Người cao tuổi được xem là nguồn nhân lực quý. Tuy nhiên, những quan niệm về việc làm với người cao tuổi, sự suy giảm về sức khỏe, gia tăng bệnh tật, hạn chế về trình độ…đang là chiếc “vòng kim cô” cản trở người cao tuổi tiếp cận các chương trình đảm bảo sinh kế có chất lượng.
Loay hoay xoay xở khởi nghiệp
Phải nhờ đến mối quan hệ thân thiết giới thiệu, ông Hoàng Văn L (58 tuổi, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới tìm được công việc bảo vệ ở một khu chung cư.
Trước đó, ông L cũng dự định tìm thuê một ki-ốt nhỏ mở cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, giá thuê ki-ốt cao, sức mua của thị trường không lớn nên không triển khai được. Tuổi tác đã cao, năng lực chuyên môn không quá nổi trội, dù vẫn còn nhu cầu, khả năng lao động, ông L cũng khó tìm được công việc phù hợp.
Gần chục năm gắn bó với phòng tập GYM, không ít lần ông Đào Đức Quân (64 tuổi, Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) nhận được ánh nhìn tò mò của người khác. Nhiều người hỏi thẳng, “ông có tuổi rồi sao không nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, sớm chiều bận rộn thế tiền để đâu cho hết?”. Những lúc như vậy, ông Quân chỉ biết cười trừ cho qua.
Thành công với mô hình kinh doanh phòng tập GYM, nhưng theo ông Quân, không có con đường nào là dễ đi, ngay cả với những người cao tuổi từng trải, giàu kinh nghiệm. Bản thân ông Quân cũng đã không ít lần đứng bên bờ vực phá sản.
“Thời buổi cạnh tranh gay gắt, tìm được ý tưởng khởi nghiệp đã khó, hiện thực hóa ý tưởng đó còn khó khăn hơn nhiều. Bài toán về nguồn vốn, nhân lực triển khai là thách thức với rất nhiều người cao tuổi”, ông Quân chia sẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi, TS Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết, thực tế để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không phải dễ dàng, nhất là khi các quy định về lao động lớn tuổi vẫn còn hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.
Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 – 35 tuổi. “Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức.
Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già… Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn”, TS Trần Ngọc Diễn thông tin.
Đối mặt nhiều rào cản
Theo một kết quả khảo cứu của TS. Nguyễn Thị Phương Mai – Ths. Trương Thị Ly (Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công Đoàn), các chính sách của Việt Nam hiện chưa có các quy định cụ thể hay các chương trình khuyến khích, cho phép người cao tuổi tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu như giờ làm việc linh động hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày.
Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi phải làm việc trong khu vực phi chính, các công việc lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương.
Thực tế, so với những lao động trẻ thì kỹ năng và kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý giá, nhưng vấn đề là họ sẽ tìm việc ở đâu và nhà nước có cơ chế nào để giúp cho người cao tuổi tìm kiếm việc làm?
Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Ths Trương Thị Ly, các trung tâm giới thiệu việc làm mặc dù đã được xây dựng khắp các tỉnh, thành phố nhưng những trung tâm giới thiệu việc làm dành riêng cho người cao tuổi lại chưa có. Phần lớn người cao tuổi tìm được việc là do mối quan hệ quen biết hoặc do người thân giới thiệu, chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động cao tuổi.
Việc thiếu các thông tin tuyển dụng, thiếu các thông tin về việc làm cũng như thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho người cao tuổi cũng là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi.
Chỉ ra những thách thức trong vấn đề tạo sinh kế cho người cao tuổi, TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Ths Trương Thị Ly cho biết, xã hội Việt Nam vẫn còn tồn tại quan niệm cho rằng “ốm tha, già thải”, tức là những người cao tuổi là những người đã hết độ tuổi lao động. Nên theo đó, người cao tuổi cần phải nhường lại thị trường lao động cho những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động. Sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi cần được nghỉ ngơi và dành thời gian cho con cháu. Chính vì thế, khi những người già tham gia lao động sẽ bị cho là do con cái không chăm sóc hoặc bị ép phải làm việc kiếm tiền cho gia đình.
“Chính những quan niệm của người dân và xã hội nêu trên là thách thức trong tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi hiện nay”, Ths Trương Thị Ly nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Ths Trương Thị Ly, vấn đề trình độ cũng là một trong những rào cản lớn trong quá trình tìm kiếm việc làm của người cao tuổi. Phần đông người cao tuổi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị đô hộ và có chiến tranh nên cơ hội được tham gia học hành rất hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ lao động trẻ có trình độ và tay nghề ngày càng gia tăng. Để người cao tuổi có thể cạnh tranh được với đội ngũ trẻ này là điều không hề đơn giản.
Ngoài ra, một vấn đề nghiêm trọng nhất mà người cao tuổi phải đối diện đó là vấn đề về sức khỏe, sự suy giảm của sức khỏe của bản thân. Bệnh tật tăng lên, sức khỏe giảm đi kéo theo sự suy giảm về khả năng lao động của người cao tuổi…
TS Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam
Mặc dù Việt Nam có truyền thống “kĩnh lão đắc thọ” tôn trọng người cao tuổi, nhà nước, gia đình, xã hội có trách nhiệm chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, cùng với sự xâm nhập của các nền văn hóa phương tây, tác động mặt trái của kinh tế thị trường, vị thế của người cao tuổi trong gia đình và xã hội có phần giảm sút. Nguyên nhân là do khả năng bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập bị suy giảm; tính lệ thuộc vào con cháu gia tăng (60-70%, đặc biệt là nhóm từ 75 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập hoặc có nhưng rất thấp).
Hải An
(Kỳ cuối: Không để người cao tuổi đứng bên lề quá trình khởi nghiệp)