27/10/2020 1:29:32

Lý giải nguyên nhân sạt lở đất ở miền Trung

Những ngày vừa qua, mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền Trung đã gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở tại nhiều nơi, gây thiệt hại về cả người và của. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mới dự báo được sạt lở đất và liệu nguy cơ sạt lở có còn xảy ra khi mưa lũ vẫn đang phức tạp?

Cùng với “lũ chồng lũ,” thời gian qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt điểm sạt lở đất, trong đó có 3 điểm bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục người bị vùi lấp, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, khiến nhân dân cả nước xót thương.

Sau những tai họa ấy, câu hỏi đặt ra là tại sao sạt núi, trượt lở đất khủng khiếp lại liên tiếp xảy ra ở miền Trung như vậy và liệu nguy cơ sạt lở có còn xảy ra khi tình hình mưa bão vẫn đang tiếp diễn và khắp nơi đang chìm trong biển nước?

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, Tiến sĩ Bùi Văn Đức, giảng viên trường Đại học Mỏ – Địa chất cho rằng, để đánh giá một cách chính xác thì cần phải có nghiên cứu tổng thể. Tuy nhiên về sơ bộ, ông cho rằng, tình trạng trượt lở mặt dốc liên quan đến 2 vấn đề chính. Thứ nhất là các hoạt động của con người, bao gồm việc đào bóc đất đá với quy mô và khối lượng lớn, được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng mất ổn định thậm chí sụt trượt mái dốc taluy, đặc biệt dọc các tuyến đường giao thông vùng núi. Việc tách bóc đất đá sẽ phá vỡ trạng thái và điều kiện cân bằng tự nhiên của khối đất, đá, trong đó có thể kể đến như: thay đổi dòng chảy, thay đổi góc nghiêng và chiều cao mái dốc.

Nguyên nhân thứ 2 là do mưa lớn kéo dài, quá trình này làm cho độ ẩm của đất mái dốc tăng nhanh, sức kháng cắt của khối đất giảm đi, tùy theo mức độ có thể gây ra sạt lở mái dốc.

Đã có khá nhiều các giải pháp khác nhau được đưa vào để ứng phó với hiện tượng mất ổn định mái dốc, trong đó, một số nơi đã và đang thực hiện tiến hành quan trắc dịch chuyển của mái dốc thông qua lắp đặt các trạm quan trắc. Trên cơ sở đó để đưa ra những thang cảnh báo cho người dân sinh sống trong khu vực đó. Tuy nhiên, tiến sĩ Bùi Văn Đức chia sẻ rằng, phương pháp này cần thực hiện kết hợp với một số phương pháp khác, trong đó sự thay đổi độ ẩm của khối đất mái dốc cần được quan tâm hơn; bởi khi đã quan sát được sự dịch chuyển của mái dốc thì thời gian còn lại để chúng ta ứng biến với quá trình sạt lở không lớn, gây khó khăn cho việc phòng ngừa cũng như hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của sạt trượt mái dốc.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại hơn 20 tỉnh, tuy nhiên vẫn chưa thể dự báo được sạt lở đất. PGS, TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, sau 8 năm triển khai dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam,” đến nay, chúng tôi đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh.

Theo kế hoạch thì trong thời gian tới dự án sẽ xây dựng thêm các bản đồ đánh giá mức độ nguy hiểm trượt lở đất. Tức là hiện nay cứ phân vùng cảnh báo nhưng chưa xem xét đến mức độ nguy hiểm của chúng, sắp tới sẽ xem xét thêm các yếu tố như xác suất, tần suất xảy ra trượt lở, đối tượng có thể bị ảnh hưởng bởi trượt lở… Chắc chắn là các bản đồ kể trên có cảnh báo cũng như góp phần phòng tránh được trượt lở, nếu như chúng được sử dụng một cách triệt để, kịp thời.

Về lý thuyết là có thể dự báo được trượt lở và trên thực tế, ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, nhất là Hong Kong, người ta đã triển khai các biện pháp quan trắc, giám sát một số sườn dốc cụ thể, quan trọng, thậm chí có thể lắp đặt một số thiết bị quan trắc thời gian thực, giám sát qua internet, dự báo được khá chính xác thời điểm có thể xảy ra trượt lở.

Bên cạnh các nguyên nhân tự nhiên, việc xây dựng thủy điện và các công trình ven núi cũng có tác động đến việc sạt lở núi, đất đá. PGS, TS Trần Tân Văn cho rằng, nói chung là các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện, cắt chân sườn dốc tự nhiên lấy mặt bằng làm nhà… ít nhiều đều có tác động, đều đóng góp vào làm mất cân bằng sườn dốc. Chỉ có điều là nếu làm cẩn thận, có khảo sát đầy đủ, tính toán, thiết kế chi tiết và thi công chuẩn mực thì tác động sẽ ít hơn, còn không thì tác động sẽ rất lớn, thậm chí trực tiếp gây ra trượt lở.

Trong diễn biến liên quan, giáo sư tiến sỹ Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định: Lũ quét, sạt lở đất không chỉ do mưa, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Vì thế, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành khác nhau như thông tin về địa chất, tình hình sử dụng đất, về các lớp đường, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, những yếu tố tác động lớn, làm tăng lũ quét, sạt lở đất.

Và để cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, chúng ta cần có đầy đủ các loại thông tin, có như vậy thì bản tin mối chính xác hơn. Những lớp thông tin này cũng sẽ phải cụ thể đến mức chúng ta mong muốn, giúp cảnh báo chi tiết sạt lở đất tại cấp phường, cấp xã và thôn, xóm – những nơi thường xảy ra sạt lở đất.

PV (T/h)