28/09/2020 8:12:12

Đưa giáo trình ATLĐ vào giảng dạy trong trường nghề: Rèn kỹ năng làm việc an toàn cho LĐ từ giai đoạn đào tạo nghề

“Giai đoạn 2021-2025, Cục An toàn lao động phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp rà soát, hoàn thiện giáo trình an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với một số lĩnh vực có nguy cơ cao về an toàn lao động và đưa vào chương trình giảng dạy chính thức tại 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước”.

Đây là nội dung được Ths Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về việc đưa giáo trình ATVSLĐ vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

-PV: Cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhiều cơ sở GDNN bên cạnh đào tạo kỹ năng nghề đã quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng ATVSLĐ cho HSSV. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc trang bị kiến thức ATLĐ cho lao động ngay từ giai đoạn đào tạo nghề?

+ Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Thơ: Tôi cho rằng, làm tốt công tác trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho người lao động ngay từ quá trình đào tạo nghề sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững trong việc giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn lao động sau này do các lỗi hành vi của con người.

Thực tiễn lao động sản xuất cho thấy, nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ) luôn tiềm ẩn. Trong năm 2020, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNLĐ, sự cố mất ATLĐ tại nhiều dự án, công trình, doanh nghiệp. Trong đó, nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, như vụ TNLĐ xảy ra ngày 14/5/2020 tại công trình xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare – Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong (10 người chết, 14 người bị thương)…

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời phỏng vấn Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống (Ảnh: Hải An)

Phân tích từ biên bản điều tra nhiều vụ TNLĐ chết người cho thấy, có đến hơn 70% số vụ có nguyên nhân chủ quan từ con người như: Người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động, còn người lao động thì vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ. Do đó, nếu quá trình học nghề tại trường, HSSV đồng thời được trang bị kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ thì đây là nền tảng quan trọng để các em tuân thủ đúng các quy định về ATVSLĐ trong quá trình lao động sau này, từ đó giảm thiểu nguy cơ TNLĐ.

Cũng có quan điểm cho rằng, HSSV sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn lao động. Tuy nhiên, tôi cho rằng, không nên có tư tưởng trông chờ vào việc huấn luyện của doanh nghiệp, bởi thời gian huấn luyện tại doanh nghiệp thường rất ngắn. Thậm chí có trường hợp việc huấn luyện được doanh nghiệp thực hiện tranh thủ vào giờ nghỉ trưa của công nhân với thời lượng từ 30 phút đến 1 tiếng, nội dung không gắn với công việc đang làm của người lao động. Do đó, sau buổi huấn luyện, người lao động không tích lũy được nhiều kiến thức về ATVSLĐ. Những kỹ năng về ATVSLĐ vì vậy vẫn là lỗ hổng lớn dẫn đến TNLĐ gia tăng.

Trong khi việc giảng dạy kiến thức ATVSLĐ ở nhà trường với một khoảng thời gian phù hợp sẽ giúp HSSV có thời gian để “ngấm”, từ đó hình thành tính kỷ luật, cũng như thói quen, nếp tư duy, cách thức làm việc đảm bảo an toàn sau này. Trên nền tảng kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đã được giảng dạy ở trường, việc huấn luyện về ATVSLĐ ở doanh nghiệp sau này sẽ một lần nữa củng cố, khắc sâu thêm kiến thức, kỹ năng cho các em, điều này rất tốt.

– PV: Với vai trò quan trọng của công tác giảng dạy ATLĐ tại cơ sở GDNN như ông vừa trao đổi ở trên thì thực tế triển khai hiện nay tại các cơ sở GDNN đã đáp ứng được chưa, thưa ông?

+Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Thơ: Từ năm 2010 trở về trước, việc giảng dạy ATVSLĐ chưa được các cơ sở GDNN quan tâm. Tuy nhiên trong 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của hệ thống GDNN, yêu cầu bức thiết về công tác ATVSLĐ, nhận thức về công tác này cũng đã được nâng cao và ngày càng được chú trọng, quan tâm.

Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức xây dựng và đưa 5 giáo trình môn học ATVSLĐ và các tài liệu kèm theo giáo trình phục vụ dạy học trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp các khối ngành kiến trúc, xây dựng; công nghệ kỹ thuật mỏ – địa chất; kinh tế; y tế; sư phạm thể dục thể thao… vào giảng dạy trong hệ thống các nhà trường đào tạo, dạy nghề.

