Ngày 27/10, tại TP. HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp cùng với Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net) và AMRC – tổ chức phi chính phủ về các vấn đề lao động châu Á tổ chức hội thảo “Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam”.
Trong những năm gần đây, hệ thống chính sách an sinh xã hội có nhiều thay đổi tiến bộ hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động di cư. Tuy nhiên, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa việc làm tạo thu nhập và sự thụ hưởng phúc lợi xã hội, nhằm nâng cao cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động di cư lại rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức và thúc đẩy chính sách tốt hơn giai đoạn sắp tới.
Với mục tiêu nhìn lại thực trạng tiếp cận an sinh xã hội giai đoạn 2015 – 2020 với những thành công và hạn chế nhằm đưa ra những đề xuất vận động chính sách tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Vì vậy, hội thảo lần này các đại biểu sẽ thảo luận về đề tài an sinh xã hội cho người lao động di cư, trong đó nhấn mạnh đến lao động di cư trong khu vực phi chính thức.
Phát biểu tại hội thảo, Th.s Dương Thị Linh, Tổng cục Thống kê cho biết, lao động di cư hiện nay chiếm 8,4% tổng số lao động trong cả nước, trong đó, 3,1% di cư trong huyện, 1,5% di cư giữa các huyện trong tỉnh, 3,8% di cư giữa các tỉnh. Khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ lao động di cư cao nhất cả nước (20,4%), Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ lao động di cư cao nhất (35,8%), tiếp đến là TP. HCM (22,6%).
Có thể thấy, lao động di cư đang đóng góp một phần đáng kể cho nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến lao động di cư đến các thành phố lớn là để tìm việc làm mới, tăng nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, lao động di cư vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội, thu nhập không cao, nên chịu nhiều thiệt thòi về nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục… nhất là nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến số lao động thiếu việc làm tăng đáng kẻ ở cả ba khu vực kinh tế.
Trình bày tại hội thảo, đại diện mạng lưới M.net cho rằng, việc tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội của lao động di cư vẫn gặp khó khăn. Đơn cử như, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) chưa hấp dẫn người lao động, thời gian đóng dài, nhiều thủ tục còn rườm rà và mất thời gian.
Về giải pháp, đại diện M.net cũng đã xây dựng đề án BHXHTN và đề xuất 3 gói bảo hiểm ngắn hạn bổ sung vào BHXHTN (thai sản, ốm đau, trợ cấp gia đình/trẻ em)…nhằm hỗ trợ lao động di cư.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, chuyên gia nghiên cứu cho biết, qua khảo sát đối với lao động di cư sống ở các quận, huyện tại TP. HCM cho thấy chất lượng cuộc sống của người nhập cư còn thấp. Theo đó, “tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp chỉ 40%, 60% phải thuê nhà trọ. Phần lớn nhà thuê là nhà cấp 4 đơn sơ và cho thuê ngăn phòng ngủ, chủ yếu thuê ở khu vực hẻm nhỏ.
Từ những hạn chế trên, TS. Hương đề xuất, Nhà nước cần điều tiết di dân bằng các chính sách liên kết vùng, chính sách phát triển kinh tế xã hội: Lao động, việc làm, an sinh xã hội; cần có quy hoạch vùng, đô thị trọng điểm, liên kết vùng trong phát triển kinh tế.
“Riêng đối với TP. HCM, đề xuất ngoài các vấn đề về tăng chất lượng cuộc sống cho lao động di cư, cần có chính sách liên quan đến điều tiết phân bổ dân số cơ học tại đô thị và quản lý dân cư”, TS. Hương cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận một số nội dung về chất lượng sống của người nhập cư ở TP. HCM và làm thế nào để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho lao động di cư trong bối cảnh tác động của Covid-19….
Theo Tổng cục Thống Kê cho biết, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm: Mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập. Tại hội thảo, ông Phạm Anh Thắng – Trưởng đại diện văn phòng phía nam (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đến ngày 20/10, đã thực hiện giải ngân 12.673,703 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 12.742.301 người và 26.437 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Trong đó, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 7.948.538 người với kinh phí 5.947,152 tỷ đồng; nhóm đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ là 887.979 người với kinh phí 898,102 tỷ đồng; hỗ trợ 26.437 hộ kinh doanh với kinh phí 26,52 tỷ đồng. |
Theo baodansinh.vn