, chi chương trình mục tiêu và chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư (sau đây gọi chung là chi đầu tư)…”.

Tuy nhiên, trong Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước lại không còn khái niệm “chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư” nữa.

Ông Công hỏi, vậy đối với các khoản chi từ nguồn kinh phí thường xuyên cho công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất có giá trị hợp đồng ở mức bao nhiêu thì mới thực hiện cam kết chi?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; mẫu bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng (mẫu số 09 ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP; Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC thì:

Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng áp dụng đối với các khoản chi sau: Chi lương và phụ cấp theo lương; tiền công lao động thường xuyên theo hợp đồng; tiền thu nhập tăng thêm; tiền thưởng; tiền phụ cấp và trợ cấp khác; tiền khoán, tiền học bổng. Trong đó:

– Phụ cấp theo lương (cột 5) là các khoản phụ cấp lương theo mục 6100 – mục lục ngân sách hiện hành, có bao gồm mục 6105 (tiền làm đêm; làm thêm giờ).

– Tiền phụ cấp và trợ cấp khác (cột 9) là các khoản theo định mức cụ thể được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị (không bao gồm phụ cấp theo lương như đã nêu ở trên).

Các khoản chi thường xuyên phải có cam kết chi

Tại Điểm a Khoản 7 Điều 6 Chương II Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước quy định:

“7. Đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC:

Đối với công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên: Việc quản lý, kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 08/2016/TT-BTC; Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTCvà Thông tư số 108/2016/TT-BTC; Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

b) Đối với công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng: Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC và Khoản 1 Điều này…”.

Tại Khoản 4 và Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 1/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và một số biểu mẫu kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán Nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc Nhà nước (TABMIS) quy định:

“1.5.1. Hồ sơ cam kết chi thường xuyên:

Khi có nhu cầu cam kết chi, ngoài dự toán chi ngân sách Nhà nước gửi Kho bạc Nhà nước 1 lần vào đầu năm, đơn vị dự toán gửi Kho bạc Nhà nước các hồ sơ, tài liệu có liên quan như sau:

– Hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (gửi lần đầu hoặc khi có điều chỉnh hợp đồng)…;

“1.6.1. Hồ sơ cam kết chi đầu tư:

Khi có nhu cầu cam kết chi, ngoài các hồ sơ, tài liệu gửi 1 lần và gửi hàng năm theo chế độ quy định, chủ đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước các hồ sơ, tài liệu có liên quan như sau:

– Hợp đồng có giá trị từ 1.000 triệu đồng trở lên (gửi lần đầu khi đề nghị cam kết chi hoặc gửi khi có điều chỉnh hợp đồng)…;”.

Căn cứ theo quy định nêu trên, đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên được thực hiện kiểm soát chi, kiểm soát cam kết chi như chi đầu tư, theo đó: Hợp đồng có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên phải gửi cam kết chi.

Đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên được thực hiện kiểm soát chi, kiểm soát cam kết chi như chi thường xuyên, theo đó: Hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên phải cam kết chi.

Theo VGP