Trường cơ sở GDNN đã đưa giáo trình về ATVSLĐ và đưa vào chương trình giảng dạy chính thức (Ảnh: Hải An)

Một số cơ sở GDNN cũng đã chủ động phối hợp xây dựng giáo trình về ATVSLĐ và đưa vào chương trình giảng dạy chính thức. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thực tiễn công tác giảng dạy hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mục đích yêu cầu đề ra. Sự quan tâm, thời lượng triển khai giảng dạy ATLĐ tại các cơ sở GDNN nhiều, ít còn khác nhau. Kiến thức giảng dạy về ATVSLĐ còn nặng lý thuyết mà chưa dành nhiều thời gian cho thực hành. Quá trình đào tạo nghề tại nhiều nhà trường cũng chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn.

Chúng tôi đi thực tế tại nhiều cơ sở GDNN, chỉ số ít nhà trường có khu vực thực hành đảm bảo ATLĐ và chú trọng giảng dạy ATVSLĐ cho HSSV, còn lại hầu hết chưa đạt. Nhiều trường chưa xây dựng được nội quy về ATLĐ tại khu vực dạy nghề, các trang thiết bị, nguyên vật liệu, máy móc để bừa bãi và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ngay trong chính khu vực thực hành của nhà trường.

Chúng ta phải nhận thức được rằng, ngoài kiến thức thì việc đảm bảo nội quy, quy trình về ATLĐ trong quá trình học đóng vai trò rất quan trọng. HSSV nhìn vào điều kiện đảm bảo ATLĐ của nhà trường, nhìn vào việc tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn của thầy, cô giáo để tự giác chấp hành tốt các quy định và dần hình thành ý thức, thói quen và thái độ làm việc an toàn, chuyên nghiệp. Môi trường đào tạo nghề an toàn, chuyên nghiệp cũng góp phần quan trọng để xã hội tôn trọng GDNN, tôn trọng giáo viên GDNN và học sinh lựa chọn theo con đường GDNN. Từ đó càng nhà trường càng thu hút thêm thầy giỏi, trò đông.

-PV: Vậy làm thế nào để việc giảng dạy về ATVSLĐ được triển khai rộng rãi trong các cơ sở GDNN, phát huy được hiệu quả trong việc rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho HSSV viên thưa ông?

+Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Thơ: Việc đưa giáo trình ATVSLĐ vào chương trình giảng dạy của hệ thống cơ sở GDNN thời gian qua đã được Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH hết sức quan tâm. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu GDNN – việc làm và ATLĐ giai đoạn 2016-2020 cũng đã đề cập đến nội dung “đưa và hoàn thiện nội dung, giáo trình về ATVSLĐ đã được xây dựng giai đoạn 2011 -2015 vào các chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, GDNN”.

Sinh viên cơ sở GDNN thực tập ATLĐ tại doanh nghiệp

Chúng ta cũng đã xây dựng được một số giáo trình, tài liệu về ATLĐ trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao về TNLĐ như cơ khí, khai thác mỏ, xây dựng… Các tài liệu này cũng đã được phổ biến trong các khóa huấn luyện ATLĐ, trong đó có huấn luyện cho giảng viên các trường nghề.

Ngày 11/9/2020 vừa qua, Cục An toàn lao động và Tổng cục GDNN cũng đã có buổi làm việc bàn phương hướng triển khai nội dung này. Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tài liệu này cùng với 5 giáo trình ATVSLĐ đã được bộ Giáo dục – Đào tạo xây dựng, triển khai. Trên cơ sở giáo trình, tài liệu được bổ sung, hoàn thiện, trình Bộ LĐ-TB&XH triển khai thống nhất đến cho 1.900 cơ sở GDNN trên cả nước.

Với việc chú trọng giảng dạy ATLĐ ngay từ quá trình đào tạo nghề, tôi tin tưởng rằng, tới đây chúng ta sẽ có đội ngũ lao động chuyên nghiệp, vừa giỏi nghề vừa có kỹ năng làm việc an toàn và đặc biệt là có tình yêu, đam mê với nghề nghiệp.

Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, thời gian tới Tổng cục GDNN và Cục An toàn lao động sẽ phối hợp: Tổ chức Hội thảo bàn sâu về nội dung an toàn sức khỏe trong phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong cơ sở GDNN; Nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Đề án chuẩn hóa lao động về an toàn sức khỏe lao động nói chung và trong cơ sở GDNN nói riêng; nghiên cứu tài liệu chuẩn hướng dẫn về an toàn sức khỏe lao động trong các cơ sở GDNN; rà soát và đánh giá lại về các trung tâm huấn luyện về ATLĐ cho các cơ sở GDNN, từ đó có định hướng lâu dài phát triển mô hình các trung tâm này; truyền thông, nâng cao ý thức của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDNN về ATLĐ.

Hải An (thực hiện)