02/10/2020 6:48:32

Tập huấn công tác chuyên gia kỹ thuật kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11

“Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay có nhiều đổi mới. Đặc biệt, công tác chuyên gia có vai trò vô cùng quan trọng đóng góp tới 80% chất lượng của kỳ thi nên cần tập trung thực hiện một cách nghiêm túc” – TS.Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN cho biết.

TS.Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN phát biểu tại Hội nghị

Sáng nay 2/10, tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tập huấn công tác chuyên gia kỹ thuật và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin kỳ thi kỹ năng tay nghề (CIS) trong kỳ thi Kỹ năng tay nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020.

Các chuyên gia – Những người “cầm cân nảy mực” quyết định chất lượng kỳ thi

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trường nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như những nhiệm vụ, yêu cầu đối với các chuyên gia kỹ thuật.

Theo đó, các chuyên gia có nhiệm vụ thực hiện đúng quy chế tổ chức kỳ thi và huấn luyện đội tuyển quốc gia, biên soạn đề thi, làm giám khảo, coi thi và giám sát kỳ thi.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội nghị

Kỳ thi năm nay sẽ mở rộng công tác chuyên gia, chú trọng vào chất lượng, năng lực gắn với thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật và chuyên môn, mặt khác, phải đảm bảo những giá trị và phẩm chất cốt lõi của con người, văn hóa, xã hội như tính liêm chính, minh bạch, công bằng, tinh thần trách nhiệm trong công việc…đáp ứng mục tiêu của kỳ thi và lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất.

Công tác giám sát kỳ thi kỹ năng nghề được tăng cường và chuẩn bị kỹ lưỡng, các đoàn được cử chuyên gia đến tham dự và giám sát kỳ thi. Đặc biệt, để đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối, BTC mời Cục An ninh chính trị nội bộ – Bộ Công An (A03) giám sát kỳ thi. Cùng với đó là quy trình đánh giá bài thi và chế tài chuyên gia vi phạm nghiêm ngặt.

Kỳ thi kỹ năng tay nghề quốc gia lần thứ 11: Tiệm cận với thi Kỹ năng nghề ASEAN

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Phó trưởng ban tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 cho biết: Đến nay, Việt Nam đã tổ chức thành công 10 kỳ thi kỹ năng tay nghề quốc gia, gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo sức lan tỏa lớn trong công tác giáo dục nghề nghiệp, khích lệ động viên tinh thần cho HSSV tích cực rèn luyện nâng cao kỹ năng tay nghề.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, phó trưởng ban tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11

Để nối tiếp và phát huy những thành công đã đạt được, đặc biệt kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đổi mới chất lượng các kỳ thi kỹ năng nghề , đẩy mạnh thực hiện chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng tay nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, nhấn mạnh công tác tổ chức kỳ thi cần có sự đổi mới tích cực.

Một số điểm mới đáng chú ý trong kỳ thi năm nay là quyết định đổi tên thành Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, thay vì kỳ thi tay nghề quốc gia như trước đó. Nâng tầm quy mô kỳ thi lên 34 nghề so với 26 nghề năm 2018 (tăng 8 nghề) trong đó có 7 nghề mới lần đầu tiên tổ chức.

Đặc biệt, kỳ thi năm nay có sự tham gia của doanh nghiệp trong vai trò BTC kỳ thi, cùng nhiều hoạt động bên lề được tổ chức nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi.

Nâng cao chất lượng thí sinh tham gia dự thi với đề thi được các chuyên gia nước ngoài biên soạn, tăng độ khó, tăng thời gian làm bài thi từ không quá 8 giờ lên 15 giờ và thi không quá 03 ngày, quy trình đánh giá bài thi áp dụng theo quy trình thế giới và ứng dụng CIS từng ngày thi cập nhật theo tiêu chuẩn thi KNN thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị, 2 chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường (nghề Lắp cáp mạng thông tin) và Nguyễn Quang Huy (nghề Lắp đặt điện) đã giới thiệu, hướng dẫn lắp đặt và sử dụng phần mềm CIS về các tiêu chí đánh giá bài thi, các biểu điểm bài thi và ứng dụng phần mềm CIS để chuyển kết quả theo thang điểm 700.

Một số đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế về công tác triển khai chấm và cập nhật điểm thi cũng như việc đảm bảo thời gian chấm thi…

Bên cạnh đảm bảo tốt chất lượng kỳ thi, BTC cũng đưa ra những yêu cầu về công tác đảm bảo ATLĐ, phòng tránh tai nạn trong quá trình vận hành máy móc…Đặc biệt, thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Được biết, Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 diễn ra từ ngày 28/9 đến hết ngày 10/10 và chia làm 2 đợt thi. Lễ khai mạc kỳ thi sẽ diễn ra vào 4/10 và bế mạc ngày 10/10/2020.

Thúy Anh