15/12/2020 10:43:26

Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030:

Để Giáo dục nghề nghiệp không còn là “vùng trũng”

“Giáo dục nghề nghiệp dù đã có bước phát triển mạnh mẽ trong 10 năm vừa qua nhưng vẫn chưa phải là con đường hấp dẫn với học sinh, vẫn ‘vùng trũng’ so với các bậc đào tạo khác”.

Bà Khương Thị Nhàn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục GDNN) nêu thực tế về sự phát triển GDNN hiện nay tại Tọa đàm khoa học Các đột phá trong Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 do Tổng cục GDNN tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.

Tọa đàm khoa học bàn về các đột phá trong Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. 

Thực trạng này đòi hỏi phải xây dựng những chiến lược mới cho phát triển GDNN trong giai đoạn tiếp theo, để đáp ứng những yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế cũng như những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đòi hỏi tất yếu về nguồn nhân lực có kỹ năng nghề

Theo bà Khương Thị Nhàn, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Đòi hỏi về đội ngũ lao động có kỹ năng càng đặt ra bức thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi công nghệ mới đòi hỏi kỹ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm trung bình sẽ dần biết mất và lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới.

“Dự thảo Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 theo đó đã hướng đến trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, bà Khương Thị Nhàn thông tin.

Theo Tổng cục GDNN, điểm yếu cơ bản của lao động Việt Nam là tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề dài hạn và lao động có trình độ cao còn thấp, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Bên cạnh đó, kỹ năng tay nghề của lao động Việt Nam còn yếu so với tiêu chuẩn nghề của khu vực và thế giới.

Tại “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kì 4.0”(GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 93 trên tổng số 141 quốc gia về trụ cột “Kĩ năng” trong nhóm “Năng lực”. Tuy nhiên, Trụ cột kỹ năng thăng 4 bậc nhưng vẫn xếp dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (94 so với thứ 67).

Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Philippines (thứ 64).

Có thể nói vấn đề kĩ năng chính là rào cản đối với lao động Việt Nam trong việc tìm được công việc trong thời đại 4.0.

Nhấn mạnh vai trò của kỹ năng nghề, TS Phan Chính Thức, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN chia sẻ một nhận định từ Ngân hàng thế giới (WB) – Thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng. Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng nhấn mạnh, kỹ năng nghề được goi là một trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế. Thậm chí kỹ năng còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu.

Trong khi hiện nay, “chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo”, TS Phan Chính Thức chia sẻ.

Dỡ bỏ “rào cản” trong tư duy và hành động

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, yêu cầu tất yếu về nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đòi hỏi hệ thống GDNN phải đổi mới hoạt động đào tạo, không chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải trang bị cho người học kỹ năng thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời phải tăng cường các hoạt động đào tạo lại cho người lao động.

Dự thảo Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 theo đó đã đưa ra mục tiêu tổng quát là hình thành và phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững.

PGS.TS Mạc Văn Tiến – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GDNN cho rằng, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp có tính đột phá, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả GDNN.

Trong đó, cần thực hiện chủ trương “mở”, dỡ bỏ những “rào cản” cả trong tư duy và hành động của các nhà quản lý GDNN và các đối tác trong xã hội về GDNN.

Cụ thể như: Thực hiện “mở” trong quản lý GDNN theo hướng trao quyền và phân quyền, chuyển dần chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN sang chức năng hỗ trợ và giám sát; đồng thời nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN.

PGS.TS Mạc Văn Tiến – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GDNN: “Cần tổ chức các hoạt động đào tạo linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người nghèo và các nhóm yếu thế, để.ai có nhu cầu học nghề cũng đều được tiếp cận với các dịch vụ đào tạo”. 

Cùng với đó, dỡ bỏ các “rào cản” đối với người học (về địa điểm, khoảng cách địa lý, thời gian, kinh tế, tuổi tác, sức khỏe, nội dung, phương thức…) để mọi người có cơ hội được học và học được nhằm chuẩn bị cho việc làm trong thị trường lao động hoặc chuyển tiếp sang bậc trình độ khác trong hệ thống GDNN cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.

Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, cơ sở GDNN cần tổ chức các hoạt động đào tạo linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người nghèo và các nhóm yếu thế.

“Xây dựng các chương trình, các khóa đào tạo, các phương thức đào tạo đặc biệt cho các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội và trên thị trường lao động, theo phương châm “không để ai phía sau”, ai có nhu cầu học nghề đều được tiếp cận với các dịch vụ đào tạo.

Chiến lược Phát triển GDNN được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong thời gian 10 năm tới. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Trọng tâm của Chiến lược phát triển GDNN là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nếu tính trên mức sinh ổn định từ 2006 đến nay thì trung bình một năm có khoảng 1,3 đến 1,5 triệu lao động tốt nghiệp THCS, bước vào độ tuổi lao động, trở thành lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế.

Nếu GDNN chỉ hướng vào con số này, hướng vào đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT thì đây là một cách tư duy “đóng”. Vì vậy, đối tượng mà GDNN cần hướng tới là lực lượng lao động (hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế chiếm 71%).

PGS.TS Lưu Bích Ngọc cũng nhấn mạnh, cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam đã qua mức đỉnh điểm vào năm 2019, dự báo đến khoảng năm 2040-2042 sẽ kết thúc. 15 năm đã đi qua, 15 năm còn lại của thời kỳ “dân số vàng” không còn nhiều, dư lợi dân số về mặt số lượng hiện nay cũng đã không còn nữa.

Đóng góp của dân số cho tăng trưởng và phát triến sau đây chỉ còn hy vọng vào chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Do đó, theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc trong Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 cần ghi rõ “đối tượng của GDNN là lực lượng lao động trong tương lai”.

Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng tiểu ban GDNN, Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 là vấn đề thời sự, quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tư vấn, góp ý nhiều nội dung liên quan đến phát triển GDNN. Dự thảo Văn kiện đã xác định GDNN nằm trong 1 trong 3 đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó nhấn mạnh việc phải hiện đại hóa, đổi mới phương thức đào tạo của GDNN.

Đây là cơ hội lớn để bàn về Chiến lược Phát triển GDNN trong thời gian tới, chọn vấn đề nào để đột phá, giải pháp nào để đột phá.

Hải An