Cụ thể, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái. Điểm trung bình các môn thi đều tăng 0,2-1,2 so với năm ngoái. Điểm 10 nhiều hơn, với hơn 5.500 bài thi đạt mức điểm này (năm 2019 là 1.285), chủ yếu ở môn Giáo dục công dân.
Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng cao ngất ngưởng, lên đến 90 – 95%. Vậy thì cần gì phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa? Nên bỏ kỳ thi và thay vì cấp bằng tốt nghiệp THPT thì cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông”.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không nên vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao mà bỏ kỳ thi này. Giáo sư Phạm Tất Dong nêu quan điểm: “Tại sao mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn rất nhiều tiền cho kỳ thi THPT trong khi biết chắc tỷ lệ đỗ tới hơn 90%, trong khi đó bằng tốt nghiệp THPT hiện nay không còn giá trị lớn, chỉ như một tờ giấy khai sinh của đứa trẻ. Vì thế không nên quá khắt khe về kỳ thi THPT”.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, nhiều giáo viên còn ngạc nhiên về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay. “Thậm chí họ nói rằng nếu họ được tự đánh giá thì chỉ đạt 60% nhưng lúc đi thi họ rất mừng vì học sinh của mình đỗ tới 89 – 90%. Tại sao chúng ta cứ phải bỏ tiền ra để biết rằng hơn 90% học sinh thi đỗ?”, Giáo sư nói.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: “Lâu nay văn hóa của ta, đối với học sinh nếu không thi là không học, nếu không thi thì giáo viên dạy không đúng định hướng đổi mới.
Do đó, nếu không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục”.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Không chỉ Việt Nam mà quốc tế họ cũng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng điều quan trọng là nếu không thi thì học sinh không học, giáo viên không dạy, cần gì dạy chỉ cần phê vào học bạ là xong.
Hơn nữa, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải đưa ra kỳ thi này để có chuẩn chung của cả nước.”
Còn theo thầy Lâm, thi là kết quả đánh giá quá trình học tập trong khi quá trình học tập nào cũng phải kiểm tra, Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định điều đó.
“Chính vì vậy, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa đúng thực tế, vừa đúng khoa học giáo dục. Không có quá trình học nào mà không kiểm tra đánh giá, nếu không kiểm tra, đánh giá thì coi như không học”, thầy Lâm khẳng định.
Lâu nay chúng ta thiên về dạy chữ, nay muốn phát triển tư duy, năng lực học trò thì hình thức thi phải thay đổi. Tuy nhiên, hình thức thi như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ và đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình.
Cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thể giao cho địa phương xây dựng đề thi, “chỉ khi nào Bộ có lượng đề thi đủ lớn và khả năng tổ chức thi địa phương thật sự tốt thì khi đó phân cấp mạnh hơn nữa”.
Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kể câu chuyện ông vừa giải quyết liên quan đến Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT.
Khi học hết bậc THCS, học sinh được chuyển sang học nghề. Trong khi học nghề, các em sẽ được học văn hóa, nhưng học văn hóa trong trường nghề thì không được tham gia thi THPT và không có bằng tốt nghiệp THPT. “Sau khi lấy ý kiến của nhân dân và phụ huynh, hầu hết rất bức xúc và đều muốn rằng, các học sinh dù học văn hóa ở trường nghề cũng phải được thi tốt nghiệp THPT và có bằng THPT vì đó là danh dự của con cái họ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
PV (t/h)