Du lịch luôn là một trong những ngành mũi nhọn đang có xu hướng phát triển nhanh chóng ở nước ta hiện nay. Song chất lượng và số lượng nhân lực ngành du lịch luôn là bài toán khó, đặt ra yêu cầu cấp bách cần tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch phải tái cơ cấu thị trường để sớm phục hồi hậu Covid-19.
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch có bước tăng trưởng đầy ấn tượng. Riêng năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6% so với năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng đó, mỗi năm toàn ngành cần khoảng 40.000 lao động, song thực tế lượng sinh viên du lịch ra trường hàng năm chỉ khoảng 15.000 người.
Không chỉ thiếu về số lượng, ngành du lịch cũng đứng trước thách thức khi chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Tại hội thảo “Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – cho biết, giai đoạn 2015 – 2019, tỷ lệ lao động trong ngành du lịch có trình độ sau đại học chiếm 0,37%, lao động có trình độ đại học khoảng 24%, có trình độ cao đẳng khoảng 13%, trình độ trung cấp khoảng 14%…
Chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, chưa kể trong số đó sẽ còn một lượng lao động nhất định chưa đạt yêu cầu, đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng; 55% lao động thiếu kỹ năng nghiệp vụ, dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề.
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, lao động ngành du lịch cần năm 2020 trên 3 triệu lao động, trong đó khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Song, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, con số này khó khả thi và cần có chiến lược phát triển phù hợp.
Đặc biệt, việc phân bố nguồn nhân lực lao động nghề được đào tạo bài bản đều tập trung ở các thành phố lớn; lao động địa phương chưa được đào tạo về nghề. Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề, nhưng đội ngũ chuyên gia du lịch chuyên sâu còn ít, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trình độ cao tại các cơ sở đào tạo du lịch còn thiếu; liên kết giữa cơ sở đào tạo du lịch với các cơ sở kinh doanh du lịch còn hạn chế…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – cho hay, những năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi ngành du lịch phải nỗ lực để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức to lớn.
Thời gian qua, các đơn vị liên quan đã rất cố gắng triển khai xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, trong thực hiện có 3 vấn đề đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thiện và thực thi các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch.
Để giải quyết những vấn đề trên, cần phải hoàn thiện hệ thống chuẩn kỹ năng nghề, các bộ công cụ liên quan; triển khai thành lập hệ thống các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề và đội ngũ thẩm định viên; thành lập các Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng chứng chỉ quốc gia lĩnh vực du lịch; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia.
Theo Baocongthuong