Theo đó, nhà trường hướng nghiệp cho học sinh bằng cách giúp nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân; phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu đó…
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra đề xuất tại dự thảo Thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
“Gieo mầm” hướng nghiệp từ bậc tiểu học
Thông tư quy định về nhiệm vụ, biện pháp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, điểm mới đặc biệt là áp dụng ngay từ bậc tiểu học, bên cạnh áp dụng tại các trường Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT), trường chuyên biệt, các đại học (ĐH), học viện, trường ĐH, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm.
Mục đích của công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm này là nhằm giúp người học tự nhận thức về khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân; có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp để phát huy được năng lực định hướng nghề nghiệp, việc làm phù hợp; am hiểu về các ngành, nghề, việc làm trong xã hội.
Đối với công tác hỗ trợ khởi nghiệp, mục tiêu là thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng và động lực trong học tập, rèn luyện giúp người học có tinh thần phục vụ cộng đồng, xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện…
Tích hợp, lồng ghép hướng nghiệp vào môn học và các hoạt động
Ngay ở bậc tiểu học, nhà trường sẽ phải giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân như bác sĩ, giáo viên, lính cứu hỏa… các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội, hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Nhà trường sẽ tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình, tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học.
Ở cấp THCS, trường sẽ giáo dục học sinh hình thành thái độ và ý thức đúng đắn về lao động, nghề nghiệp, việc làm, tạo môi trường cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường; cung cấp, trang bị các thông tin liên quan để định hướng phân luồng, lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở.
Ngoài việc lồng ghép vào môn học, trường sẽ phải tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ chính khóa, tổ chức hội chợ giới thiệu ngành nghề, thông tin việc làm, doanh nghiệp, thị trường lao động cho học sinh, tối thiểu 1 lần trong năm học.
Đối với cấp THPT, trường sẽ hướng dẫn học sinh khai thác hệ thống thông tin về các cơ sở giáo dục ĐH, chương trình đào tạo; điều kiện, tiêu chuẩn và cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, cung cấp cho học sinh thông tin và xu hướng phát triển của các ngành, nghề trong xã hội, thông tin thị trường lao động, tổ chức cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đối với nhóm ngành, nghề, việc làm tương ứng với nguyện vọng nghề nghiệp. Trường phải tổ chức thêm ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm cho học sinh lớp 12.
Ở bậc ĐH, sinh viên sẽ được cung cấp thông tin về việc làm, thông tin tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng, thái độ của các nhóm ngành nghề và của đơn vị sử dụng lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Ngoài ra, tư vấn cho sinh viên một số kỹ năng tìm việc như làm hồ sơ, viết đơn xin việc, kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp với nhà tuyển dụng…
Những nội dung về hướng nghiệp trên sẽ được trường ĐH tích trên hệ thống thông tin hỗ trợ sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên phải được tham gia các hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn, các ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên năm cuối, sinh hoạt tại các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa và hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Theo Baodansinh