Giành Huy chương Đồng trong kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2015, chàng trai trẻ 9x Nguyễn Duy Thanh đã trở thành Founder công ty giải pháp phần mềm. Duy Thanh là 1 trong 10 Đại sứ nghề Việt Nam lần đầu tiên được vinh danh năm 2020.
Thừa nhận mình là người nghiện game online từ nhỏ, Duy Thanh – chàng trai trẻ đến từ xứ dừa Bến Tre không ngại kể chuyện bố mẹ cũng nhắc nhở để con vừa học và chơi sao cho hợp lý. Chơi nhiều nhưng Thanh không lao vào như con thiêu thân mà em để ý, đào sâu vào lô gic của trò chơi và tìm ra không ít “lỗi”. Những “lỗi” đó giống như những hạt sạn trong bát cơm khiến em khó chịu và luôn đau đáu tìm cách sửa chữa để có những tính năng tốt, hợp lí hơn.
Yêu công nghệ từ những điều đó, hết cấp 3 Thanh theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh với thành tích vô cùng nổi bật. Em giành liên tiếp nhiều giải thưởng ở các cuộc thi về IT trong nước, và được chọn vào đội tuyển tham gia dự cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2015. Thanh xuất sắc giành được tấm Huy chương Đồng đầu tiên cho Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
PV Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với Duy Thanh để đánh giá góc nhìn “Học nghề không phải là lựa chọn Cuối cùng, mà là một Con đường”.
Bạn đánh giá như thế nào về vai trò của học nghề, đặc biệt với người trẻ khi lập nghiệp?
Theo quan điểm của tôi, học nghề – Kỹ Năng Nghề có vai trò cực kì quan trọng khi thực tế hiện nay, phần lớn các công ty sử dụng lao động đều tuyển người lao động/nhân viên của mình với tiêu chí đầu tiên là làm được, và làm tốt công việc được giao. Để làm tốt đòi hỏi đó, không gì hơn là các bạn phải giỏi kỹ năng nghề.
Còn với lập nghiệp, kỹ năng nghề cũng vô cùng cần thiết, bởi các bạn phải hiểu rõ cả quy trình làm việc, có thể làm ở bất cứ giai đoạn nào, phần nào của công việc. Phải có kinh nghiệm, đặt mình vào vị trí của từng người để đánh giá công việc và làm việc. Mà kinh nghiệm phải qua làm việc thực tế mới có. Phần lớn chủ doanh nghiệp đều đã từng làm thợ, hay chí ít phải hiểu rõ việc làm thợ.
Và bất kỳ ngành nghề nào cũng cần những người thợ giỏi: Ví như xây dựng, may, nấu ăn…. đến nghề công nghệ cao như điện tử, IT… đều phải có người thợ, người xây dựng chính trong lĩnh vực đó. Nếu nắm vững kỹ năng nghề, các bạn sẽ tự tin hơn, nắm vững được công việc của mình, sau đó phát triển đi lên và có thể lập nghiệp.
Không ít bậc phụ huynh và cả các bạn học sinh hiện vẫn giữ quan điểm, học kém mới chọn theo học các trường nghề. Cách nhìn của bạn như thế nào về vấn đề này?
Vấn đề này vốn đã tồn tại từ rất lâu và đến giờ vẫn vậy. Tôi nghĩ điều này có đúng có sai. Đúng là vì mỗi người mỗi khác nên chọn lựa học nghề do phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện bản thân, gia đình hay sở thích cá nhân thì có gì sai?
Còn nó sai ở nhìn nhận, quan điểm của chúng ta. Học nghề không phải con đường cuối cùng “MỚI PHẢI CHỌN”, nó hoàn toàn có thể là sự lựa chọn ngang hàng với đại học, con đường ấy cũng có thể dẫn tới thành công.
