11/12/2020 8:56:28

Khởi nghiệp tuổi “lên lão”: Kỳ 1 – Người cao tuổi, nguồn nhân lực quý

 LTS: Khởi nghiệp cho người cao tuổi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, lâu nay đề cập đến vấn đề Khởi nghiệp, nhiều người vẫn nghĩ đến đối tượng là thanh niên, người trung tuổi. Trong khi với kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, chuyên môn tích lũy qua nhiều năm cùng các mối quan hệ trong xã hội, người cao tuổi cũng có rất nhiều lợi thế và cơ hội khởi nghiệp.

Tạp chí điện tử Nghề nghiệp và Cuộc sống khởi đăng loạt bài Khởi nghiệp tuổi lên “lên lão”, chia sẻ về những câu chuyện khởi nghiệp của người cao tuổi, những khó khăn, thách thức cũng như những giải pháp tạo sinh kế phù hợp cho người cao tuổi để phát huy được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này.

Kỳ 1: Người cao tuổi – Nguồn nhân lực quý

Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, cả nước hiện có gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp. Trong đó, hơn 130.000 người cao tuổi là chủ doanh nghiệp, mô hình kinh tế trang trại hiệu quả kinh tế cao.

Với những lợi thế riêng có như kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, chuyên môn tích lũy qua nhiều năm, các mối quan hệ…, người cao tuổi đã có nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo, thành công, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hộiđịa phương.

Khởi nghiệp năng động, sáng tạo

5 giờ chiều hàng ngày, phòng tập GYM của ông Đào Đức Quân (64 tuổi, Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, mỗi ngày phòng tập thu hút hàng chục người dân đến tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe.

Ông Đào Đức Quân chia sẻ với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống ý tưởng khởi nghiệp với phòng tập GYM.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Quân cho biết, cách đây khoảng gần chục năm, trong một lần đưa cháu đi học, chứng kiến cảnh nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đi tập đông đúc ở một phòng GYM, ông rất hiếu kỳ.

“Thời điểm những năm 2012, khái niệm tập GYM vẫn còn rất xa lạ, mới mẻ với nhiều người, trong đó có bản thân tôi. Để xem cách thức người ta tổ chức, vận hành phòng GYM ra sao, tôi liền mua vé đến tập để học hỏi”, ông Quân nhớ lại.

Trở về từ phòng tập GYM, ông Quân nhận thấy những lợi ích thiết thực của tập gym trong rèn luyện, nâng cao sức khỏe cũng như tiềm năng phát triển và lợi ích kinh tế mà hình thức kinh doanh này mang lại. Sau khi tính toán cẩn thận các yếu tố từ nguồn vốn, mặt bằng, nhân lực… ông bàn với người con trai phương án mở phòng GYM.

Trải qua nhiều thăng trầm, các phòng tập GYM của gia đình ông Đào Đức Quân đã đi hoạt động ổn định và phát triển. Ông Quân cũng là người đầu tiên đưa mô hình phòng tập gym về Phú Túc, vốn là khu vực nông thôn. Từ đó góp phần tích cực vào việc khơi dậy phong trào rèn luyện nâng cao sức khỏe của người dân nơi đây.

Ngoài ra, với mức giá chỉ 150.000 đồng/người/tháng, trừ các chi phí, hàng tháng ông Quân có thêm một khoản thu nhập phụ thêm vào lương để trang trải các chi tiêu trong cuộc sống.

Ở tuổi 70 – độ tuổi đã “xưa nay hiếm”, ông Trần Ngọc Phúc (SN 1947), Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan, người phát minh ra máy trợ thở MV20 một lần nữa khởi nghiệp với nhiều sản phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp ở tuổi 70 trong buổi Talk show do Báo điện tử Vnexpress.net tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ông Trần Ngọc Phúc cho rằng, tuổi tác không quan trọng, “ăn thua là cách suy nghĩ của mỗi người”.

“Khi có chuyện gì đó xảy đến mà mình cảm thấy mệt mỏi, tức là mình đã có tuổi rồi. Ngược lại mình vẫn muốn tìm tòi, cố gắng để đi tìm cái mới thì mình vẫn trẻ”, ông nói.

