Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 54 nghìn lao động nông thôn, trong đó có hơn 48 nghìn lao động được đào tạo theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Sáng ngày 16/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm, an toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo hội nghị, trong gần 10 năm qua, với tổng kinh phí phân bổ hơn 97 tỷ đồng, Quảng Nam đã rất quyết liệt trong thực hiện các hoạt động của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các hoạt động này đã đem lại hiệu quả tích cực.
Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ học nghề là hơn 54,4 nghìn người. Trong đó, Đề án đào tạo lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ đào tạo cho hơn 48 nghìn lao động nông thôn, với hơn 80% lao động có việc làm sau học nghề; Cơ chế đào tạo lao động theo các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 5,7 nghìn người, với hơn 5,2 nghìn người vào làm việc tại các doanh nghiệp…Qua đó, góp phần tích cực trong việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH ở nông thôn, xây dựng thành công nông thôn mới.
Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, Quảng Nam đã chuyển đối theo hướng tiếp cận sát với công nghệ và nhu cầu thị trường lao động. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng số lao động tuyển sinh học nghề từ năm 2016 đến nay là hơn 172 nghìn người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp thuộc ngành nghề được lựa chọn đầu tư trọng điểm là hơn 2,2 nghìn người. Kết quả trên đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh, từ 50% năm 2016 lên 65% vào năm 2020.
Các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngày càng được quan tâm thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động.
Bên cạnh đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm. Tần suất tai nạn lao động chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động đã có xu hướng giảm dần, tiết kiệm chi phí và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Môi trường làm việc được cải thiện, giúp người lao động đảm bảo sức khở, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tạo uy tín và sức cạnh tranh trên các thị trường.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các đơn vị, địa phương trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thị trường; ưu tiên dạy nghề gắn với thoát nghèo bền vững; đồng thời sớm triển khai công tác sáp nhập, kiện toàn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Cũng trong sáng 16/12, tại Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Theo báo cáo tại Hội thảo, trong giai đoạn 2016-2020, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh, trung bình tăng 8%/năm. Tính đến tháng 11/2020, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 597.378 lao động, trong đó có 224.565 lao động nữ. Bình quân hằng năm, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm khoảng 10% lao động của cả nước.
Ngoài ra, tính đến hết tháng 10/2020, toàn quốc có 475 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 13 doanh nghiệp nhà nước, 353 công ty cổ phần, 109 công ty TNHH và chỉ có 1 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Cũng trong giai đoạn 2016-2020, các thị trường lao động tập trung đăng ký chủ yếu gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, khu vực châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thị trường Nhật Bản thu hút đông đảo lao động nhất với quy mô sau 5 năm tăng hơn 2 lần, từ 40 nghìn lao động lên hơn 80 nghìn năm 2019.
Riêng tại Quảng Nam, từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tăng nhanh hằng năm, bình quân tăng 36,6 %/năm. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Nam có trên 3.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong đó tại Nhật Bản chiếm 87,7 %, Hàn Quốc 7,8 %, các nước khác 4,5 %. Thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần đáng kể giải quyết khó khăn, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Kết quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
PV