Với tình hình lao động hiện nay, kỹ sư thậm chí thạc sỹ, tiến sỹ vẫn rất nhiều người thất nghiệp. Vậy tại sao cứ phải nhất quyết theo lối mòn suy nghĩ của những người trước?! Học đại học mất ít nhất 4 năm, trong khi học nghề chỉ mất 2 – 3 năm ,thậm chí ít hơn và sau đấy có thể đi làm ngay. Sau 4 năm đã có 1 – 2 năm kinh nghiệm làm việc. Và như trên đã nói, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều chọn người có thể làm được việc, có kinh nghiệm. Để thấy học nghề dễ hơn đại học nhiều.
Tôi không có ý so sánh giữa đại học và học nghề, mỗi bậc học có điểm mạnh và sứ mệnh riêng. Quan trọng là dù đi theo con đường nào cũng có thể thành công, phụ thuộc chính vào khả năng, sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người. Vì vậy, hãy chọn con đường nào phù hợp với bản thân nhưng phải nỗ lực để thành công.
Đã từng trải qua các cuộc thi tay nghề cấp độ quốc tế, bạn đánh giá sự khác biệt lớn nhất giữa tay nghề của người thợ Việt Nam so với thế giới là gì?
Nói về kỹ năng nghề, Việt Nam và thế giới không có khác biệt quá xa. Các cuộc thi tôi từng trải qua cũng đã chứng minh điều đó. Kỹ năng nghề Việt Nam cũng có tên trên bảng xếp hạng, đã có nhiều huy chương, chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới.
Khác biệt lớn nhất là sự nhìn nhận, chuẩn bị của Việt Nam so với các nước. Như Hàn Quốc, họ đánh giá rất cao tầm quan trọng của kỹ năng nghề. Từ cấp 3, họ đã định hướng nghề nghiệp cho học sinh vào những trường chuyên biệt để học và rèn luyện kỹ năng nghề, cọ xát trong môi trường doanh nghiệp… Đến khi tốt nghiệp đại học, sinh viên đã có 4 – 5 năm kinh nghiệm, trong đó có cả kinh nghiệm làm việc thực tế với doanh nghiệp. Còn sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam gần như không có kinh nghiệm làm việc. Khi đi làm mới bắt đầu quá trình tìm hiểu và học kinh nghiệm thực tế.
Khi ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới 2015 tại Hàn Quốc, tôi có hỏi các thí sinh của đội Hàn Quốc và được biết, họ đã học và rèn luyện kỹ năng nghề từ lớp 11 – 12, tức là đã học, rèn kỹ năng nghề được 3 – 4 năm, trong khi tôi mới chỉ học và rèn luyện được hơn 1 năm, và họ thậm chí còn kém tuổi tôi.
Trở thành thợ giỏi là đích đến của nhiều học sinh, sinh viên khi bước chân vào trường nghề. Theo bạn đánh giá, “giỏi” bao gồm những yếu tố nào?
Giỏi kỹ năng nghề chỉ là đích đến trước mắt, không phải đích đến cuối cùng, bởi từ việc giỏi kỹ năng nghề đến nắm rõ, làm chủ công việc, phát triển công việc và có thể cao hơn nữa là làm chủ doanh nghiệp, đó mới là đích cuối.
Giỏi ở đây gồm nhiều yếu tố và khó định nghĩa, tùy thuộc vào mỗi nghề. Nhưng theo tôi, trước tiên là phải làm được đã, làm từ những phần cơ bản, đến nâng cao rồi chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, phải hiểu bản chất của công việc, từ tổng quan đến chuyên sâu, tiếp đến là quản lý và vận hành, cuối cùng là phát triển nó. Ví dụ nghề IT – phần mềm, đầu tiên phải viết được những phần mềm cơ bản, phải hiểu chương trình của mình, rồi nâng cao lên, học thêm công nghệ mới, viết phần mềm nâng cao, và cuối cũng quản lý cả quy trình phần mềm đấy.