Chủ tịch Tập đoàn Metra Japan cho biết, ông trao lại Metran cho thế hệ trẻ, để họ đi tiếp và được tự do, sáng tạo. Về phần mình, ông cũng cần tìm môi trường mới, những người đồng hành mới để tiếp tục nghiên cứu, phát minh các loại máy móc, thiết bị y tế mới mang tính đột phá.

Trước đây, công việc của ông Phúc là làm sao cứu những sinh mạng còn nhỏ hay trẻ sinh non. Đối với doanh nghiệp mới sáng lập, nhà phát minh muốn chuyển về lĩnh vực chăm sóc người già.

“Làm xong một cái máy, tôi chỉ vui trong vòng 10 giây. Sau đó lại tư duy tìm kiếm cái mới để làm”, ông nói. Cha đẻ của máy trợ thở cũng khẳng định, khởi nghiệp rất dễ, giữ nghiệp mới khó, và muốn duy trì sự nghiệp thì cần có năng lực Next one (bước đi tiếp theo). Nếu không có Next one mà chỉ có Only one (giải pháp duy nhất) thì giá trị sẽ bị mai một trong thời gian rất ngắn.

Còn rất nhiều câu chuyện người cao tuổi khởi nghiệp thành công như câu chuyện của ông Nguyễn Quốc Toản, 73 tuổi, ở Nam Định, nguyên kỹ thuật viên cơ khí đã mở công ty sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hút 50 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm 15 tỷ đồng. Hay câu chuyện của bà Trần Thị Khánh Toàn, ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, với kinh nghiệm 26 năm làm nghề với đá, đã mở liền 4 công ty khai thác và chế biến đá, với số vốn 500 tỷ đồng, thu hút 150 lao động”…

Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội

Theo một nghiên cứu được Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Hải Hữu chia sẻ tại Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp tổ chức hồi đầu tháng 11/2020 vừa qua, có đến khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Hải Hữu

Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 6 và tháng 8/2020 tại 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương. Theo kết quả nghiên cứu, trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3 – 4 % là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó còn hàng vạn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

“Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có 22.596 người cao tuổi, độ tuổi 60-69 chiếm 67%. Trong đó, có khoảng 40-50% người cao tuổi vẫn tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt có 230 người cao tuổi là chủ các trang trại, thu hút nhiều lao động…” – TS. Nguyễn Hải Hữu nêu dẫn chứng cụ thể.

Đồng tình, TS. Nguyễn Lê Minh – Nguyên Phó Trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Đặc biệt, cả nước hiện có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi.

TS Nguyễn Lê Minh khẳng định, “người cao tuổi với những lợi thế về kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, chuyên môn tích lũy qua nhiều năm, các mối quan hệ… là nguồn lực quý báu của quốc gia”.

TS. Nguyễn Lê Minh – Nguyên Phó Trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

Cũng theo TS Nguyễn Lê Minh, kinh nghiệm của các nước thành công trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp đều có sự quan tâm đáng kể đến người cao tuổi.

Chẳng hạn ở Mỹ, chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bất kể người khởi xướng là ở độ tuổi nào. Ngoài các chính sách về trợ giúp kỹ thuật, mềm hóa các thủ tục hành chính, Nhà nước còn trực tiếp tham gia vào việc đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ở Israel, chính phủ đẩy mạnh văn hóa khởi nghiệp trong toàn dân, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo. Nhà nước còn trực tiếp đứng ra thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) để rót vốn cho các dự định và kế hoạch khởi nghiệp.

Hàn Quốc cũng là một quốc gia châu Á thành công trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp qua các chính sách tài chính, trợ giúp pháp lý, thu hút nhân tài.

Tại Việt Nam, nhiều chính sách liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi cũng đã được luật hóa cụ thể trong Luật Người cao tuổi. Vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi cũng đã được quan tâm với những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận, coi đây không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển…

Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là số người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có bảy lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.

Hải An

Kỳ 2: Người cao tuổi chật vật tháo “vòng kim cô” “ốm tha, già thải”