Vấn đề lý thuyết thì tùy theo ngành nghề, có nghề nhiều nghề ít, nhưng theo tôi tôi thuyết từ 30-40% là ổn. Tất nhiên, có nghề cao hơn nghề thấp hơn. Tôi nghĩ cần phải tăng cường thêm thực hành cho sinh viên, nhất là cọ xát trong môi trường doanh nghiệp. Quan trọng là phải định hướng nghề nghiệp cho HSSV. Định hướng ở đây là giúp cho HSSV hiểu được nghề của họ cần cái gì, phải luyện cái gì để tốt, để họ tập trung cho việc đó.
Được biết, từ sau Cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2015, bạn đã trở thành chuyên gia huấn luyện các thí sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi tay nghề ASEAN 2016 – 2018 và cả 2020 sắp tới. Vậy bạn đánh giá như thế nào về công tác dạy nghề của Việt Nam?
Tôi cho rằng công tác dạy nghề đang ngày càng được cải thiện. Bộ LĐ-TB&XH cũng như Tổng cục GDNN đã có nhiều quan tâm, chỉ thị hơn tới việc dạy và học nghề. Tồn tại, hạn chế vẫn còn nhưng đã giảm đi nhiều. Trong góc độ hẹp là các cuộc thi kỹ năng nghề, điều kiện thực hành, luyện tập cho thí sinh còn ngắn và thiếu thốn, nhất là các nghề công nghệ cao. Việc tuyên truyền tầm quan trọng của các kỳ thi kỹ năng nghề còn hạn chế.
Tuy nhiên, gần đây Tổng cục GDNN đã tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ nhiều hơn trong công tác luyện thi…Công tác tuyên truyền cũng cải thiện hơn với những chương trình mới thu hút người trẻ, nâng cao hiểu biết về kỹ năng nghề trong tầng lớp lao động. Việc chọn lựa, ra mắt Đại sứ nghề là một ví dụ. Công tác chuẩn bị hậu cần trong các kỳ thi cũng tốt hơn, việc tuyển chọn chuyên gia, thí sinh ngày một gắt gao, chuyên nghiệp hơn.
Trở thành 1 trong 10 đại sứ nghề Việt Nam năm 2020 là sự ghi nhận đáng tự hào, nhưng cũng đặt lên vai bạn trọng trách to lớn là lan tỏa đến các bạn trẻ vai trò quan trọng của kỹ năng nghề với sự phát triển của xã hội. Bạn đã có kế hoạch gì cho việc này?
Đây là trọng trách nhưng cũng là điều mà tôi mong mỏi. Hiện tại, tôi vẫn đang hợp tác với Tổng cục GDNN trong các chương trình liên quan đến kỹ năng nghề. Bên cạnh đấy, tôi vẫn tiếp tục làm chuyên gia để hướng dẫn thế hệ đi sau tham gia những kỳ thi tay nghề trong nước và ASEAN. Ngoài ra tôi đã và đang định hướng, giải đáp thắc mắc cho các bạn trẻ qua internet, mạng xã hội hoặc tìm đến tôi, tham gia các buổi định hướng, hướng nghiệp cho một vài trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Thông qua báo chí truyền thông, tôi cũng mong muốn có thêm những cơ hội thế này để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa đam mê đến các bạn trẻ, hy vọng có thể giúp họ định hướng tốt hơn trên con đường chọn nghề, lập nghiệp.
Hiện tại, tôi đang là Founder của 1 công ty chuyên về giải pháp phần mềm cho trường học và doanh nghiệp, cũng như giải pháp online. Tương lai công ty sẽ phát triển mảng giáo dục, với hy vọng có thể góp phần xây dựng nên đội ngũ lao động có tay nghề cao.
Nội dung: Hồng Phúc
Thiết kế: Thúy Anh
- [E-Magazine] Gặp chàng trai bỏ ngang đại học theo đuổi đam mê máy móc
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Ấn tượng 2 anh em ruột cùng giành Huy chương Vàng ASEAN
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên và bài học về giá trị của học nghề
- [E- Magazine] Bùi Đình Duy – Ước mơ mang ngành thiết kế đồ họa Việt ra thế giới
- [E-Magazine] Nguyễn Đăng Khiết – Hành trình từ cậu học sinh trường nghề thành Chủ tịch HĐQT